03/09/2009 15:27 GMT+7

Nhịp nhanh xoang sinh lý và bệnh lý

ThS-BS VŨ TRÍ THANH(giảng  viên ĐH Y dược TP.HCM)
ThS-BS VŨ TRÍ THANH(giảng  viên ĐH Y dược TP.HCM)

TTO - Cháu năm nay 14 tuổi, có chiều cao 1m60, nặng 45kg (thân hình hơi ốm). Cháu đi khám tổng quát 1 lần gần đây và bác sĩ kết luận "nhịp nhanh xoang" và bắt cháu nhập viện ngay.

Nhưng cháu có bác là BS chuyên khoa tim - mạch nói nhịp tim của cháu nhanh là do cơ địa, từ nhỏ là thế rồi, lớn lên sẽ hết. Từ năm học tiểu học cháu có nhịp 140/phút. Bây giờ cháu học lớp 9 có nhịp 110/phút. Có thể là khi đi đo nhịp tim ở bệnh viện, cháu sợ nên đâm ra làm nhịp tim nhanh.

Vậy cháu bị bệnh gì? Cháu không thấy tức ngực (nếu có tức thì cháu cũng tức chưa đến 10giây).

Bạn đọc

Bạn 14 tuổi, với chiều cao và cân nặng như thế thì hệ tim mạch của bạn gần như người trưởng thành. Nhịp tim bình thường của người trưởng thành thay đổi từ 60 - 100 lần/phút. Nhịp nhanh xoang là trường hợp nhịp tim nhanh trên 100 và dưới 150 lần/phút, rất đều và các sóng điện tim có hình dạng bình thường trên điện tâm đồ.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra nhịp nhanh xoang, trong đó có những nguyên nhân sinh lý và bệnh lý, nguyên nhân bẩm sinh và mắc phải.

Nhịp nhanh xoang sinh lý thường xảy ra sau khi sử dụng một số chất kích thích như rượu, trà, cà phê; trong và ngay sau khi hút thuốc lá; trong và sau khi hoạt động thể lực, tập thể dục thể thao; do hồi hộp, lo sợ hoặc kích thích, hưng phấn quá mức; phụ nữ trong những ngày có kinh nguyệt...

Phụ nữ có nhịp tim nhanh hơn nam giới, người trẻ có nhịp tim nhanh hơn người già. Nhịp nhanh xoang sinh lý là đáp ứng bình thường của cơ thể, không cần điều trị gì cả.

Những yếu tố bệnh lý gây nhịp nhanh xoang bao gồm các bệnh lý của hệ tim mạch và bệnh toàn thân như thiếu máu, cường giáp, bệnh lý ở hệ nội tiết, chuyển hóa, bệnh lý thần kinh...

Nhịp nhanh xoang thường gặp trong lúc lo lắng hay tập luyện, khi nghỉ ngơi thì nhịp sẽ trở lại bình thường. Trong một số bệnh như sốt cao, thiếu máu hay cường giáp cũng có nhịp nhanh xoang và khi bệnh được điều trị nhịp tim sẽ trở lại bình thường. Một số bệnh lý cần phải được chẩn đoán và điều trị bởi chuyên gia tim mạch.

Bởi vì bạn có nhịp nhanh xoang từ nhỏ và như bạn mô tả không có kèm các triệu chứng gì khác thì có thể là nhịp nhanh xoang sinh lý, không cần điều trị gì cả. Tuy nhiên nếu bạn có các triệu chứng như mạch nhanh và không đều, khó thở, đau thắt ngực, hồi hộp đánh trống ngực, run tay... bạn cần được khám tổng quát tại chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thân mến,

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

B.CHÂU thực hiện

ThS-BS VŨ TRÍ THANH(giảng  viên ĐH Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên