20/08/2008 10:46 GMT+7

Làm gì để có một thai kỳ khỏe mạnh?

TTO
TTO

TTO - 1337 câu hỏi của bạn đọc đã gửi đến buổi tư vấn trực tuyến "Để có một thai kỳ khỏe mạnh" sáng 20-8-2008 do chuyên mục Sống khỏe của Tuổi Trẻ online tổ chức. Những thực phẩm nào cần thiết phát triển thai nhi? Cách sử dụng thuốc an toàn? Xử trí những bệnh lý trong quá trình mang thai?...là những nội dung đã được giải đáp phần nào qua buổi tư vấn.

7QorIgSZ.jpgPhóng to
TS,BS LÊ THỊ THU HÀ -Trưởng phòng khám thai BV Từ Dũ. Ảnh: N.C.T

Khách mời của buổi giao lưu là Thạc sĩ, BS NGUYỄN HỒNG HOA - giảng viên bộ môn sản BV phụ sản ĐH Y Dược TP.HCM và Tiến sĩ, BS LÊ THỊ THU HÀ - trưởng phòng khám thai BV phụ sản Từ Dũ.

Do thời gian có hạn, rất nhiều câu hỏi còn lại của bạn đọc chưa được giải đáp, TTO sẽ chọn lọc và tư vấn cùng bạn đọc trên chuyên mục Sống khỏe của TTO trong thời gian tới, trân trọng mời bạn đọc theo dõi .

NỘI DUNG TƯ VẤN:

*Em có thai hơn 4 tháng rồi nhưng em thường bị đau bụng và đau đầu. Em thường dùng miếng dán salonpas để giảm đau. Vậy bác sĩ cho em hỏi có ảnh hưởng gì đến thai nhi không? (Võ thị thanh nhàn, 27 tuổi, cuncon_cuncon382@yahoo.com)

TS, BS LÊ THỊ THU HÀ- trưởng phòng khám thai BV Từ Dũ:

Đau bụng trong thai kỳ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau: rối loạn tiêu hóa, bệnh lý dạ dày, dọa sảy thai, dọa sanh non...

Đau đầu khi mang thai cũng có thể do những nguyên nhân: bệnh lý viêm xoang trước đó, mất ngủ, cao huyết áp...

Muốn điều trị có hiệu quả, bạn cần khám thai để xác định nguyên nhân. Dùng miếng dán salonpas không phải là cách điều trị tốt. Tuy nhiên, với thai 4 tháng thì miếng dán này cũng không ảnh hưởng gì trên thai.

LutQVQAR.jpgPhóng to
TS, BS LÊ THỊ THU HÀ đang trả lời bạn đọc TTO. Ảnh N.C.T
*Vợ tôi có thai được khoảng 6 tháng (thai lần đầu). Nhưng hiện tại ăn uống tốt, sức khoẻ bình thường. Tuy nhiên gần đây cô ấy thường xuyên bị chuột rút ở chân, đùi. Rất khó khăn trong đi lại. Xin Bác sĩ cho biết phương pháp điều trị? Hiện tượng này có ảnh hưởng đến cháu bé không? (HOÀNG ANH, 33 tuổi, trianhkim@yahoo.com)

TS,BS LÊ THỊ THU HÀ:

Chuột rút khi mang thai thường gặp ở những trường hợp thiếu canxi hoặc thừa phospho. Cách điều trị: Có thể bổ sung thêm canxi dưới nhiều dạng khác nhau như sữa, thuốc dạng nước hoặc dạng viên. Nên dùng thêm các loại trái cây có nhiều vitamin C như cam, bưởi, quýt...

Khi đang bị chuột rút nên gập chân về phía thân người, xoa bóp nơi đau, ngồi hoặc nằm nghỉ ngơi.

*Em năm nay 26 tuổi, em mới lập gia đình được 10 tháng, hiện nay em đã có thai được đến tuần thứ 9. Em thường bị đau đầu, nhợn ói vào buổi sáng, trưa, chiều và không ăn uống được gì. Xin bác sĩ cho em lời khuyên làm sao thoát khỏi tình trạng này. Và lâu lâu em thấy rất buốt trong đường tiểu, em uống nước nhiều, hay đi tiều. Em có bị bệnh gì không. Cảm ơn bác sĩ. (Nguyễn Bảo Huyền, 26 tuổi, Huyen0062@yahoo.com.vn)

TS,BS LÊ THỊ THU HÀ:

Các triệu chứng em kể trên được gọi là nghén (thai hành) thường xuất hiện trong tháng đầu thai kỳ. Em nên chia bữa ăn ra thành nhiều bữa nhỏ và ăn những thức ăn dễ tiêu. Tránh ăn dầu mỡ. Có thể dùng thức ăn ngọt và lạnh như yaourt, kem, trái cây... sẽ thấy dễ chịu hơn. Thường đến tuần thứ 13 trở đi, các triệu chứng này sẽ giảm hoặc mất hẳn.

Tiểu buốt có thể do uống quá ít nước hoặc nhiễm trùng đường tiểu dưới. Nếu em uống nhiều nước và không còn triệu chứng trên thì không cần điều trị gì khác. Nếu tiểu buốt kéo dài thì nên khám và xét nghiệm nước tiểu để xác định nguyên nhân, từ đó điều trị sẽ hiệu quả hơn.

*Có phải khi mang thai uống canxi mỗi ngày sẽ dẫn đến sạn thận không? Luyện tập thế nào để sinh con an toàn? Xin trả lời theo địa chỉ này. Cảm ơn! (Phạm Thị Vĩnh Tâm, 27 tuổi, thanhnhac.2bd@gmail.com)

*Xin bác sĩ cho biết việc uống viên sắt, canxi như thế nào cho tốt? (Lê Thị Phúc Thái, 27 tuổi, khangletba@yahoo.com.vn)

*Tôi có thai được 4 tháng rồi. Thai tôi bình thường, nhưng ai cũng nói tôi sao không uống thuốc sắt, thuốc canxi để cho em bé có đầy đủ chất, vì trong ăn uống thật sự không đủ. Nhưng tôi đi khám thì bác sĩ chỉ cho tôi uống thuốc Obimin thôi, như vậy đã đủ chưa, vì theo như mọi người nhận xét thì tôi có em bé ăn như vậy là hơi ít (1 bữa cơm tôi chỉ ăn được hơn 1 chén thôi) (Tố Kim, 25 tuổi, tokim_pttk@yahoo.com)

* Thạc sĩ, BS NGUYỄN HỒNG HOA - giảng viên bộ môn sản BV phụ sản ĐH Y Dược TP.HCM:

Trong thai kỳ người thai phụ được khuyến cáo bổ sung thêm các dạng vitamin và sắt, canxi.

Trong 3 tháng đầu thai kỳ vấn đề sử dụng các dạng vitamin chưa được thống nhất và không phải bắt buộc. Có một số khuyến cáo cho rằng không cần sử dụng các dạng vitamin. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây có nhiều khuyến cáo nên sử dụng Folic Axit 3 tháng trước khi mang thai và trong suốt 3 tháng đầu. Bởi vì Folic Axit có thể giúp ngăn ngừa các dị tật của hệ thống ống thần kinh. Nhất là trong các trường hợp người mẹ đã từng sinh con có dị tật viêm não úng thủy.

Về sắt khi có thai nhu cầu sắt gia tăng bởi vì thể tích máu của mẹ và số lượng hemoglobin tăng. Nhu cầu sắt chỉ tăng nhẹ trong 4 tháng đầu thai kỳ do đó không cần thiết bổ sung sắt trong thời gian này nếu người mẹ không có tình trạng thiếu máu, thiếu sắt (thường trong 3 tháng đầu thai phụ sẽ được kiểm tra máu để biết có bị thiếu máu hay không.)

Sau 4 tháng theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới người thai phụ nên bổ sung 30mg sắt mỗi ngày để dự phòng thiếu máu thiếu sắt trong thai kỳ.

Người phụ nữ khi có thai cần tăng nhu cầu canxi vào tháng cuối của thai kỳ, trong suốt tam cá nguyệt thứ 3 có khoảng 200mg canxi sẽ lắng đọng vào hệ xương của thai nhi mỗi ngày. Vì vậy thai phụ nên bổ sung canxi khoảng 30g mỗi ngày.

Ngoài sắt và canxi cần có thêm kẽm, photpho, magiê, natri, cali, vitamin B1, B6, B12.

Tóm lại tốt nhất nếu chế độ ăn đầy đủ có thể cung cấp được phần nào các vitamin và khoáng chất cần thiết nhưng Folic axit, sắt, canxi là những thành phần cần bổ sung thêm. Do đó người thai phụ thường được bác sĩ cho sử dụng các dạng thuốc có chưa sắt, canxi. Obimin cũng là một dạng thuốc có nhiều loại vitamin và sắt, canxi và đã được tính toán đủ lượng cần thiết để cung cấp cho thai phụ.

*Em đang có thai, em muốn sinh theo phương pháp đẻ không đau, không biết phải làm như thế nào và phương pháp này có gì không tốt không? Và xin cho em lời khuyên là nên sinh thường hay sinh theo cách đẻ không đau? (tran thi Thanh Huong, 26 tuổi tuổi, huongps@yahoo.ca)

*Biện pháp sinh không đau có tác dụng phụ không? Sau này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? Có nghe những người sinh bằng phương pháp sinh không đau hiện nay trí nhớ bị giảm nhiều hay bị quên. Xin Bác sĩ tư vấn dùm có đúng như vậy không? (Phan Thị Thúy Nga, 32 tuổi, quanthuan202@yahoo.com)

W7yLTQFR.jpgPhóng to
Khám thai tại BV Từ Dũ.Ảnh N.C.T
*Tôi 31 tuổi, có thai được 7 tháng, xin hỏi: Gây tê ngoài màng cứng khi sinh có phải là 1 phương pháp sinh không dau? Có ảnh hưởng gì đến em bé? Có gây biến chứng cho mẹ không? BV Từ Dũ có thực hiện phương pháp này không? Và có phải chỉ thực hiện khi có yêu cầu?

Tôi thường thấy đau và nặng nề vùng kín và xương chậu, có bình thường không? Tôi đã lên 10 kg là nhiều hay ít? (Hai Yen, 31 tuổi, huynh_yen@hotmail.com)

TS,BS LÊ THỊ THU HÀ:

Gây tê ngoài màng cứng khi sinh là một phương pháp sinh không đau. Phương pháp này không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé. Có một số biến chứng có thể xảy ra cho mẹ như: tụt huyết áp, nhiễm trùng. Do đó, có những trường hợp không thể áp dụng phương pháp này như nhiễm trùng da vùng lưng, cột sống bị gù, vẹo, những người có huyết áp thấp.

Phương pháp này cũng không gây mất sữa. Bệnh viện Từ Dũ cũng như các bệnh viện có chuyên khoa sản khác trong thành phố hiện đang áp dụng rộng rãi phương pháp này. Khi thai phụ có nhu cầu giảm đau lúc sanh thì đăng ký.

-Thai 7 tháng có hiện tượng giãn khung xương chậu, đây là hiện tượng sinh lý chuẩn bị cho chuyển dạ sanh khi thai đủ tháng nên em thấy đau và nặng nề vùng kín và xương chậu là bình thường. Trong tháng cuối thai kỳ, đi lại nhiều để giúp việc sanh nở dễ dàng là tốt. Tuy nhiên, nếu đau khung xương chậu nhiều quá thì cần hạn chế đi lại để giảm đau.

Trong suốt thai kỳ, một thai phụ tăng từ 12-15kg là bình thường. Thai em được 7 tháng tăng 10kg là trong giới hạn cho phép. Trong 2 tháng kế, trung bình sẽ tăng khoảng 2kg mỗi tháng. Em có thể tiếp tục uống sữa dành cho các bà mẹ mang thai.

q0ll7crL.jpgPhóng to
Th.s, BS NGUYỄN HỒNG HOA tư vấn bạn đọc. Ảnh N.C.T
*BS cho con hỏi, con mang thai được 31 tuần rồi. lúc khoảng 20 tuần làm xét nghiệm kết quả bị nhiễm viêm gan B, nhưng chức năng gan đều tốt, vậy khi sanh em bé, con của con có bị bệnh không? nguyễnlieu_TM@yahoo.com.vn)

*Bố bị viêm gan B (mãn) có ảnh hưởng tới con không? Xét nghiệm mẹ ở kỳ thai trước tại bệnh viện từ dũ (-) (phạm thị thảo, 30 tuổi, khacquangk752@yahoo.com)

*Em mang thai được khoảng 17 tuần, em đã làm xét nghiệm máu và kết quả là HBsag (+). BS bảo là sau khi sanh con không cho bú sữa mẹ. Theo em được biết, tỷ lệ lây nhiễm qua sữa chỉ khoảng 1% và sau khi sinh ra, em bé sẽ được chích ngừa ngay sau khi sinh. Như vậy, vấn đề không bú sữa mẹ có cần thiết không vì sữa ngoài hiện nay rất đắt, em không đủ điều kiện và hơn nữa, em lại sợ con sẽ không đủ sức đề kháng và dễ nhiễm bệnh. Xin BS cho em một lời khuyên. Em xin cảm ơn. (Nguyễn Thị Hoài Trang, 24 tuổi, hoaitrangdang@yahoo.com)

*Tôi nay 25 tuổi đang mang thai 3,5 tháng. Tôi có đau đầu nhiều đi khám bệnh bác sĩ bảo là bị bệnh viêm gan B cấp tính. Thưa bác sĩ cho em hỏi thai có bị ảnh hưởng gì không, khi sinh bé có bị nhiễm không? Chờ tới sinh mới trị bệnh có làm cho bệnh phát triển nặng hơn không?cảm ơn bác sĩ. (NGa, 25 tuổi, nghincuchi@yahoo.com)

TS, BS LÊ THỊ THU HÀ:

Khi khám thai lần đầu tiên, thai phụ sẽ được làm 1 số xét nghiệm trong đó có HBsAg. Nếu xét nghiệm HBsAg (+) sẽ được làm tiếp xét nghiệm HBeAg và men gan SGOT, SGPT.

Nếu HBeAg (+) thì khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con cao, có thể đến 70-80%. Giai đoạn lây nhiễm là khi sanh và cho con bú. Do đó, lúc sanh, nhân viên y tế có quy trình để tránh lây nhiễm từ người này sang người khác.

Bé sẽ được tiêm ngừa Immunoglobulin (kháng thể thụ động) ngay sau sanh để phòng bệnh. Mẹ không nên cho con bú cho dù con đã được tiêm ngừa. Vì nếu mẹ lây sang con thì sau 10-15 năm, hơn 75% trẻ bị nhiễm sẽ chuyển sang viêm gan mãn, xơ gan hoặc ung thư gan.

Nếu men gan cao thì chứng tỏ viêm gan đang tiến triển cần điều trị.

Người cha mang mầm bệnh viêm gan siêu vi HBsAg (+) thì thai nhi không bị ảnh hưởng nếu mẹ có HBsAg (-). Tuy nhiên, khả năng lây nhiễm từ chồng sang vợ là khá cao nên người mẹ có thể nằm trong giai đoạn “cửa sổ”.

Trường hợp cả 2 vợ chồng đều mang HBsAg (+) và HBeAg (+) thì nên điều trị chuyên khoa (bệnh viện Nhiệt Đới) trước khi mang thai.

KGfmU1rQ.jpgPhóng to
Phó TTK tòa soạn Hàng Phước Long tặng hoa cho bác sĩ Nguyễn Hồng Hoa. Ảnh N.C.T

*Thưa bác sĩ, Em đang ở Quãng Ngãi, em mang thai được 2 tháng rưỡi, mang thai lần đầu tiên. Từ lúc mang thai đến nay em đi tiểu rất nhiều lần, đặc biệt vào ban đêm, em đi khám ở bệnh viện, bác sĩ bảo em bị viêm bàng quang và cho uống thuốc nhưng không khỏi.

Em cũng chưa xét nghiệm máu hay nước tiểu. Xin Bác sỉ cho em biết em bị bệnh gi? Và lúc nào em nên tiêm ngừa vacxin cho bà mẹ và em bé? Em xin cảm ơn. (Võ Thị Quỳnh Giao, 28 tuổi, quynhgiao_10th@yahoo.com.vn)

Khi có thai tử cung chứa phôi thai sẽ lớn dần theo thời gian. Về giải phẫu học, bàng quang là cơ quan nằm phía trước tử cung do đó bàng quang sẽ bị chèn ép làm cho giảm thể tích tương đối. Vì vậy vào những tháng đầu thai kỳ, thai phụ sẽ bị đi tiểu nhiều lần.

Trong trường hợp của em, chỉ có tình trạng đi tiểu nhiều lần mà không có dấu hiệu tiểu gắt, tiểu buốt hay tiểu máu cho nên em nên kiểm tra lại nước tiểu (tổng phân tích nước tiểu, cấy tìm vi trùng). Nếu kết quả xét nghiệm nước tiểu có vi trùng thì mới là viêm bàng quang và cần phải điều trị. Nếu không có vi trùng thì tình trạng tiểu nhiều là sẽ giảm dần sau 3 tháng vì tử cung lớn vào bụng sẽ giảm chèn ép bàng quang.

*Chào BS thân mến! Em xin hỏi trong thai kỳ thường xuyên siêu âm thì có tốt cho thai nhi hay không? Và khoảng bao nhiêu lần siêu âm thì tốt nhất? Em rất mong sớm nhận được sự hồi âm của BS. (Thanh Hằng, 27 tuổi, hangvo99@yahoo.com.vn)

TS, BS LÊ THỊ THU HÀ:

Siêu âm là một trong những phương pháp chẩn đoán trước sanh không xâm lấn, an toàn và tương đối rẻ tiền. Trong suốt thai kỳ, tối thiểu cần siêu âm ở những thời điểm sau:

- Khi phát hiện trễ kinh: siêu âm lúc này để xem có thai hay không, thai nằm trong hay ngoài tử cung, thai bình thường hay bệnh lý như thai trứng, số lượng thai, xem có những khối u của tử cung và buồng trứng hay không. Đặc biệt, xác định được tuổi thai, đối với những chị em quên ngày kinh chót hoặc ngày kinh không đều, bác sĩ có thể dựa vào siêu âm 3 tháng đầu để tính tuổi thai, từ đó, biết được ngày dự sanh với độ chính xác cao, sai số +-3 ngày mà thôi.

- Tuổi thai từ 11-13 tuần 6 ngày: siêu âm đo độ mờ gáy thai nhi. Dựa vào đó, bác sĩ tiên lượng được nguy cơ hội chứng Down của thai kỳ. Nếu độ mờ gáy 3mm thì 30% là thai bị hội chứng Down.

- Tuổi thai 21-25 tuần: siêu âm khảo sát hình thái thai nhi. Thời điểm này có thể quan sát kỹ các phần của thai nhi. Từ đó, phát hiện được những dị tật bẩm sinh nếu có. Bên cạnh đó, khảo sát về bánh nhau, nước ối...

- Tuổi thai 32-36 tuần: siêu âm đánh giá sự phát triển thai nhi có phù hợp với tuổi thai hay không, xác định ngôi thai, vị trí bánh nhau, lượng nước ối. Những trường hợp nghi ngờ thai chậm phát triển được siêu âm màu khảo sát lượng máu từ mẹ sang thai.

- Đến ngày sanh: một lần nữa xác định tình trạng thai, ngôi thai, ước lượng cân nặng thai nhi, lượng nước ối, vị trí nhau, từ đó tiên lượng cho cuộc sanh dễ hay khó.

qNeQLqQL.jpgPhóng to
Ảnh :N.C.T
*Tháng 5/2007 em bị mổ thai ngoài (mổ hở) lúc đó thì thai được khoảng 20 ngày, mổ tại BV Đa Khoa TW Cần Thơ và bị cắt vòi trứng trái (lúc đó gia đình em có yêu cầu mổ nội soi nhưng bác sỹ nói máy bị hư).

Nay em muốn có thai lại nhưng rất lo lắng vì em chỉ còn vòi trứng phải. Vậy em có cần phải đi kiểm tra hay làm xét nghiệm gì không? Và đến nơi nào cho an toàn.

Và hiện nay thì vết mổ của em bị lồi cũng khá lớn (em cũng thoa thuốc nhưng cũng bị lồi nhiều), vậy khi có thai thì có bị ảnh hưởng gì không? Vì em sợ chỗ đó chai cứng sẽ giãn ra không được. Xin bác sỹ cho em lời khuyên. Em xin chân thành cám ơn (Trần Thúy Ngân, 27 tuổi, tranthuynganct@gmail.com)

TS,BS LÊ THỊ THU HÀ:

- Em đã bị cắt vòi trứng bên trái do thai ngoài tử cung, hiện tại, em còn vòi trứng bên phải nên vẫn có khả năng mang thai. Hiện tại, em nên để mang thai tự nhiên (không dùng một biện pháp kế hoạch nào cả) nếu sau 6 tháng không thành công thì hãy đến khám tại bệnh viện có chuyên khoa sản.

Để đánh giá vòi trứng bên phải có thông hay không, bác sĩ sẽ cho em chụp HSG (chụp buồng tử cung vòi trứng có cản quang). Vết sẹo lồi ngoài thành bụng sẽ không bị ảnh hưởng gì khi mang thai cho dù bụng lớn và căng.

*Lần đầu mang thai em bị cao huyết áp ở tuần 35 (14/9), vậy lần mang thai sau em có bị cao huyết áp lại không? Nếu có thì có cách nào phòng tránh và sau khi sinh bao lâu em có thể có thai lại (em sinh thường). Xin cảm ơn bác sỹ. (ngọc lan, 28 tuổi, vuthingoclan@yahoo.com)

*Có phải người mẹ bị cao huyết áp sẽ sinh con nhẹ cân? Sinh lần đầu nhẹ cân thì lần 2 cũng vậy? cảm ơn bác sỹ. (minh ngọc, 28 tuổi, muathu0207@yahoo.com.vn)

TS,BS LÊ THỊ THU HÀ:

Một phụ nữ có tiền căn cao huyết áp ở lần mang thai trước thì lần này cũng có nguy cơ cao huyết áp. Biến chứng đáng sợ của cao huyết áp thai kỳ là tiền sản giật nặng và sản giật. Để dự phòng biến chứng này, cần khám thai định kỳ để phát hiện sớm tình trạng cao huyết áp.

Một số biện pháp dự phòng cao huyết áp thai kỳ: Tránh ăn mặn (thức ăn nhiều muối), nên ăn nhiều trái cây, ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng thịt cá trứng sữa, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc (buổi trưa ngủ 1 tiếng, buổi tối khoảng 8-10 tiếng), theo dõi huyết áp thường xuyên.

Người mẹ cao huyết áp, thai nhi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Một người có tiền căn sinh con nhẹ cân cũng dễ lặp lại ở những thai kỳ sau.

Khoảng cách giữa những lần mang thai tùy thuộc vào sức khỏe mẹ, tuổi người mẹ, tuổi của con lần trước. Thông thường từ 3-5 năm. Nếu thai kỳ trước không nuôi được thì khoảng cách này nên rút ngắn lại, khoảng 6 tháng đến 1 năm là vừa.

*Có thai trong 3 tháng đầu có được làm "chuyện ấy" thưa bác sĩ?(Nguyễn Bảo Huyền, 26 tuổi,)

*Vợ tôi mang thai 6 tuần. Hôm qua chúng tôi quan hệ tthì thấy có tý máu. Xin cho tôi hỏi điều đó có nguy hiểm không ? (Huỳnh Thanh Sang, 32 tuổi, )

*Trong thời gian mang thai có cần kiêng cử chuyện quan hệ hay không ? (lam, 23 tuổi)

*Tôi mang thai (con lần đầu) 6 tuần tuổi, nay vợ chồng tôi muốn quan hệ có ảnh hưởng gì tới thai nhi không? (nguyễn thi hồng, 39 tuổi,)

*Vợ tôi có bầu được 5 tháng rồi, sau tháng thứ 3 trở đi, chúng tôi vẫn thường quan hệ tình dục đều đặn. Mỗi tuần khoảng 4 - 5 lần. Xin bác sĩ cho biết, quan hệ như vậy có ảnh hưởng gì đến thai nhi hay không? Xin cảm ơn Bác sĩ. (Nguyễn Văn Hùng, 32 tuổi,)

TS,BS LÊ THỊ THU HÀ:

Quan hệ tình dục khi mang thai thường không ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, một số trường hợp nên tránh:

- Tuổi thai quá nhỏ (dưới 8 tuần) vì có nguy cơ gây sảy thai.

- Khi người vợ có dấu hiệu trằn bụng dưới, ra ít huyết âm đạo, ra nhớt hồng.

- Trên siêu âm có dấu bóc tách túi thai, dù người vợ lúc này chưa có dấu hiệu gì.

- Thai trên 8 tháng. Vì quan hệ lúc này dễ gây sanh non.

- Những trường hợp nhau tiền đạo được chẩn đoán qua siêu âm. Vì khi quan hệ dễ bị ra huyết âm đạo, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và con.

Một số lưu ý khi quan hệ tình dục ở người mang thai:

- Động tác nhẹ nhàng.

- Tư thế thoải mái để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.

- Cần vệ sinh trước và sau khi quan hệ để tránh viêm nhiễm sinh dục.

- Số lần quan hệ tình dục tùy vào sức khỏe của người phụ nữ.

*Em đã bị thai lưu 2 lần, ngay từ bây giờ em phải làm gì để an toàn cho cả mẹ lẫn con (Tran Thi Hong Chanh, 29 tuổi, Chanh@woojinplastic.com)

*Vừa rồi tôi có mang thai được 5 tháng và thai nhi đã bị lưu. Đền thời điểm này đã được 4,5 tháng và tôi đã có mang lại. Theo chẩn đoán của bác sĩ thai nhi được 6 tuần rồi. Vì tôi đã một lần bị lưu thai nên tôi rất lo. Tôi xin hỏi các chuyên gia, tôi có cần uống thuốc dưỡng thai không? Nên uống thuốc bắc hay thuốc tây? Nghề nghiệp của tôi la giáo viên. (Lê Thị Kim Loan, 30 tuổi, thailua_qn@yahoo.com)

- Thạc sĩ, BS NGUYỄN HỒNG HOA:

Thai lưu là tình trạng thai ngưng phát triển trong tử cung hoặc chết trong tử cung mà vẫn lưu giữ trong tử cung. Nguyên nhân của thai lưu đa số là do các bất thường về nhiễm sắc thể. Ngoài ra thai lưu còn do các tai biến như là: Tiểu đường, cao huyết áp thai kỳ, nhau bong non... Do đó trong các trường hợp thai lưu, thai phụ được khuyến cáo kiểm tra:

Đường huyết

Rubella Toxoplasmo, CMV, giang mai.

Nhóm máu, Rhesus

Kiểm tra di truyền của thai nhi bị lưu (hiện tại chúng ta chưa có thực hiện được).

Di truyền 2 vợ chồng (hiện tại chúng ta chỉ mới thử được bộ di truyền Karyo type mà chưa thử được cấu trúc gen).

Khi có các kết quả, tùy theo tình trạng mà chúng ta có thể tiên đoán khả năng có thai bình thường ở những lần có thai kế tiếp. Việc sử dụng các loại thuốc "dưỡng thai" chỉ mang yếu tố tinh thần. Folic axit là một loại thuốc hi vọng có thể cãi thiện tình trạng thai nếu sử dụng 3 tháng trước khi mang thai và trong 3 tháng đầu.

Vì vậy nếu tình trạng thai đang ổn định (thai sống và phát triển trong tử cung) thì điều cần thiết nhất đó là người mẹ cố gắng nghỉ ngơi tránh lo âu quá mức.)

*Kính chào Bác Sĩ (BS) và cảm ơn Báo Tuổi Trẻ Online đã mang đến cơ hội này để mọi người có dịp tìm hiểu thêm về vấn đề sức khỏe sinh sản. Vợ tôi năm nay 27 tuổi và đã sinh em bé được 5 tháng tuổi (sinh mổ). Theo tôi được biết thì nếu sinh mổ thì chỉ được tối đa 2 lần, cách nhau 2-3 năm để an toàn cho mẹ. Thưa BS, như vậy là có đúng không? Và cơ hội để vợ tôi sinh thường khi sinh lần 2 là như thế nào?, Có khó khăn không ? và BS có lời khuyên gì cho vấn đề này ? Chân thành cảm ơn BS! (Hồ Ngọc, 28 tuổi, innovina123@yahoo.com)

-TS, BS LÊ THỊ THU HÀ:

Sau sinh mổ có thể sanh thường ngã âm đạo ở lần sanh sau. Điều kiện để sanh thường là:

- Ngôi chẩm.

- Một thai.

- Khung xương chậu bình thường.

- Sẹo mổ lần trước nằm ở đoạn dưới tử cung. Nếu lần mổ lấy thai trước là mổ dọc thân hoặc dọc đoạn dưới thì lần này nên mổ lấy thai lại.

- Không có những vết mổ khác trên tử cung như mổ bóc nhân xơ, mổ tạo hình tử cung

- Sanh tại bệnh viện có phòng mổ, có đội ngũ nhân viên y tế có kinh nghiệm. Có điều kiện để theo dõi sát mẹ và thai trong quá trình chuyển dạ.

Nếu vợ em đạt đủ điều kiện này ở lần mang thai sau thì có thể sanh thường được. Số lần mổ lấy thai có thể 3-4 lần. Tuy nhiên, nếu càng mổ nhiều lần thì nguy cơ nứt sẹo mổ cũ càng cao. Do đó, cần phải theo dõi sát trong thai kỳ.

*Khi vừa kết hôn em có sử dụng thuốc tránh thai trong vòng 1 tháng nhưng do không có kinh nghiệm nên em đã uống hết vỉ 28 viên và bây giờ em đã ngưng được 2 tháng. Vậy bây giờ nếu em mang thai thì có ảnh hưởng gì tới thai nhi không?

Và có cần phải đi làm xét nghiệm có liên quan. Em nghe mọi người nói nếu đã uống thuốc tránh thai thì phải để ít nhất 6 tháng mới nên có em bé. Cảm ơn bác sĩ. (Mai An, 24 tuổi, truong.ngo@fnnfoods.com)

TS,BS LÊ THỊ THU HÀ:

Sau khi ngưng thuốc ngừa thai 2 tháng có thể mang thai. Trước khi mang thai nên kiểm tra sức khỏe nói chung.

*Tôi đang mang thai đầu được 16 tuần, kết quả xét nghiệm máu tôi bị nhiễm Rubella trước khi mang thai, BS nơi tôi khám thai định kỳ bảo không sao và cần theo dõi. Vậy trường hợp của tôi có ảnh hưởng gì đến thai nhi không và tôi cần phải kiểm tra những gì cho những lần khám thai sau này?

Hiện tại mỗi ngày tôi uống từ 4-5 quả cam, ăn nhiều trái cây và uống 2 ly sữa Dumex Mama Gold (pha đúng chỉ dẫn). Và nấu bếp điện từ có ảnh hưởng gì đến thai nhi không?. Tôi nghe nói nấu bếp điện từ dể dẫn đến bệnh tim có đúng không? Yến Ly (Hồ Thị Yến Ly, 33 tuổi, yenly_2010@yahoo.com.vn)

-TS, BS LÊ THỊ THU HÀ:

Em mang thai 16 tuần đã bị nhiễm Rubella trước khi mang thai thường thì không ảnh hưởng gì trên thai nhi. Khi khám thai định kỳ em sẽ được làm những xét nghiệm, siêu âm và tiêm ngừa theo từng giai đoạn tuổi thai.

Em ăn trái cây và uống sữa mỗi ngày như thế là tốt cho thai kỳ.

Cho đến nay, chưa có nghiên cứu hay kết luận rõ ràng về ảnh hưởng của bếp điện từ trên thai nhi.

*Em có thể tham gia các lớp học tiền sản ở đâu tại TP HCM? (Lê Trần Hồng Ngọc, 35 tuổi, letran_hongngoc@yahoo.com)

TS,BS THU HÀ trả lời:

Hiện nay có rất nhiều lớp học tiền sản đang triển khai tại TP.HCM. Riêng tại bệnh viện Từ Dũ, có những lớp học:

- Tổ chức tại hội trường giao ban bệnh viện Từ Dũ vào sáng Chủ nhật từ 8g30-11g cách tuần (2 tuần/lần). Các lớp này có nhiều nội dung khác nhau liên quan đến thai kỳ như tầm quan trọng của việc khám thai, vấn đề dinh dưỡng trong thai kỳ, sự phát triển của thai nhi, giảm đau trong chuyển dạ, những vấn đề liên quan đến chuyển dạ, chăm sóc mẹ và bé sau sanh... Khi tham dự lớp học, các ông bố bà mẹ có thể được giải đáp trực tiếp những vấn đề mình thắc mắc. Em có thể đăng ký tham dự và nhận thư mời tại buồng khám thai mỗi sáng.

- Tổ chức tại buồng khám thai từ 7g - 7g30, thứ 3,5,6 hằng tuần dành cho các thai phụ ở tỉnh xa đến khám thai.

Ngoài ra, còn có nhiều chương trình do các đơn vị khác nhau tổ chức tại các khách sạn trong thành phố hoặc nhà hát Hòa Bình. Thư mời do các đơn vị này gửi trực tiếp đến các thai phụ.

*Lần mang thai trước vợ tôi bị sanh non ở tháng thứ 6 (do hở eo cổ tử cung). Lần mang thai nay vợ tôi có khả năng bị lại hay không? Nếu có thì ngoài việc khâu vòng eo cổ tử cung (nghe nói có nguy cơ kích thích sanh non nữa) thì còn cách nào khác để giữ em bé không? (Ly Lan, 28 tuổi, jionglim@yahoo.com)

-TS,BS LÊ THỊ THU HÀ:

Vợ em bị sanh non lần trước do hở eo tử cung thì lần này có nguy cơ sanh non lại. Vì đã xác định nguyên nhân sanh non lần trước là do hở eo cổ tử cung nên để dự phòng sanh non lần này cần khâu vòng eo cổ tử cung.

Nguy cơ kích thích sanh non do thủ thuật khâu eo là khá thấp, thường được làm tại phòng mổ và thai phụ được cho thuốc tiền mê. Sau khi khâu, thai phụ được dùng thuốc dưỡng thai nên việc sảy thai hay sanh non là ít xảy ra. Tuy nhiên, nên nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng, kiêng giao hợp để dưỡng thai.

*Em có thai được 28 tuần mà chỉ tăng 4,6kg, như vậy có nguy hiểm không, em ăn uống bình thường, ngày uống 1 ly sữa Dielac mama, em phải làm gì để tăng cân tốt hơn (Nguyễn thị Tâm, 32 tuổi, mnguyen7@jcpenney.com)

*Xin chào bác sĩ, hiện nay trên thị trường có rất nhiều hãng hiệu sữa dành cho bà bầu, sữa ngoại có, sữa nội có, đứng trước nhiều lại sữa như vậy em rất băn khoăn , không biết nên chọn loại nào để sử dụng, vừa đáp ứng được tiêu chí giá cả phải chăng mà chất lượng cũng được dảm bảo? (Hải Yến, 25 tuổi, nguyenhaiyen_nt@yahoo.com)

TS, BS LÊ THỊ THU HÀ:

Thai em được 28 tuần mà tăng 4,6kg như vậy là chưa đủ. Trung bình thai phụ nên tăng 12-15kg trong suốt thai kỳ. Theo nhiều nghiên cứu, mẹ tăng cân ít trong thai kỳ ảnh hưởng đến cân nặng thai nhi và thường là trẻ sẽ nhẹ cân.

Em ăn uống bình thường (không bị nghén) thì tương đối dễ dàng cho việc tăng cân. Em cần điều chỉnh lại chế độ ăn, ví dụ tăng số lần ăn trong ngày, có thể 4-6 lần; tăng lượng ăn mỗi lần, bổ sung các chất dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa, và các loại trái cây.

Các loại sữa dành cho thai phụ hiện nay khá phong phú. Hầu hết các loại sữa là tốt, có đầy đủ chất dinh dưỡng. Mùi và vị của từng loại sữa có khác nhau. Giá tiền của các loại sữa này cũng có chênh lệch. Tùy vào khẩu vị và kinh tế của gia đình mà em có thể chọn loại sữa thích hợp.

*Thai của tôi được 15 tuần tuổi (con thứ 2). Bác sĩ chẩn đoán là nhau bám thấp. Xin BS cho tôi biết những nguy cơ có thể xảy ra và cách phòng tránh. Cám ơn BS (Mai Khanh, 35 tuổi, ng_khanh1974@yahoo.com)

*Hiện nay em đang mang thai con đầu lòng được 5 tháng. Em vừa siêu âm được biết bị nhau bám thấp, xin hỏi nguyên nhân do đâu, mức độ nguy hiểm và chế độ nghỉ ngơi như thế nào là hợp lý? (Nguyen Thi Hai Yen, 26 tuổi, enbien2002@yahoo.com)

- Th.s,BS NGUYỄN HỒNG HOA:

- Về giải phẩu, tử cung gồm: Phần thân, phần eo. Khi có thai, đoạn eo tử cung sẽ dãn ra tạo thành đoạn dưới tử cung.

Nhau bám thấp, nhau tiền đạo là tình trạng bánh nhau tràn xuống đoạn dưới tử cung, có thể qua cổ tử cung. Tình trạng này rất nguy hiểm vì khi cổ tử cung mở ra sẽ gây chảy máu ồ ạt làm nguy hại đến tính mạng người mẹ và đứa con.

Nhờ có siêu âm phát hiện sớm tình trạng nhau bám bất thường này, thai phụ được hướng dẫn nghỉ ngơi nhiều, khi có dấu hiệu ra huyết bất thường phải lập tức vào bệnh viện có điều kiện phẫu thuật và truyền máu.

Nếu không có tình trạng ra huyết, thai kỳ sẽ được dưỡng cho đến khi thai đủ trưởng thành tùy vào tình trạng vị trí bánh nhau sẽ có hướng chấm dứt thai kỳ phù hợp: Ví dụ: Nhau tiền đạo - bánh nhau tràn qua cổ tử cung sẽ được mổ lấy thai chủ động khi thai trên 38 tuần và luôn sẵn sàng truyền máu khi cần.

*Khi tiêm thuốc uốn ván có nhất thiết 2 mũi tiêm phải cách nhau 1 tháng không? Nếu tôi tiêm mũi thứ 2 cách mũi đầu 2 tháng thì có ảnh hưởng gì đến thai nhi? (Thục Đoan, 26 tuổi, thucdoan83@yahoo.com)

*Xin bác sĩ cho biết trong suốt thời kỳ mang thai, thai phụ cần tiêm chủng bao nhiêu lần và tiêm vào giai đoạn nào là tốt nhất? (nguyễn bình, 25 tuổi, doikhong_yeu@yahoo.com)

TS, BS LÊ THỊ THU HÀ:

Tiêm phòng uốn ván khi mang thai là rất cần thiết. Lịch tiêm uốn ván (VAT) như sau:

- Đối với người mang thai lần đầu, tiêm VAT càng sớm càng tốt, 2 mũi tiêm cách nhau tối thiểu 30 ngày, mũi thứ 2 trước ngày dự sanh tối thiểu 30 ngày. Như vậy mới có đủ thời gian thai nhi tạo kháng thể chống lại bệnh. Tuy nhiên, thường các cơ sở y tế tiêm ngừa VAT khi thai phụ có cảm giác thai máy.

- Đối với người mang thai lần thứ 2 (lần đầu đã tiêm đủ 2 mũi), chỉ cần tiêm 1 mũi VAT. Mũi này cách mũi thứ 2 của lần mang thai trước tối thiểu 6 tháng (180 ngày).

- Đối với người mang thai lần thứ 3 (2 lần trước đã tiêm đủ), cũng chỉ cần tiêm 1 mũi VAT, mũi này cách mũi trước tối thiểu 1 năm.

- Có những chị em trước khi lập gia đình đã tiêm đủ 5 mũi VAT (có thể ngừa uốn ván suốt đời) thì lần mang thai này không cần tiêm VAT nữa. Tuy nhiên, nếu mũi cuối cùng cách đây hơn 10 năm thì cần nhắc lại 1 mũi.

*Khi chưa biết có thai tôi có uống thuốc Sporal, liệu thuốc này có ảnh hưởng gì đến thai không? (Nguyen Hieu, 33 tuổi, hieu.nguyen77@yahoo.com)

*Khi mang bầu được 2 tuần, do không biết em có uống thuốc chống nấm liều dùng trong nấm âm đạo. Hiện giờ em đang rất lo lắng không biết thuốc sẽ ảnh hưởng thế nào đến thai nhi? BS cho em lời khuyên. (yen, 27 tuổi, cau giay)

*Cháu chào bác sĩ. Cháu có thai được 10 tuần, bị viêm răng số 8. BS cho cháu uống thuốc Zinnat 250mg Di-antalvic, Noflux. Thuốc này có ảnh hưởng tới em bé ko bác. cháu cảm ơn. (tran thi huyen, 27 tuổi, huyen071081@yahoo.com)

*Em mới lập gia đình gần 1 năm, 2 vợ chồng đang muốn có con, nhưng 2 tháng gần đây chồng em đang sử dụng một số loại thuốc trị bệnh thương hàn, đó là: 1. Axolev 0.5g 2. Biogesic 3. Debsidat 4. Biolachyl Em xin hỏi nếu em có thai trong thời gian này liệu có ảnh hưởng gì tới thai nhi không? Xin cảm ơn các bác sĩ. (Nguyễn Thùy Mỵ, 28 tuổi, nguyenthuymy81@yahoo.com)

*Em đang mang thai 4 tháng, bị nấm tử cung,uống thuốc và đặt thuốc nhưng không hết,hỏi khi đặt thuốc nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi không,xin chân thành cám ơn đã đọc tin của em (hùnh thị kim yến, 26 tuổi, k5an9p85@yahoo.com)

*Vì không biết mình có thai nên đi BS uống thuốc điều trị viêm mũi dị ứng với toa thuốc . Hiện tại em rất hoang mang sợ rằng mình uống những loại thuốc này sẽ gây dị tật cho thai nhi. Xin tư vấn giúp em với.Cảm ơn bác sỉ nhiều. (Nguyễn Thị Linh Thảo, 29 tuổi, linhthao1608@yahoo.com.vn)

* Thạc sĩ, BS NGUYỄN HỒNG HOA:

Trong giai đoạn có thai, việc sử dụng thuốc luôn được bác sĩ hết sức thận trọng. Theo hướng dẫn của Hiệp hội thuốc và thức ăn Food and Drug Administration (FDA) thuốc được chia thành các nhóm: A, B,C,D,X.

Nhóm A: là nhóm an toàn cho thai phụ bởi vì các thuốc này đã được chứng minh không gây dị tật cho thai.

Nhóm B: là nhóm thuốc có thể sử dụng trong thai kỳ khi cần thiết bởi vì thuốc chỉ mới được chứng minh không gây dị tật cho động vật, còn trên con người chưa đủ bằng chứng an toàn cho thai.

Nhóm C: là nhóm thuốc không nên sử dụng trong thai kỳ vì thuốc có thể gây dị tật trên động vật. Nhưng chưa có bằng chứng trên con người.

Nhóm D: là nhóm thuốc đã được chứng minh có nguy cơ gây dị tật cho thai của con người.

Nhóm X: là những thứ thuốc chưa được xếp loại.

Trong mỗi hộp thuốc trên tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, đều có ghi tác hại của thuốc trong thai kỳ và xếp nhóm thuốc: (thường được ký hiệu là [image-53aed8b78b289]A,B,C...) Ví dụ: Augmentin là một kháng sinh thuộc nhóm B có thể sử dụng khi thai phụ có tình trạng nhiễm trùng hô hấp trên.

*Em đang mang thai , được 17 tuần 2 ngày, BS có hẹn em 25-8 (thai được 18 tuần thì sẽ tiến hành chọc ối - do nguy cơ thai dị tật qua 3 xét nghiệm (mờ da gáy 26mm, tuổi em 41 va Double test dương tính- tỷ lệ hội chứng Down la 1/57)

Em xin hỏi tình hình thai của em như vậy nếu kết quả chọc ối không tốt sẽ xử lý như thế nào? (DAO THI HA, 41 tuổi, daoha67@yahoo.com)

- TS, BS LÊ THỊ THU HÀ:

Những người bị hội chứng Down, còn gọi là Trisomy 21, trên các quốc gia khác nhau có chung đặc trưng là mặt dẹt, mắt xếch, da cổ dày, lưỡi thường xuyên thè ra ngoài, kèm với chậm phát triển tâm thần, có thể mắc nhiều bệnh khác như là bệnh tim, giảm thính lực... những người này là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội. Vì vậy, việc tầm soát và chẩn đoán sớm hội chứng Down trong thai kỳ là rất quan trọng.

Để tầm soát, có nhiều phương pháp không xâm lấn như:

- Dựa vào tuổi mẹ: người mẹ càng lớn tuổi càng dễ có nguy cơ sinh con hội chứng Down. Với người mẹ 40 tuổi, nguy cơ sanh con hội chứng Down là 1/80.

- Siêu âm độ mờ gáy thai nhi ở tuổi thai 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày: Độ mờ gáy thai nhi càng dày thì càng có nguy cơ cao hội chứng Down.

- Xét nghiệm trong huyết thanh mẹ: Tuổi thai 10-13 tuần thì làm xét nghiệm double test (PAPP-A, Free beta HCG); tuổi thai 14-21 tuần thì làm xét nghiệm triple test (AFP, Free Beta HCG, UE3). Xét nghiệm này, được tính toán theo phần mềm gamma dựa vào nhiều yếu tố như: tuổi thai, cân nặng mẹ, tuổi mẹ, song thai hay đa thai, bệnh lý mẹ đi kèm, chủng tộc...

Qua những phương pháp không xâm lấn trên, nếu nguy cơ cao bị hội chứng Down (1/300) sẽ được tư vấn chọc ối. Đây là phương pháp xâm lấn, nhằm khảo sát tình trạng rối loạn nhiễm sắc thể thai nhi, có giá trị chẩn đoán xác định xem thai nhi có bị hội chứng Down hay không.

Thông thường, nên làm tầm soát và chẩn đoán sớm ở tuổi thai chưa có khả năng nuôi sống (dưới 27 tuần), tốt nhất khoảng 20-24 tuần. Nếu xác định chắc chắn thai nhi bị hội chứng Down sẽ khuyên thai phụ chấm dứt thai kỳ bằng phương pháp sanh non.

Trong trường hợp của chị, nguy cơ hội chứng Down theo các phương pháp không xâm lấn (tuổi mẹ, siêu âm độ mờ gáy, double test) trả lời nguy cơ cao. Như vậy, chị cần được chọc ối. Nếu chẳng may kết quả không tốt thì nên chấm dứt thai kỳ. Hi vọng kết quả của chị là tốt.

*Vợ em năm nay 23 tuổi, đang mang thai tháng thứ 7 (theo chẩn đoán của Bác sỹ thì còn khoảng 9 tuần nữa sẽ sinh). Hôm trước vợ em có cảm thấy đau bụng (ở rốn), đi siêu âm thì Bác sỹ nói là bị đa ối, Bác sỹ khuyên là ăn nhiều hoa quả, rau xanh và nói là thai nhi phát triển bình thường (đã được hơn 900gr, phát triển độ 1).

Vậy, vợ em bị đa ối có ảnh hưởng gì tới sức khỏe và thai nhi hay không? Hiện vợ chồng em đang rất lo lắng. Rất mong nhận được tư vấn của Bác sỹ. Xin trân trọng cảm ơn! Lê Nguyên Phụ (Lê Nguyên Phụ, 30 tuổi, nphuvinaconex@gmail.com)

* Thạc sĩ, BS NGUYỄN HỒNG HOA:

Đa ối là tình trạng nước ối quá nhiều trong tử cung (trên 2 lít). Đa ối chia ra 2 dạng:

Đa ối cấp và đa ối mãn. Đa ối cấp là tình trang lượng ối tăng lên rất nhanh gây cho sản phụ khó thở, tình trạng này thường xuất hiện sớm vào 3 tháng giữa của thai kỳ và thường đi kèm với các dị tật của thai như: tắt đường tiêu hóa, không có dạ dày, hẹp thực quản. Khi có đa ối cấp, cần được kiểm tra kỹ thai nhi để loại trừ các dị tật khác.

Đa ối mãn là tình trạng nước ối tăng lên từ từ, ít ảnh hưởng đến sức khỏe thai phụ và cũng ít khi đi kèm với dị tật thai. Tuy nhiên trong các trường hợp này thường hay đi kèm tiểu đường thai kỳ và thai nhi to. Khi vào chuyển dạ sanh, có thể có tình trạng ối vỡ sớm làm sa dây rốn (thai nhi có thể tử vong), nhau bong non do giảm thể tích buồng từ cung đột ngột, sanh khó vì thai to, kẹt vai.

Trong trường hợp của vợ em, tôi nghĩ nên được siêu âm kiểm tra kỹ lại hệ thống tiêu hóa của thai nhi, đường huyết của mẹ. Từ đó sẽ có hướng chữa trị đúng mức hơn.

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên