07/09/2009 08:00 GMT+7

Rối loạn tâm thần hoang tưởng: Phẫu thuật có chữa khỏi không?

(Nguồn do một thành viên Hội Phẫu thuật thần kinh VN cung cấp)
(Nguồn do một thành viên Hội Phẫu thuật thần kinh VN cung cấp)

TT - Giữa tháng 6-2009, một vài tờ báo đưa tin lần đầu tiên tại VN, các bác sĩ (BS) ở Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Bình Định chữa thành công một bệnh nhân bảy năm bị rối loạn tâm thần thể hoang tưởng bằng phương pháp phẫu thuật. “Kỳ tích” này bị một số BS phản ứng quyết liệt, cho rằng không thể có...

uM0fDg9L.jpgPhóng to
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang khám cho bệnh nhân Nguyễn Thị H. - người vừa được mổ não chữa rối loạn tâm thần hoang tưởng ở Bệnh viện đa khoa Bình Định (ảnh chụp ngày 4-9 tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM) - Ảnh: Kim Sơn

Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi điện thoại đến khoa ngoại thần kinh, rồi phòng kế hoạch tổng hợp BV Đa khoa Bình Định xin địa chỉ bệnh nhân vừa mới được phẫu thuật thành công, nhưng chỉ được cho biết rất chung chung rằng ở phường đó, quận đó thuộc TP.HCM.

Theo chỉ dẫn trong bài báo, chúng tôi tìm đến trạm y tế thuộc địa phương mà bệnh nhân cư trú, một nhân viên của trạm này nói rằng có rất nhiều người cũng đến hỏi “nhưng chúng tôi tìm không ra bệnh nhân”. Công an phường, cả trung tâm y tế dự phòng quận (nơi quản lý chương trình tâm thần) đều trả lời không biết.

Qua một kênh khác, chúng tôi nhận được thông tin từ phía BV Đa khoa Bình Định cho biết hiện bệnh nhân ổn định, diễn biến tốt, nếu cần thì liên lạc qua số điện thoại 0903... Tuy nhiên khi chúng tôi gọi tới, gia đình bệnh nhân không chấp nhận tiếp xúc.

Một nhân chứng

Chuyện tìm kiếm bệnh nhân - bằng chứng của “kỳ tích” - gần như rơi vào bế tắc thì bất ngờ chúng tôi nhận được tin báo có một bệnh nhân vừa ra viện sau mổ rối loạn tâm thần ở BV Đa khoa Bình Định và phải vào điều trị tại BV Tâm thần TP.HCM trưa 4-9. Đó là chị Nguyễn Thị H. (33 tuổi, ngụ tại Long Thành, Đồng Nai). Bệnh nhân H. xuất viện BV Đa khoa Bình Định ngày 1-9 nhưng sau đó không ăn, không uống, không ngủ và nói nhảm suốt mấy ngày liền. Người nhà cho biết chị H. bị rối loạn tâm thần từ năm 2001, điều trị ngoại trú tại BV Tâm thần TP.HCM, có lúc ổn định nhưng có lúc tái phát. Đầu tháng 6-2009, bệnh nhân cũng như gia đình đọc báo thấy nói BV Đa khoa Bình Định mổ não chữa khỏi tâm thần nên tìm đến và nhập viện ngày 9-6.

Antonio Egas Moniz (1874-1955) là tác giả phương pháp phẫu thuật cắt bỏ chất trắng của thùy trán để điều trị một vài bệnh tâm thần và được giải Nobel về sinh lý học - y học năm 1949. Phương pháp này dù nhận giải Nobel nhưng vẫn là một giải Nobel gây tranh cãi đến 50 năm sau. Đây là phương pháp một thời được hợp pháp hóa ở nhiều nước nhưng hiện nay đã bị bãi bỏ chính thức trên toàn thế giới vì lý do đạo đức và khoa học. Liên bang Xô viết hợp pháp hóa năm 1950 và bãi bỏ năm 1987. Hoa Kỳ cũng hợp pháp hóa năm 1950 và bãi bỏ năm 1977.

Mẹ chồng chị H. - bác Lê Thị Vân, người túc trực chăm sóc bệnh nhân suốt ba tháng sau phẫu thuật - kể lại: “BS Tỵ (TS Phạm Tỵ, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Định - PV) nói con tôi bị rối loạn thần kinh, phải mổ, nếu không mổ thì không được.

Mổ xong cháu tỉnh, nhưng khoảng sáu giờ sau phát hiện liệt nửa người bên trái, BS cho châm cứu, tập vật lý trị liệu, đến nay (4-9) chân vẫn yếu và phải nâng lên khi đi, tay thì cầm được nhưng giơ lên không được như trước. Điều trị sau mổ khoảng một tháng thì con tôi lại bỏ ăn, không ngủ.

BS cho chích thuốc ngủ, truyền nước biển... nhưng mấy cũng không đỡ. Đến ngày 6-8, chúng tôi tìm đến BV Tâm thần Bình Định - cách đó khoảng 10km - để mua thuốc. Lấy thuốc về uống vài ngày thấy đỡ. BS Tỵ nói mổ sẽ khỏi hẳn, nhưng sau mổ thì BS Tỵ lại nói mổ xong phải uống thuốc chữa tâm thần từ sáu tháng đến hai năm...”.

Bà Vân tâm sự: ngoài viện phí 40 triệu đồng, tính tổng cộng các chi phí mất khoảng 60-70 triệu đồng. “Nhưng nay lại như thế này, tiền mất tật mang” - bà Vân than thở.

Trong giấy xuất viện của BV Đa khoa Bình Định có ghi: bệnh nhân Nguyễn Thị H., nhập viện 9-6, ra viện 1-9, chẩn đoán: động kinh/ rối loạn tâm thần. Phương pháp điều trị: phẫu thuật. Lời dặn của thầy thuốc: ăn uống, nghỉ ngơi, tái khám sau ba tháng. Trả lời câu hỏi chị H. có động kinh hay không, bà Vân nói: “Khi còn ở BV Đa khoa Bình Định, BS có hỏi nhiều lần, tôi đều trả lời cháu không có động kinh. Nhưng hôm làm giấy xuất viện tôi vội quá không mang kính, về mới phát hiện ghi như vậy”.

Đã mổ gần chục trường hợp

Trước khi tiếp xúc với bệnh nhân, ngày 28-8, chúng tôi có cuộc trao đổi qua điện thoại với TS Phạm Tỵ, người trực tiếp thực hiện các ca mổ. Ông Tỵ cho biết chỉ mổ não chữa rối loạn tâm thần khi dùng thuốc không hiệu quả, chứ không phải bệnh tâm thần nào cũng mổ được. Ông Tỵ nói mổ can thiệp vào một vùng trên não gọi là hệ viền.

Nếu can thiệp nhiều vị trí thì thành công cao, nhưng tỉ lệ tử vong và biến chứng cũng cao hơn. Còn nếu chỉ can thiệp một hoặc hai vị trí, tỉ lệ thành công thấp nhưng an toàn. Do vậy, thường người ta chỉ can thiệp một hoặc hai vị trí, nếu chưa đạt có thể mổ lần thứ hai hoặc nhiều lần nữa.

Theo ông Tỵ, mổ não chữa rối loạn tâm thần phải chấp nhận có một tỉ lệ liệt bán phần không hoàn toàn, hồi phục sau một tuần hay 3-6 tháng, nhanh hay chậm tùy cơ địa. Sau mổ, bệnh nhân vẫn uống thuốc tâm thần sáu tháng đến hai năm, liều giảm dần, không được ngưng thuốc đột ngột, sẽ gây hội chứng nghiện thuốc.

Ông Tỵ nhấn mạnh cơ chế gây bệnh tâm thần là một cơ chế phối hợp yếu tố nội tại với yếu tố xã hội, cho nên bệnh nhân tâm thần đã được mổ mà gặp điều kiện gây tâm thần trước đó lặp lại thì cũng có thể bị lại. “Tính đến nay BV Đa khoa Bình Định đã mổ khoảng 8-9 ca. Có người bớt rất rõ, có người bớt chậm. Đây là vấn đề lớn mà cũng mới nên từ từ thăm dò” - ông Tỵ nói.

Phương pháp mổ não chữa rối loạn tâm thần có được thông qua Bộ Y tế hay không? TS Phạm Tỵ trả lời: “Phương pháp này thế giới đã làm cách đây nửa thế kỷ nhưng VN mình lạc hậu nên chưa làm. Năm 2004-2005 tôi đã học trên một năm ở Pháp về phẫu thuật thần kinh chức năng. Pháp cũng mổ não chữa rối loạn tâm thần và họ đã đúc kết thành sách giáo khoa. Cách đây bảy năm, tôi có báo cáo một chương trình phẫu thuật thần kinh chức năng cho Bộ Y tế, gồm cả chữa động kinh, tâm thần, Parkinson, chống nghiện... Riêng về mổ não chữa động kinh đến nay mổ 50-70 ca và đạt kết quả ngang ngửa với thế giới. Theo tôi, kỹ thuật mới phát minh thì phải trình Bộ Y tế, còn những kỹ thuật mới ứng dụng thì không phải trình”.

Các nhà chuyên môn nói gì?

ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang - trưởng khoa nữ BV Tâm thần TP.HCM, giám định viên pháp y tâm thần TP.HCM - phân tích: hệ viền mang tính chất cấu trúc rất phức tạp, nơi đây diễn ra các hoạt động chức năng tâm thần như hành vi, tác phong, tư duy, cảm xúc, suy nghĩ, trí nhớ... Người ta chỉ biết được cơ chế hoạt động của hệ viền chứ không thể định vị một cách chính xác vị trí vùng (hay khu) của từng mặt hoạt động tâm thần. Ông Quang nhấn mạnh: “Tâm thần là phạm trù bao gồm các mặt hoạt động tâm thần của con người, vậy phẫu thuật để lấy ra cái gì?”.

Theo ông Quang, ông biết có trường hợp ngụ ở quận 3 bị tâm thần phân liệt thể hoang tưởng, đang điều trị ngoại trú tại BV Tâm thần TP. Gia đình đã đưa bệnh nhân ra BV Đa khoa Bình Định mổ, chi phí điều trị và ăn ở tốn khoảng 40 triệu đồng. Nhưng sau mổ trở về, bệnh nhân bị yếu nửa người bên trái, có biểu hiện hoảng sợ, lo lắng, khó ngủ, tai bị ảo giác... Đầu tháng 8-2009 gia đình lại đưa bệnh nhân ra BV Đa khoa Bình Định để chữa tiếp, đến nay chưa rõ tình hình thế nào.

Ông Quang khẳng định theo y văn, mổ não chữa tâm thần xuất hiện ở Hoa Kỳ, Anh và một số nước từ năm 1936 nhưng đã phải dừng từ những năm 1980 do các tai biến trầm trọng từ phẫu thuật. Ông Quang kết luận: “Phải có đánh giá, thẩm định một cách khách quan và khoa học giữa chuyên ngành tâm thần và thần kinh trên các ca đã mổ vừa qua”.

PGS.TS Nguyễn Viết Thiêm - nguyên chủ nhiệm bộ môn tâm thần Đại học Y Hà Nội - cho rằng chỉ những trường hợp tâm thần do các tổn thương thực thể gây ra như u não, phồng động mạch, những viêm dính hoặc tắc nghẽn... mà điều trị bằng thuốc không được thì phải chỉ định phẫu thuật để giải phóng nguyên nhân, còn tâm thần phân liệt không mổ được.

Theo ông Thiêm, từ những năm 1970-1980, trước đây tại Liên Xô có làm một số ca rạch não để chữa nghiện ma túy nặng, nhưng bị nhà nước Liên Xô, bộ y tế và cả người dân phản đối. Tổ chức Y tế thế giới cũng phản đối. “Tôi đã làm trên 40 năm trong ngành tâm thần nhưng chưa bao giờ chỉ định cho ai đi cắt não cả. Cứ bệnh tâm thần hoang tưởng mà đem lên mổ là khái niệm rất sai, không có cơ sở khoa học” - ông Thiêm nhấn mạnh.

Lập hội đồng xem xét phẫu thuật điều trị tâm thần hoang tưởng

Ngày 6-9, nguồn tin từ Bộ Y tế cho hay Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã có yêu cầu thành lập hội đồng khoa học, xem xét phương pháp phẫu thuật điều trị tâm thần hoang tưởng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định. Dự kiến quyết định thành lập hội đồng sẽ được ký trong tuần này, gồm những chuyên gia về ngoại khoa và thần kinh của các bệnh viện Việt Đức và 108, do ông Đỗ Kim Sơn - chủ tịch Hội Ngoại khoa VN - làm chủ tịch.

Theo nguồn tin, Bộ Y tế cũng nhận được một số đơn thư phản ảnh lo ngại về phương pháp phẫu thuật chữa tâm thần hoang tưởng và bệnh động kinh được thực hiện tại Bệnh viện đa khoa Bình Định. Theo vị này, Bộ Y tế đã quy định rõ tất cả các phương pháp điều trị mới đều phải được báo cáo lên Bộ Y tế, được hội đồng khoa học của bộ thông qua mới được triển khai và áp dụng rộng rãi.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, cho biết hiện nay không nước nào ứng dụng phương pháp này do hiệu quả chưa rõ ràng. Theo ông Tuấn, cần xem xét tính an toàn và tính pháp lý của phương pháp.

(Nguồn do một thành viên Hội Phẫu thuật thần kinh VN cung cấp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên