21/01/2010 07:25 GMT+7

Cảnh báo về mổ lasik

KIM SƠN thực hiện
KIM SƠN thực hiện

TT - Tại TP.HCM nhiều cơ sở mổ lasik ra sức quảng cáo từng đợt miễn giảm 10%, 30%, 50% cho HSSV, CBNV... Song trên thực tế đã có bệnh nhân bị mù cả hai mắt sau mổ và đau nhức đến mức phải xin bỏ mắt!

bPp7lTIP.jpgPhóng to

TS. BS Trần Anh Tuấn -Ảnh: K.SƠN

TT - Tại TP.HCM nhiều cơ sở mổ lasik ra sức quảng cáo từng đợt miễn giảm 10%, 30%, 50% cho HSSV, CBNV... Song trên thực tế đã có bệnh nhân bị mù cả hai mắt sau mổ và đau nhức đến mức phải xin bỏ mắt!

PV Tuổi Trẻ đã trao đổi với TS.BS Trần Anh Tuấn, khoa mắt BV Đại học Y dược TP.HCM, về vấn đề này.

* Quảng cáo mổ lasik có thể chữa khỏi cận thị, viễn thị, loạn thị, cả lão thị. Theo bác sĩ, thực tế có như vậy? Trường hợp nào không nên mổ?

- Theo tôi, để mổ lasik bệnh nhân phải trên 18 tuổi và độ cận thị phải ổn định (trong một năm không tăng quá 0,75 độ). Cần lưu ý, mổ lasik là chiếu laser để chỉnh độ cận hiện có của bệnh nhân chứ không chữa dứt được cận thị. Do vậy, nếu độ cận thay đổi thì sẽ bị tái cận, thời gian tái cận nhanh hay chậm tùy từng người.

Bạn cần tìm hiểu kỹ thông tin về mổ lasik, những cái “được” và “mất” của phương pháp này, đặt câu hỏi với bác sĩ mổ rồi hãy quyết định. Cần thận trọng với bệnh nhân cận thị trên 6 độ, nếu cận trên 8 độ thì khả năng bị cận lại sau mổ cao.

* Thưa bác sĩ, trên 40 tuổi lão thị đã xuất hiện, mổ có thật sự tốt?

- Với người trên 40 tuổi, khả năng điều tiết của mắt sẽ giảm theo thời gian, độ kính lão bạn đeo sẽ ngày càng tăng. Sự tăng này tùy theo sức khỏe và tình trạng mắt của mỗi người. Do vậy, nếu mổ điều chỉnh lão thị khi 40 tuổi chưa chắc còn thích hợp khi ở tuổi lớn hơn.

Phẫu thuật lão thị hay bị ảnh hưởng bởi môi trường (ánh sáng mặt trời ảnh hưởng đến sự lành sẹo trên giác mạc) kết quả thường không bền. Tốt nhất nên mang kính điều chỉnh lão thị, khi nào kính cũ không còn tác dụng thì thay kính mới. Mắt chúng ta không thể mổ nhiều lần được.

OfWpYgDm.jpgPhóng to
Mổ lasik chữa cận thị cho bệnh nhân bằng máy móc, thiết bị y tế kỹ thuật cao ở Bệnh viện Mắt TP.HCM (ảnh minh họa) - Ảnh: N.C.T.

* Có ý kiến cho rằng nếu bệnh nhân đã mổ lasik - dù tuổi 18 hay trên 40, sau này nếu bị đục thủy tinh thể sẽ gặp khó khăn do không thể đo công suất thủy tinh thể nhân tạo chính xác?

- Mắt cận thị nặng, cận thị tiến triển (cận trên 6 độ) thường bị đục thủy tinh thể sớm hơn người bình thường 10 năm. Do vậy, ở tuổi ngoài 40 đã có dấu hiệu đục thủy tinh thể ở người cận thị nặng, phải mổ phaco, đặt thủy tinh thể nhân tạo (IOLs). Công suất của IOLs tùy thuộc kích cỡ mắt mỗi người. Khi đặt IOLs, bác sĩ phải đo tính công suất IOLs cho từng bệnh nhân. Với mắt chưa qua phẫu thuật trên giác mạc (chưa mổ cận thị) thì các công thức tính công suất IOLs hiện nay đã đạt đến mức độ hoàn thiện, chọn đúng công suất cho mắt đạt thị lực cao sau mổ.

Tuy nhiên công thức tính công suất IOLs cho mắt đã qua phẫu thuật cận thị chưa đạt độ chính xác cao, do vậy không đạt thị lực cao sau mổ, còn phải chỉnh kính đeo thêm sau mổ và có trường hợp phải mổ lại để đổi IOLs khác. Do vậy nếu một người cận nặng trên 40 tuổi mà đi mổ lasik sẽ bị tốn tiền hai lần (một lần cho phẫu thuật lasik và một lần cho phẫu thuật phaco sau này) mà độ chính xác của mắt sau mổ lại không cao.

Theo tôi, nếu cận trên 6 độ và trên 40 tuổi thì bệnh nhân nên chờ một thời gian nữa, khi có đục thủy tinh thể sẽ giải quyết cả cận thị và đục thủy tinh thể trong một phẫu thuật. Tốn tiền một lần, đạt độ chính xác cao.

* Bác sĩ có lời khuyên gì cho bệnh nhân muốn mổ lasik?

- Phẫu thuật lasik là một cuộc cách mạng trong phẫu thuật khúc xạ vì tính chính xác và thị lực hồi phục nhanh sau phẫu thuật. Tuy nhiên, phẫu thuật lasik không phải dành cho tất cả bệnh nhân cận thị. Nếu chỉ định đúng thì phẫu thuật này là phương thức kỳ diệu để điều chỉnh cận thị. Nếu chỉ định sai thì hậu quả thật khôn lường vì đa số bệnh nhân cận thị là những người trẻ, còn cả một tương lai dài trước mắt.

Nếu bạn không muốn mang kính gọng thì có thể mang kính tiếp xúc khi tham gia một số hoạt động. Nếu vì ngành nghề đặc biệt không được mang kính gọng và kính tiếp xúc mới mổ lasik.

Nếu bạn chỉ cận nhẹ 1-2 độ, không bị lệ thuộc kính thì không cần phải mổ, vì sau này khi 40 tuổi bị lão thị sẽ không cần đeo kính lão (đây là một ưu thế so với người bình thường). Nếu cận trên 6 độ thì nên thận trọng theo dõi độ cận và luôn nhớ là chỉ mổ khi độ cận thật ổn định. Tỉ lệ bị cận tái phát sẽ cao hơn nhóm cận thị dưới 6 độ.

Trên 40 tuổi không nên phẫu thuật cận vì bạn... sắp bị đục thủy tinh thể. Khi được bác sĩ tư vấn không nên mổ thì đó là những lời khuyên tốt, nên tuân thủ. Bạn đừng quá kỳ vọng vào phương pháp mổ lasik và tìm nơi khác để “được mổ“ thì hậu quả vô cùng tai hại. Đã có trường hợp không thể cứu vãn được thị lực như trước mổ.

KIM SƠN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên