20/08/2009 10:55 GMT+7

Bệnh chàm sữa

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Bé Lê Ngọc M., 8 tháng tuổi, trên má nổi những mẩn đỏ, rồi trở thành những mụn nước nhỏ li ti, sau đó vỡ ra gây ngứa khiến bé gãi liên tục, da bé bị rớm máu, diện tích nổi mẩn ngày càng lan rộng... Nóng ruột, người nhà mua thuốc về thoa, lúc đầu nhìn bên ngoài thấy có giảm nhưng thời gian sau cả vùng da trên mặt bé đỏ tấy...

YSRKJbHQ.jpgPhóng to

Một trẻ bị chàm sữa khắp khuôn mặt - Ảnh do BS Huỳnh Văn Bá cung cấp

Đây là trường hợp viêm da thường gặp ở trẻ, gọi là chàm sữa hay lác sữa. ThS.BS Huỳnh Văn Bá, Trường đại học Y dược Cần Thơ, cho biết nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa xác định một cách chắc chắn, tuy nhiên bệnh thường gặp ở người có cơ địa dễ dị ứng. Ngoài ra, cha mẹ có bệnh hen suyễn, mề đay, dị ứng da, dị ứng thời tiết... thì con cũng dễ mắc bệnh.

Bệnh có liên quan đến sự phối hợp của hai yếu tố: cơ địa dị ứng và chất gây dị ứng. Các chất gây dị ứng có thể được tạo ra từ những thay đổi trong quá trình chuyển hóa bên trong cơ thể; hoặc có nguồn từ bên ngoài như mạt, ve, bọ chét, nấm mốc, bụi... thường có trong chăn, gối, nệm, khăn trải giường, thảm. Ngoài ra, lông chó, lông mèo, gián cũng có thể gây dị ứng... Bệnh cũng có liên quan đến những rối loạn về tiêu hóa, thức ăn (sữa, trứng...), cách cho bú, nhiễm trùng...

Biểu hiện ban đầu là một vùng da nào đó của trẻ xuất hiện những mảng hồng ban, có mụn nước, đóng mài và tróc vảy. Vị trí thường ở mặt, hai bên má, đối xứng, có thể lan ra da đầu, thân mình, tứ chi... Bệnh rất hay ngứa làm trẻ khó chịu, ngủ không ngon giấc, quấy khóc, bú kém. Nhiều trẻ chịu không nổi gãi liên tục hoặc chà đầu, cọ mặt vào gối cho đỡ ngứa làm mụn nước vỡ ra, da rớm máu, có khi cả một vùng da bị chảy máu. L

úc này nếu không giữ vệ sinh tốt, da rất dễ nhiễm trùng khiến việc điều trị sẽ khó khăn hơn, đồng thời sẽ để lại sẹo, ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ sau này. Những vết chàm vỡ không bị nhiễm trùng sẽ để lại vảy kết trên mặt da. Càng gãi da càng dày.

“Để điều trị tốt trước hết phải cắt đứt cái vòng luẩn quẩn: ngứa - gãi - ngứa bằng cách uống thuốc chống ngứa. Tùy theo mức độ tổn thương của vùng da mà bôi các loại thuốc sát trùng phù hợp. Thời gian, liều lượng... đều theo sự hướng dẫn, chỉ định của BS chuyên khoa” - BS Bá nói.

BS Từ Tuyết Tâm, BV Da liễu TP Cần Thơ, cho biết bệnh chàm sữa rất dễ bị tái phát, nhất là khi thời tiết thay đổi hoặc ăn uống những chất gây dị ứng. Để điều trị hiệu quả cần lưu ý chế độ dinh dưỡng, chăm sóc và môi trường xung quanh. Những thức ăn hay gây dị ứng là trứng, đồ biển, thịt bò, gà, thực phẩm lên men như mắm, tương chao... Một số trẻ dị ứng với sữa bò cũng có thể dị ứng với sữa có nguồn gốc từ đậu nành...

Khi tắm cho trẻ, tránh để trẻ ngâm mình quá lâu trong chậu tắm có chứa xà phòng. Tắm bằng nước ấm sẽ giúp đỡ ngứa. Chọn chất liệu quần áo bằng sợi tự nhiên thay vì sợi hóa học vì dễ làm tổn thương làn da nhạy cảm của trẻ. Nên mang găng tay cho trẻ nhằm hạn chế trẻ gãi gây chảy máu và nhiễm trùng vết chàm. Giữ môi trường xung quanh thoáng mát, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, tránh để trẻ đổ mồ hôi ẩm ướt.

Tránh tự ý mua thuốc bôi cho trẻ

BS Từ Tuyết Tâm nhấn mạnh: Phụ huynh tránh tự ý mua thuốc bôi cho trẻ, hoặc tự ý điều trị bằng các thuốc corticoid, kháng sinh liều cao, không nên đắp lá, thuốc theo dân gian vì sẽ làm bệnh nặng thêm. Đã có một số bà mẹ tự ý ra nhà thuốc mua thuốc bôi nhiều loại, trong đó có corticoid, bôi lâu ngày thuốc gây những tác dụng phụ khiến trẻ bị nhiễm nấm, teo da, mất màu da.

Ngoài ra corticoid còn có thể khiến chàm lan rộng, nặng thêm và nhiễm trùng, nếu dùng thuốc kéo dài có thể gây suy yếu tuyến thượng thận...

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên