25/12/2008 04:06 GMT+7

Mụn trứng cá do thuốc

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC (ĐH Y dược TP.HCM)
PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC (ĐH Y dược TP.HCM)

TT - Mụn trứng cá do thuốc là những mụn nổi trên da trông giống như mụn trứng cá, nhưng có mối liên quan với việc sử dụng thuốc. Cơ chế sinh bệnh của rối loạn này hiện nay vẫn chưa được giải thích một cách rõ ràng.

DA4n4REf.jpgPhóng to
Lo lắng vì có nhiều mụn trứng cá - Ảnh: N.C.T.
TT - Mụn trứng cá do thuốc là những mụn nổi trên da trông giống như mụn trứng cá, nhưng có mối liên quan với việc sử dụng thuốc. Cơ chế sinh bệnh của rối loạn này hiện nay vẫn chưa được giải thích một cách rõ ràng.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Mụn trứng cá do thuốc không phải do dị ứng đối với thuốc, cũng không phải do biến thể của mụn trứng cá thông thường.

Sau một thời gian sử dụng thuốc, bệnh xuất hiện, nổi trên da các mụn bị viêm với một ít có nhân mụn. Các mụn trứng cá do thuốc thường nổi ở ngực, lưng, vai và cánh tay. Người ta ghi nhận các thuốc dùng toàn thân (tức uống hoặc tiêm) kể sau đây có thể gây nổi mụn: glucocorticoid, steroid tăng đồng hóa (anabolic steroid như Durabolin), các vitamin nhóm B, thuốc chống động kinh, lithium, isoniazid, quinidin, azathioprin, cyclosporin, etretinat (thuốc trị bệnh vẩy nến)...

Cần phân biệt chẩn đoán mụn trứng cá do thuốc với mụn trứng cá thông thường, viêm nang lông hoặc ban clor...

Để điều trị mụn trứng cá do thuốc, ngưng ngay thuốc nghi ngờ làm nổi mụn. Có thể dùng thuốc dạng kem hoặc thuốc mỡ chứa tetracyclin, tretinoin (nồng độ 0,025%) để trị liệu.

Điều đáng chú ý là bên cạnh việc bị mụn trứng cá thông thường, người bệnh bị các dạng mụn khác mà không biết. Do không biết bị loại mụn trứng cá nào và đặc biệt chữa trị không đúng cách mà việc trị mụn trở nên phức tạp. Ở nước ta, theo một nghiên cứu của Bệnh viện Da liễu Cần Thơ thực hiện năm 2002, mụn trứng cá chiếm tỉ lệ 14% tổng số bệnh nhân đến khám và điều trị, phần lớn liên quan đến việc điều trị không đúng trước đó.

Dùng nhầm thuốc

Các loại mụn trứng cá

Mụn trứng cá hay gặp là mụn trứng cá thông thường ở lứa tuổi dậy thì. Đối với thanh niên, thiếu nữ tuổi dậy thì, nổi mụn ở mặt có thể xem là chuyện bình thường. Ngoài mụn trứng cá thông thường, ta có thể gặp các dạng khác như: mụn trứng cá dạng nang, mụn trứng cá mủ, mụn trứng cá do mỹ phẩm và có loại mụn trứng cá do thuốc.

Cũng theo nghiên cứu vừa kể, về lâm sàng, trong tất cả dạng mụn thì mụn trứng cá do dị ứng mỹ phẩm chiếm đa số (56,3% trên tổng số các dạng mụn trứng cá). Tỉ lệ này gợi ý đến những vấn đề liên quan trong thói quen điều trị của các bệnh nhân mụn trứng cá. Trong 80 trường hợp nghiên cứu có đến 42,5% tự điều trị, trong khi chỉ có 21,3% điều trị theo y tế công và 23,8% điều trị y tế tư.

Đây cũng là vấn đề có tính phổ biến hiện nay, người dân thường có thói quen tự điều trị bằng nhiều loại thuốc bôi tự pha chế mà thành phần chính có chứa glucocorticoid (thường gọi tắt corticoid). Đặc biệt, có sự dùng nhầm dược phẩm bôi ngoài da dạng kem, thuốc mỡ chứa corticoid và dùng như kem dưỡng da! Đây là sai lầm khá phổ biến. Các thuốc bôi ngoài da như Cortibion, Halog, Synalar, Flucinar, Topsyne, Diprisone... đã được dùng nhầm và gây tai biến có khi rất trầm trọng.

Có sự dùng nhầm vì kem dưỡng da và thuốc bôi ngoài da có cùng dạng bào chế: kem, gel, nhũ tương. Quan trọng hơn là vì nhiều người dùng nhầm do thuốc có tác dụng tức thời nên nhiều người rất thích: da trắng, mịn, da láng hơn do tác dụng chống viêm của glucocorticoid. Trong thời gian đầu sử dụng thuốc có chứa corticoid mụn giảm nhanh chóng, nhưng sau dùng lâu dài là hàng loạt tác dụng phụ có thể xảy ra, mụn trứng cá xuất hiện trở lại với tình trạng nặng hơn hoặc bị mụn đỏ, mụn li ti, teo da, rạn da, tăng tiết bã nhờn, giãn mạch máu, làm hư hết da mặt. Làn da trong bối cảnh lệ thuộc corticoid gây nhiều trở ngại cho những tiến trình điều trị sau đó. Và bệnh nhân có khi nhập viện trong tình trạng như thế.

Phần trình bày mụn trứng cá do thuốc nhằm để biết mụn có thể phức tạp và cần thận trọng tối đa trong trị mụn, đặc biệt đối với các bạn trẻ. Trong trường hợp cần điều trị mụn bằng thuốc, tốt nhất đến khám và chữa trị ở chuyên khoa da liễu.

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC (ĐH Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên