18/05/2008 20:56 GMT+7

Nhận biết dấu hiệu suy thận

 LÊ THANH HÀ ghi -  PGS.TS VŨ LÊ CHUYÊN (Bệnh viện Bình Dân TP.HCM)
 LÊ THANH HÀ ghi -  PGS.TS VŨ LÊ CHUYÊN (Bệnh viện Bình Dân TP.HCM)

TT - Hai quả thận người có khoảng 1 triệu đơn vị thận. Người ta có thể mất 50% số đơn vị thận mà vẫn sống bình thường. Vì vậy mới có chuyện cho người khác một quả thận. Tuy nhiên, nếu mất trên số lượng đơn vị thận này, tình trạng suy thận sẽ bắt đầu.

nBjcLFKu.jpgPhóng to
Bệnh nhân suy thận mãn được chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: L.T.H
TT - Hai quả thận người có khoảng 1 triệu đơn vị thận. Người ta có thể mất 50% số đơn vị thận mà vẫn sống bình thường. Vì vậy mới có chuyện cho người khác một quả thận. Tuy nhiên, nếu mất trên số lượng đơn vị thận này, tình trạng suy thận sẽ bắt đầu.

Thận của một người có thể chết đi, tạm ngưng hoạt động hoặc không thể hoạt động được vì một bệnh lý nào đó. Nếu chỉ tạm ngưng hoạt động trong thời gian ngắn và được điều trị đúng, kịp thời, thận sẽ hoạt động trở lại.

Có thể nhận biết triệu chứng của suy thận cấp qua số lượng nước tiểu thải ra trong ngày. Nếu bệnh nhân không có nước tiểu, hoặc nước tiểu đi được có lượng dưới 100ml trong vòng 24g là dấu hiệu cho biết bị suy thận cấp. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các dấu hiệu khác như phù, sưng mặt, sưng mi mắt do ứ nước trong cơ thể.

Trong khi đó, triệu chứng của bệnh suy thận mãn lại kín đáo hơn. Bệnh nhân thường chỉ có triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, không muốn ăn, thiếu máu (thận còn có chức năng tiết ra kích thích tố để sinh hồng cầu). Nếu không để ý, bệnh nhân sẽ không đi khám bệnh và bỏ qua các triệu chứng này.

Để chẩn đoán suy thận mãn, phải cần đến những xét nghiệm cơ bản là đánh giá nồng độ urê máu và créatinine máu. Để phát hiện sớm một bệnh nhân có bị suy thận mãn hay không, trong quá trình theo dõi các bệnh lý nội khoa (cao huyết áp, tiểu đường…) bác sĩ phải thường xuyên cho bệnh nhân kiểm tra định kỳ hai chỉ số urê và créatinine.

Để phòng ngừa suy thận mãn, khi bị nhiễm trùng đường tiểu phải đi khám và điều trị đúng cách; tránh bị sạn thận bằng cách uống nước nhiều. Khi bị sạn thận (cũng có thể gây ra nhiễm trùng đường tiểu) phải điều trị ngay để không gây bế tắc. Uống đủ nước để duy trì lượng nước tiểu khoảng 1,5 lít/ngày. Không nên ăn quá nhiều đạm động vật, vì ăn nhiều đạm sẽ làm thận phải hoạt động nhiều hơn (chức năng chính của thận là biến dưỡng chất đạm). Tránh ăn mật cá, mật rắn, tránh để nhiễm trùng, nhiễm độc… Khi bệnh nhân có bệnh cao huyết áp, tiểu đường... cần tuân thủ điều trị thuốc và thực hiện chế độ ăn uống theo lời khuyên của bác sĩ.

Với những người chỉ còn một thận (cho người khác một thận, có bệnh lý bị teo một thận, bị sạn thận làm hư mất một thận, bị chấn thương mất một thận...), không có dự trữ thứ hai, tuyệt đối tránh các biến chứng do những bệnh khác gây ra.

Vậy còn nước tiểu đục, tiểu ra máu, tiểu đêm, đau lưng liên quan đến bệnh thận hay không? Nước tiểu đục có ba nguyên nhân. Tiểu ra máu có đến hơn... 100 nguyên nhân. Đau lưng có nhiều nguyên nhân và cũng có nhiều lý do làm ta phải thức dậy tiểu đêm.

Vì vậy, để biết chính xác việc tiểu đục, tiểu ra máu, đau lưng, tiểu đêm... liên quan đến bệnh lý thận hay không, bệnh nhân đến bệnh viện để khám bệnh. Hiện nay ở TP.HCM, các bệnh viện đã làm được nhiều loại xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng... để tầm soát và phát hiện sớm các bệnh lý về thận.

Suy thận mãn ở tuổi 20

Khoa cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân nam T.Đ.K., 21 tuổi, nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. K. khá mệt mỏi, nhức đầu nhiều, da niêm nhợt, nặng hai mi mắt do phù và hai chân từ bàn đến cẳng đều phù nhiều, tiểu rất ít.

Hai ngày trước K. có lọc máu cấp cứu bằng máy thận nhân tạo tại một bệnh viện ở quận Bình Thạnh vì đang bị đợt cấp của suy thận mãn, bệnh rất nguy hiểm đe dọa tính mạng. Sau lọc máu K. thoát khỏi nguy kịch, và được bác sĩ tư vấn là đến lúc lọc máu kéo dài, cần làm fistula động tĩnh mạch để tạo đường mạch máu lâu dài cho việc chạy thận. K. được chuyển đến bệnh viện chuyên khoa để làm fistula.

K. cho biết nghỉ học từ năm 16 tuổi do nhà khó khăn, sau đó đi làm thợ hồ và hay có những vết thương rách da hay sây sát chân tay do đụng chạm vật nặng hay nhọn. Do không hiểu biết đầy đủ nên K. cứ để vết thương tự lành mà không chăm sóc, trong đó có những vết thương mưng mủ.

Đến năm 19 tuổi thấy có hiện tượng hay đi tiểu máu sẫm màu hoặc màu đỏ. Hiện tượng này kéo dài đến bốn tháng thì K. cảm thấy mệt nhiều, tay chân phù, làm việc không nổi. K. đi khám bệnh phát hiện mình bị viêm cầu thận mãn tính, các bác sĩ điều trị cho K. tư vấn uống thuốc dài lâu nhằm làm chậm lại sự tiến triển đến suy thận giai đoạn cuối ở những người viêm cầu thận mãn tính. Nhưng do việc mưu sinh nên sự hợp tác điều trị không được thường xuyên. Đến nay K. đã bị suy thận mãn tính mà không biết, bệnh cảnh đang bùng phát lên nhiều đợt cấp, đòi hỏi phải lọc máu kéo dài.

BS Trần Mạnh Hà

 LÊ THANH HÀ ghi -  PGS.TS VŨ LÊ CHUYÊN (Bệnh viện Bình Dân TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên