18/07/2008 05:51 GMT+7

Chạy bộ khí công

BS TÔ MINH CHÂU (Hội Y học thể thao TP.HCM)
BS TÔ MINH CHÂU (Hội Y học thể thao TP.HCM)

TT - Phong trào tập chiwalking và chirunning, tạm gọi là đi bộ khí công và chạy bộ khí công, do Danny Dreyer khởi xướng gần đây đã lan rộng ra nhiều nơi ở Mỹ và cả VN.

Vz2b24dJ.jpgPhóng to qk5eVZbP.jpg
Đi bộ khí công - Ảnh: T.M.Châu Chạy bộ khí công - Ảnh: T.M.Châu

Đây là môn thể thao mô phỏng cách di chuyển của khí công. Các bước đi - chạy không theo phản xạ thông thường mà được luyện tập điều khiển bằng lý trí và nội lực nên di chuyển rất nhẹ nhàng, ít hao tốn sức cơ bắp, hạn chế đau khớp ở chi dưới.

Bước đi cơ bản gồm ba yếu tố: luôn giữ thẳng trục cột sống từ đầu xuống chân khi bước tiếp đất, bước tới rất ngắn gần với trục cơ thể, khớp gối hầu như giữ thẳng hoặc gập rất nhẹ. Kiểu đi bộ khí công thả lỏng cơ bắp, tiêu tốn ít năng lượng, đi đường dài không bị mệt mỏi. Kiểu chạy bộ khí công phải hơi nghiêng người sao cho trọng tâm luôn dồn về phía trước, bước chân tới không được nâng cao gối hoặc bước quá dài.

Cấu trúc sải chân khi đi bộ và chạy bộ chỉ bao gồm từ trục cơ thể về phía sau, hầu như không có phần bước sải tới trước như bình thường. Cách di chuyển này không có bước giậm tạo đà nên các khớp ở chi dưới chịu rất ít lực tì đè. Lực đẩy tới trước chủ yếu nhờ vào sự nghiêng người và sức bật của bàn chân.

Nguyên tắc khinh hành

Cội nguồn võ thuật

Khí công được xem là cội nguồn căn bản của võ thuật phương Đông, qua đó tìm cách phát huy tối đa khả năng về sức mạnh, sự chịu đựng, tốc độ thậm chí có thể vượt xa người bình thường. Ngày nay khí công vẫn được ứng dụng để rèn luyện sức khỏe, chủ yếu để tăng sức bền và sự dẻo dai cơ thể.

Chương trình làm quen thường trải qua ba tuần, chú trọng tập luyện kỹ thuật nhuần nhuyễn hơn là tốc độ. Có thể tập xen kẽ di chuyển kiểu bình thường với kiểu khí công, chạy bộ mệt thì chuyển sang đi bộ. Người lớn tuổi, đau khớp, bệnh tim mạch có thể tập cách đi bộ khí công thật dễ dàng.

Di chuyển như thế trong võ thuật phương Đông thuộc về ngoại gia khinh công, có nhiều tên gọi như khinh hành, thần hành công, phi hành công, thiên lý độc hành... Khinh hành là cách đi đứng nhẹ nhàng, nhanh nhẹn, uyển chuyển và vững chắc của người có tập luyện khí công và võ thuật. Các nguyên tắc căn bản sau đây của khinh hành sẽ giúp người tập đi bộ - chạy bộ khí công có hiểu biết đúng đắn và phương pháp luyện tập gần với nguyên bản hơn:

Nhu thượng thân: thân trên thả lỏng, lưng thẳng tự nhiên, đầu như được cột một sợi dây đặt trên cổ, mắt nhìn thẳng.

Nhi tức: hít thở sâu bằng bụng dưới, tự nhiên như trẻ thơ.

Tấn trọng bộ khinh: như bước chân của hổ, dáng điệu uyển chuyển vững vàng mà bước chân thật nhẹ, không gây tiếng động.

Lực xuất đan điền: tưởng tượng khí lực ở bụng dưới, từ đó phát ra cho hai chân di chuyển - tương đương với lực giữ vững trục cơ thể gồm sức mạnh các cơ bụng và cơ dựng sống, được ứng dụng trong hầu hết môn thể thao có di chuyển.

Kiên bình: hai vai bằng nhau, cả thân trên hơi nghiêng về phía trước, di chuyển trên mặt phẳng ngang với mặt đất - là điểm mấu chốt giữ cho tim không bị nhồi lên xuống theo nhịp chân, không tăng nhịp đập quá mức và bàn chân giảm áp lực đạp xuống mặt đất.

Dễ té ngã

Chiwalking và chirunning chính là phần sơ cấp của khinh hành. Người học võ còn phải tập thêm cách giữ thăng bằng, di chuyển lùi, cách té ngã, rèn luyện các giác quan như nhãn lực, nhĩ lực... Cấp cao hơn sẽ học di chuyển với binh khí, giao đấu khi đang khinh hành. Ưu điểm lớn nhất là sức lực được bảo tồn và ít mất nước qua mồ hôi. Nhiều môn phái ở Trung Quốc và Nhật Bản vẫn còn dạy khinh hành như aiki jitsu, ninjitsu...

Môn đi bộ - chạy bộ khí công dựa trên sự lệch trọng tâm nên có nguy cơ té ngã. Người luyện tập nên có dụng cụ bảo hộ khớp gối, khuỷu tay, găng tay da, mũ bảo hộ (nếu địa hình gồ ghề). Giày chạy nên chọn loại có đế bằng, mỏng, dẻo để uốn theo bàn chân.

Bãi cát ướt ở bờ sông, bờ biển là nơi lý tưởng nhất để tập luyện vì té ngã không sao. Di chuyển kiểu khí công làm cát ít lún hơn bình thường, có thể nhìn độ lún gót chân để thẩm định mức độ tiến bộ. Lưu ý bàn chân tiếp đất theo cơ chế lăn từ gót đến mũi như bình thường chứ không được chạy nhón gót.

Người béo phì không nên tập môn này. Ngoài ra, vì bàn chân cần phải dẻo và có sức bật tốt nên cũng không khuyến khích các trường hợp có vấn đề ở bàn chân như bàn chân bẹt, vòm bàn chân quá cao, viêm gân gót, viêm cân gan chân...

BS TÔ MINH CHÂU (Hội Y học thể thao TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên