08/01/2008 19:00 GMT+7

Viêm lộ tuyến cổ tử cung, tránh đặt thuốc liên tục

Th.s, BS NGUYỄN HỒNG HOA
Th.s, BS NGUYỄN HỒNG HOA

TTO - Nhờ BS hướng dẫn: điều trị viêm cổ tử cung lộ tuyến mãn tính có nên đặt thuốc trong thời gian dài đến khi nào hết hẳn viêm nhiễm hay không? Sau khi đã điều trị lành hẳn thì cần phải làm gì để tạo lại vi khuẩn Doderlein trong môi trường âm đạo? (Huỳnh Thuý)

Trả lời của phòng mạch online:

- Trước dậy thì, mặt ngoài của cổ tử cung được che phủ bởi biểu mô lát, ống cổ tử cung được phủ bởi biểu mô tuyến. Sau dậy thì, biểu mô trụ bị đẩy ra ngoài và nằm một phần ở mặt ngoài cổ tử cung, đối diện với âm đạo.

Mô ống tuyến cổ tử cung này nằm quanh lỗ ngoài cổ tử cung có màu đỏ và có thể nhìn giống viêm, trước đây gọi là loét trợt, một khái niêm hiện nay đã trở nên lỗi thời vì nhiễm trùng và loét rất hiếm gặp. Khái niệm chính xác là “ lộ tuyến”. Các mạch máu bên dưới được nhìn rõ hơn và tạo nên hình ảnh màu đỏ.

- Bị bộc lộ trong môi trường pH axit của âm đạo và tác động của các ảnh hưởng vật lý và hoá học, biểu mô trụ lộ tuyến biến đổi, chuyển thành biểu mô lát- gọi là chuyển sản tế bào lát . Đây là một tiến trình sinh lý, sau nhiều năm biểu mô trụ được thay thế bởi biểu mô lát, tạo thành một bề mặt chắc chắn và có tính bảo vệ cao hơn.

- Ranh giới giữa vùng biểu mô trụ –biểu mô lát là vùng luôn biến đổi do có hiện tượng biến đổi từ biểu mô trụ sang biểu mô tuyến. Các biền đổi đa số là lành tính. Trong trường hợp bị nhiễm Human papilloma virus thì có nguy cơ biến đổi nghịch sản, trở thành các sang thương tiền xâm lấn và ung thư cổ tử cung.

Viêm nhiễm:

- Vi khuẩn Doderlein hay lactobacilli là các vi khuẩn gram dương có chiều dài khác nhau, sản xuất axit lactic (pH 3.8- 4.8) có chức năng bảo vệ âm đạo, giúp phòng ngừa sự phát triển của các vi khuẩn có hại.

- Cổ tử cung có thể bị viêm nhiễm cấp tính hay mãn tính. Điều trị tập trung vào tình trạng viêm nhiễm cấp tính vì khả năng nhiễm trùng có nguy cơ lan ngược lên tử cung và vòi trứng, và có thể nhiễm trùng huyết. Đối với viêm nhiễm mãn tính, việc điều trị khó khăn vì tác nhân thường không xác định, nhưng vấn đề quan trọng là theo dõi khả năng biến đổi bất thường tế bào của cổ tử cung nếu có nhiễm Human papilloma virus. Đối với nhiễm Human papilloma virus, hiện tại chưa có thuốc điều trị, chỉ mới có vaccin ngừa Human papilloma virus (đang khuyến cáo chích cho bé gái từ 13 tuổi).

- Để giúp phát hiện sớm các tổn thương bất thường của cổ tử cung, chúng ta nên khám phụ khoa định kỳ, làm xét nghiệm phết mỏng cổ tử cung. Nếu nghi ngờ nhiễm Human papilloma virus, xét nghiệm thử xem nhiễm nhóm nào để có kế hoạnh kiểm tra thường xuyên hơn.

Như chị mô tả, chị bị viêm lộ tuyến mãn tính, tác nhân gây bệnh không rõ cho nên theo tôi chị nên đi kiểm tra lại xem nguyên nhân viêm nhiễm là gì. Tránh điều trị đặt thuốc liên tục chỉ vì lộ tuyến vì đây chỉ là một tình trạng “sinh lý “ của cổ tử cung.

Tùy theo loại viêm nhiễm, chị sẽ được bác sĩ hướng dẫn biện pháp điều trị, theo dõi nhằm phát hiện các bất thường của cổ tử cung. Việc đặt thuốc liên tục sẽ diệt hết các vi khuẩn Doderlein, để giúp phục hồi vi khuẩn này, đơn giản nhất là ngưng dùng thuốc đặt, tránh thục rửa âm đạo.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn!

B.CHÂU thực hiện

Th.s, BS NGUYỄN HỒNG HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên