07/05/2008 05:07 GMT+7

Cảnh giác với bệnh tay chân miệng

 L.TH.H. ghi
 L.TH.H. ghi

TT - Bốn tháng qua đã có khoảng 3.000 trẻ mắc chứng tay chân miệng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt tại các tỉnh thành phía Nam như TP.HCM, Kiên Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Nai; trong đó mười trẻ đã tử vong. Tại Trung Quốc, số ca mắc bệnh là gần 12.000.

iaia8IeL.jpgPhóng to
Kiểm tra miệng học sinh trước khi cho vào lớp tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc
TT - Bốn tháng qua đã có khoảng 3.000 trẻ mắc chứng tay chân miệng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt tại các tỉnh thành phía Nam như TP.HCM, Kiên Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Nai; trong đó mười trẻ đã tử vong. Tại Trung Quốc, số ca mắc bệnh là gần 12.000.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Theo ông Nguyễn Huy Nga - cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế), do dịch tay chân miệng có xu hướng tăng ở VN trong vài năm gần đây, từ năm 2007 Bộ Y tế đã xếp dịch này vào nhóm phải báo cáo hằng tuần.

Theo Bộ Y tế, năm 2006 có 2.284 trường hợp mắc bệnh, năm 2007 là 2.988 trường hợp; còn bốn tháng đầu năm 2008, số mắc đã lên khoảng 3.000 trường hợp, bằng cả năm 2007. Có chuyên gia dự đoán năm 2008 số mắc bệnh (tính riêng tại phía Nam) có thể lên 8.000-9.000 trường hợp. 15-20% trong số này nhiễm enterovirus 71, type virus tương tự type đang gây dịch lớn ở Trung Quốc.

TP.HCM: bệnh tăng trong tháng năm

Theo BS Trần Thị Việt - Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 TP.HCM, bệnh tay chân miệng đã ở mức độ cao từ tháng 10-2007 đến nay, sau tết có giảm một chút. Trong ba tháng đầu năm 2008 bệnh đã tăng cao gấp bốn lần so với cùng kỳ năm trước. Hiện trong khoa có 20-30 bệnh nhân nội trú mỗi ngày và số đến khám điều trị ngoại trú 70-80 ca/ngày.

BS Trương Hữu Khanh, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết: theo chu kỳ dịch tễ học, bệnh tay chân miệng sẽ tăng trở lại trong tháng năm (số đến khám trong tháng tư đã tăng 21% so với tháng ba) số đang nằm điều trị tại khoa 30-40 trẻ/ngày, nhiều nhất là dưới 3 tuổi và khoảng 70% là có biến chứng.

Tại miền Trung, mặc dù chưa rầm rộ như miền Nam nhưng bốn tháng đầu năm cũng đã có 66 ca mắc, chủ yếu ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận.

Tại BV Nhi T.Ư, ông Lê Thanh Hải - phó giám đốc BV - cho biết một số trẻ có dấu hiệu mắc bệnh tay chân miệng vào viện, nhưng biểu hiện bệnh chưa rõ ràng. Type virus thường thấy ở bệnh nhi mắc tay chân miệng ở miền Bắc là coxsackie, gây biểu hiện tương tự như sốt, nổi ban ở lòng bàn tay, bàn chân, niêm mạc miệng... nhưng biến chứng không nặng nề bằng.

Trước tình hình dịch tay chân miệng bùng phát ở nước láng giềng Trung Quốc với tỉ lệ tử vong khá lớn, hôm 5-5, Cục Y tế dự phòng và môi trường đã có công điện khẩn gửi sở y tế và trung tâm y tế dự phòng các tỉnh thành, yêu cầu tăng cường phát hiện sớm bệnh nhân, tổ chức cách ly các trường hợp mắc bệnh để hạn chế lây lan. Các cơ sở điều trị chuẩn bị cơ sở vật chất, sẵn sàng thu dung bệnh nhân. Tại các cơ sở nuôi dạy trẻ cần tổ chức vệ sinh đồ chơi, phòng ốc, đồ dùng dạy học, đảm bảo cung cấp nước uống cho trẻ. Trong trường hợp có tử vong do bệnh tay chân miệng, báo cáo trong ngày về Bộ Y tế.

Hôm 6-5, Cục trưởng Nguyễn Huy Nga nói trước đây Bộ Y tế mới có hướng dẫn điều trị bệnh tay chân miệng, trong 1-2 tuần tới bộ sẽ ban hành qui chế giám sát. Đây sẽ là văn bản pháp qui đầu tiên của Bộ Y tế về giám sát và phòng chống dịch tay chân miệng.

Trung Quốc: 26 ca tử vong

Tính đến ngày 6-5, số ca nhiễm dịch tay chân miệng ở Trung Quốc đã lên 11.905 ca.

Tân Hoa xã cho biết tại tỉnh Quảng Đông có 1.692 trẻ nhiễm bệnh, còn tỉnh An Huy là 5.840 ca, riêng thành phố Phụ Dương đã có 4.496 ca, trong đó hơn 1.300 trẻ vẫn đang được theo dõi chặt chẽ ở BV. Đến chiều cùng ngày, thủ đô Bắc Kinh cũng xác nhận có gần 1.500 trường hợp, trong đó có 818 trẻ bị lây lan từ các nhà giữ trẻ, trường mẫu giáo. Theo Bộ Y tế Trung Quốc, trong kết quả kiểm tra mẫu bệnh phẩm của 26 trường hợp tử vong đã có 25 trường hợp dương tính với virus EV71.

Tính đến nay, dịch tay chân miệng ở Trung Quốc đã bùng phát ở hơn mười tỉnh thành, gây tâm lý hoang mang cho người dân. Tân Hoa xã cho biết sáng 6-5, số trẻ em đến khám bệnh tay chân miệng tại các BV ở Côn Minh (Vân Nam - giáp Tây Bắc VN), Thượng Hải, Trùng Khánh... tăng đột biến.

Trong khi đó đến ngày 6-5, Bộ Y tế Singapore vẫn áp dụng lệnh đóng cửa đối với 17 trường mẫu giáo và khuyến khích 48 trường khác không nên mở cửa quá sớm vì lo ngại dịch bệnh có thể tái bùng phát mạnh. Dù chiều 5-5 Singapore đã xuất hiện thêm 234 ca nhiễm bệnh mới, nhưng Bộ Y tế nước này vẫn đảm bảo dịch bệnh đang được kiểm soát tốt.

Thấy bóng nước ở lòng bàn chân, đến bệnh viện liền

BS Trương Hữu Khanh (BV Nhi Đồng 1 TP.HCM)

imcB4cDE.jpgPhóng to
Bác sĩ Lê Phan Kim Thoa khám một bệnh nhi tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (ảnh chụp chiều 6-5)

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và rất dễ lây. Bệnh thường lây lan nhanh qua đường tiêu hóa, giữa các trẻ nhỏ sống cùng nhà và sinh hoạt cùng nhà trẻ, trường mẫu giáo.

Theo tổng kết nhiều năm của Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh xảy ra theo hai mùa trong năm, từ tháng 2-4 và sau đó từ tháng 9-12. Biểu hiện của bệnh tay chân miệng dễ nhận biết nếu được chú ý, đó chính là các bóng nước. Khi nổi bóng nước, trẻ có thể sốt nhẹ, quấy khóc do đau miệng, bỏ ăn. Bóng nước sẽ tự xẹp đi và có thể tự khỏi sau 5-7 ngày. Một số trẻ có kèm nôn ói, tiêu chảy ngay khi nổi bóng nước hay khi bóng nước đã xẹp.

Đa số trường hợp bệnh sẽ tự khỏi, nhưng nếu bệnh do tác nhân enterovirus 71 gây ra, một số trẻ sẽ có biến chứng rất nguy hiểm là viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não.

Trẻ có biến chứng não thường không hôn mê sâu mà có những triệu chứng khó nhận thấy như khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ, có thể biểu hiện hoảng hốt, nói lảm nhảm, chới với, run chi, co giật. Khi thấy trẻ có các triệu chứng này phải đưa gấp đến bệnh viện vì đến trễ 6-10 giờ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng kể trên sẽ rất khó cứu được trẻ. Triệu chứng khác có thể thấy khi có biến chứng như sốt rất cao, nôn ói nhiều, da nổi bông, mạch nhanh nhưng không sốt cao, yếu tay chân, méo miệng. Khi trẻ có biến chứng nếu không điều trị đúng và kịp thời có thể tử vong trong vài giờ.

Để phát hiện sớm biến chứng, điều quan trọng là khi thấy trẻ có bệnh tay chân miệng (triệu chứng bóng nước ở tay, chân, miệng) thì người thân của bé cố gắng theo dõi sát trẻ ít nhất tám ngày để phát hiện ngay các dấu hiệu nghi ngờ biến chứng và đưa trẻ đến bệnh viện.

Mặt khác, nếu thấy những triệu chứng bất thường kể trên thì tìm xem trẻ có những bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông hay không. Nếu có thì nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện. Đối với trường hợp không có biến chứng có thể điều trị tại nhà bằng thuốc giảm đau, cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, cố gắng cho trẻ ăn thành nhiều bữa.

Hiện nay tác nhân enterovirus 71 chưa có thuốc chủng ngừa, nên cách phòng ngừa tốt nhất là bảo đảm vệ sinh trong ăn uống. Cho trẻ nghỉ học hay tránh tiếp xúc với trẻ bệnh khi ở chung nhà vì bệnh rất dễ lây từ trẻ này sang trẻ khác khi tiếp xúc.

 L.TH.H. ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên