22/04/2009 05:16 GMT+7

Thay khớp gối nhân tạo

BS TĂNG HÀ NAM ANH
BS TĂNG HÀ NAM ANH

TT - Tiếp theo sau sự thành công của khớp háng nhân tạo, sự ra đời của khớp gối nhân tạo nhằm phục vụ nhu cầu điều trị bệnh lý hư hại khớp gối, đem lại cho bệnh nhân cuộc sống tốt đẹp hơn.

op3ToWfe.jpgPhóng to
Khớp gối nhân tạo đã vào cơ thể - Ảnh: N.Anh

Cũng như khớp háng, khớp gối nhân tạo làm bằng hợp kim. Khớp gối gồm ba thành phần chính là phần lồi cầu đùi, phần mâm chày và mảnh chèn nằm giữa hai thành phần trên làm bằng polyethylene. Khớp gối có thể chia làm ba loại là khớp gối nhân tạo không hạn chế, hạn chế một phần và hạn chế toàn phần. Loại khớp gối nhân tạo không hạn chế là loại thường được dùng nhất hiện nay cho hầu hết các loại bệnh lý hư khớp gối. Loại này gồm hai loại chính đang được sử dụng rộng rãi là loại xoay hay không xoay được.

Chỉ định thay khớp háng cũng như thay khớp gối nghĩa là khi nào gối bệnh nhân hư hại quá nhiều, không còn sử dụng được nữa, gây đau đớn cho bệnh nhân khi đi lại, hạn chế vận động khớp gối. Đôi khi trên phim X-quang, khớp gối có thể hư hại nhiều nhưng bệnh nhân không đau hoặc đau ít thì không chỉ định thay khớp gối nhân tạo. Các nguyên nhân gây hư khớp gối có thể do chấn thương làm hư mặt sụn khớp, do bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp...

Những chống chỉ định thay khớp khi bệnh nhân có các bệnh lý nội khoa kèm theo không thể chịu được cuộc mổ như tim mạch, suy thận (điều này sẽ được thảo luận giữa bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê và bác sĩ nội khoa trước khi mổ)... Những bệnh nhân có tình trạng viêm nhiễm vùng gối, trẻ tuổi nên hạn chế thay khớp vì khớp nhân tạo có tuổi thọ 10-15 năm, sau đó nếu khớp bị hư sẽ phải thay lại. Những bệnh nhân quá mập nguy cơ hư khớp nhân tạo sẽ xuất hiện sớm hơn. Các biến chứng trong mổ, sau mổ vẫn có thể xảy ra như tử vong quanh mổ, nhiễm trùng, khớp bị đặt sai, trục chân không được thẳng, mất gập hay duỗi gối, lỏng khớp gối nhân tạo...

Phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo là phẫu thuật lớn (đại phẫu) do đó cũng có thể cần truyền máu. Các bác sĩ sẽ rạch một đường mổ trước gối, hai mặt sụn khớp của lồi cầu đùi và mâm chày sẽ được cắt bỏ, thay vào đó là hai thành phần kim loại gắn vào lồi cầu đùi và mâm chày, các sụn chêm và dây chằng chéo trước cũng sẽ được bỏ, dây chằng chéo sau tùy loại khớp mà có thể giữ lại hay bỏ đi. Các thành phần kim loại sẽ gắn vào xương và được giữ chặt bằng một lớp ximăng y khoa mỏng. Một mảnh polyethylene sẽ được chèn vào giữa hai thành phần đùi và mâm chày giúp gối cử động nhẹ nhàng.

Sau mổ, bệnh nhân sẽ được tập vật lý trị liệu, tập đi lại để làm cơ thể quen với loại khớp mới. Thông thường sau một tháng đi nạng bệnh nhân có thể tự đi lại.

Không như khớp háng dễ bị trật, khớp gối rất hiếm khi bị trật, tùy loại khớp mà bệnh nhân có thể gập duỗi gối thoải mái không hạn chế kể cả có thể ngồi xổm hay quỳ.

Nếu không may nhiễm trùng, khớp gối nhân tạo có thể phải bị lấy bỏ, chờ thời gian hết nhiễm trùng mới thay lại khớp khác. Khi khớp hư mòn hay lỏng không còn dùng được nữa, lúc đó là thời điểm phải thay lại, chi phí sẽ mắc hơn khi thay lần đầu. Giá thành một bộ dụng cụ khớp gối bây giờ thay đổi tùy theo khớp, dao động quanh khoảng 40 triệu đến 55 triệu đồng. Chi phí thay khớp gối thay đổi tùy bệnh viện do các dịch vụ không giống nhau.

Bệnh nhân tập đi sau khi thay khớp gối

Bệnh nhân có thể đi lại

BS TĂNG HÀ NAM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên