10/07/2008 18:18 GMT+7

Bóng đè

BS LÊ THÚY TƯƠI
BS LÊ THÚY TƯƠI

TTO - *Em năm nay 21 tuổi, sức khỏe bình thường, chỉ có điều là cách đây vài năm, khi ngủ em hay bị cảm giác tê cứng cả người, không thể cử động được, cứ tưởng tượng như có ai đó hoặc vật gì đó rất nặng đè lên người mình.

Chuyện đó cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày nên bây giờ mỗi lần bị vậy em cố hết sức để cử động nhẹ, thoát ra khỏi tình trạng đó, ngồi dậy rồi mới nằm ngủ tiếp được. Cảm giác bị "đè" này thường xuất hiện lúc lơ mơ ngủ vào buổi tối, hoặc lúc sắp ngủ dậy vào buổi trưa, vào những lúc như vậy thường hay xuất hiện những ảo ảnh giống như thật (như có ai đó, ba mẹ chẳng hạn đang đứng bên), và em cũng cảm giác được mọi vật xung quanh rất rõ, nhưng khi thật sự tỉnh ngủ mới biết không có gì cả. Bệnh này làm cho em thấy rất mệt khi ngủ.

Cho em hỏi có phải bệnh đó do tâm lý em không ổn định (em rất nhát, rất sợ ma!) hay do em bị cái gì?

(Trần Thị Hồng Hạnh)

- Trả lời của phòng mạch online:

Thực ra đó là một hiện tượng mộng mị mà bà con mình gọi là “bóng đè”.

Khi bị bóng đè, người ta sợ toát mồ hôi, muốn kêu cứu, cựa quậy mà đành chịu., người nằm cạnh có thể nghe những tiếng ú ớ không rõ, có người phát ra âm thanh như tiếng rên. Nếu bạn được ghi điện não lúc này thì thấy điện não giống như lúc thức (mặc dù bạn đang ngủ). Bạn biết là mình đang bị bóng đè nghĩa là người vẫn còn tỉnh một nửa. Trong giai đoạn “chập chờn” dễ sinh ra những giấc mơ, những kích thích yếu lại gây ra đáp ứng mạnh. Vì vậy, chỉ cần một bàn tay đặt lên ngực khi nằm ngửa, một cái cúc áo chật, hoặc không khí nhiều CO2 trong một buồng ngủ, thậm chí chỉ cần nằm nghiêng bên trái cũng có thể gây bóng đè với mê hoảng dữ dội.

Thường “bóng” chỉ đè những người “yếu bóng vía”, hay ám ảnh vì những điều vu vơ mà thiếu suy xét khoa học, hoặc người khỏe nhưng một lúc nào đó còn một điểm yếu trong tinh thần. Bóng cũng sẽ "đè” những bạn bị suy nhược cơ thể vì một bệnh nào đó, kể cả việc nhiễm “vườn bách thú ký sinh trùng trong ruột”.

Để đề phòng bóng đè, bạn đừng đọc loại truyện ma quỷ, kiếm hiệp. Tư thế nằm ngủ phải thoải mái: nằm nghiêng bên phải, chân hơi co, tay duỗi, làm cho toàn bộ cơ bắp chùng giãn, đầu không vẹo lệch. Ngoài ra, quần áo phải rộng rãi, buồng ngủ thoáng khí.

Bóng đè là một hiện tượng mà các nhà khoa học gọi là “bảo vệ cơ thể trước những giấc mơ”. Cụ thể là khi ta ngủ cơ thể đã phát lệnh “khóa” một số cử động nên khi bạn nằm mơ chỉ thấy tay chân quờ quạng, không đến mức “động thủ”. Bằng không thì bạn thấy thằng cha nào đó muốn cho một quả đấm, chẳng may đấm phải… má mình thì thôi rồi. Vì thế khi bị hiện tượng như bạn mô tả, lúc thức dậy bạn vẫn còn thấy “tay chân cứng ngắc”, não chưa kịp “mở khóa” giúp trung khu vận động họat động trở lại là vậy.

Bạn nên tập một môn thể thao nào đó và nếu có stress cần giải tỏa stress ngay. Còn nếu cơ thể bạn rất yếu càng nên “nâng cấp” sẽ tránh được “bóng đè”.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn!

B.CHÂU thực hiện

BS LÊ THÚY TƯƠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên