26/12/2007 09:29 GMT+7

Bệnh do... bác sĩ

KIM SƠN thực hiện
KIM SƠN thực hiện

TT - Đau ở ruột phải mổ, một bệnh nhân nằm viện hơn nửa tháng nhưng cứ sốt nhẹ về chiều, BS hội chẩn suốt vẫn không tìm được nguyên nhân. Bệnh nhân này xuất viện, ngay hôm sau hết sốt. Tại sao?

So5FvVsC.jpgPhóng to
Bác sĩ khám bệnh cho đồng bào vùng lũ tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Thái độ ân cần của bác sĩ giúp người bệnh ổn định tâm lý - Ảnh: TR.H.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

BS NGUYỄN NGỌC QUANG, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho biết:

- Đó là các chứng bệnh y sinh (iatrogenia) để chỉ những bệnh hay rối loạn do thầy thuốc gây ra. Có hai nhóm bệnh y sinh. Y sinh về cơ thể chỉ những rối loạn do tác dụng không mong muốn hay còn gọi là tác dụng phụ của thuốc, hay can thiệp phẫu thuật, tia xạ...

Y sinh về tâm lý hay còn gọi là y sinh chức năng, chỉ những rối loạn mới phát sinh do tác động tâm lý tiêu cực của thầy thuốc lên những người có nhân cách dễ bị ám thị và kèm theo các yếu tố thuận lợi khác như: tình trạng sức khỏe, tuổi tác, giới tính cũng như khả năng nhận thức của người bệnh.

Trên thực tế, đây là một rối loạn rất thường gặp nhưng chúng ta ít quan tâm tới vì các triệu chứng bệnh lý có thể gặp ở rất nhiều bệnh thuộc các chuyên khoa khác.

* Như vậy triệu chứng nào là do bệnh, triệu chứng nào là rối loạn y sinh?

- Chúng ta thường gặp nhất là rối loạn y sinh trên cơ sở những bệnh đã có sẵn. Những biểu hiện rối loạn cơ thể: ở người bệnh có các triệu chứng rối loạn về tim mạch như hồi hộp, khó thở, mạch nhanh, tăng huyết áp, vã mồ hôi như là biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật. Hoặc có các rối loạn về hô hấp như thở nhanh, gấp, thể hiện tình trạng thiếu dưỡng khí. Về tiêu hóa có thể gặp tiêu chảy hay táo bón, thậm chí có tình trạng đau bụng như một cấp cứu ngoại khoa.

Trong lĩnh vực tâm thần, người bệnh thường có những biểu hiện của lo âu, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm nhẹ. Nặng hơn thì biểu hiện bằng trạng thái nghi bệnh, ám ảnh sợ, rối loạn stress cấp...

Ở đây cũng xin lưu ý là việc chẩn đoán sẽ gặp nhiều khó khăn vì trước hết phải loại trừ các bệnh thực thể trước khi nghĩ đến rối loạn y sinh.

GBMo9t5U.jpgPhóng to

BS NGUYỄN NGỌC QUANG (ảnh), Bệnh viện Tâm thần TP.HCM. Ảnh: Kim Sơn

* Vậy nguyên nhân từ đâu dẫn đến chứng rối loạn y sinh?

- Bệnh do tác động tâm lý tiêu cực của thầy thuốc và được xem là nhân tố quan trọng nhất trong quá trình tiếp xúc, thăm khám và điều trị người bệnh. Do vô tình hay cố ý, thầy thuốc có những tác động tâm lý tiêu cực trực tiếp đến người bệnh.

Một trong những lý do đó là việc chẩn đoán sai bệnh: không bệnh mà nói là có bệnh, bệnh nhẹ nói bệnh nặng, bệnh lành tính nói ác tính đưa đến tiên lượng quá mức, hoặc điều trị không đúng, điều trị bao vây không cần thiết... có thể gây ra các chứng bệnh y sinh.

Thái độ quá quan tâm hoặc quá thờ ơ đối với người bệnh cũng đều gây những tác động tâm lý tiêu cực lên người bệnh. Đặc biệt khi hỏi, khám bệnh thường đưa ra những câu hỏi mang tính ám thị làm người bệnh sẽ liên tưởng hoặc bị ám thị bởi những câu hỏi đó.

Tại phòng khám của một số bệnh viện lớn, ngoài các yếu tố ngoại cảnh về phòng ốc, trang thiết bị, sự chen chúc đông người... thì ngay trong việc khám bệnh do phải giải quyết một số lượng lớn bệnh nhân trong thời gian ngắn đã không cho phép thầy thuốc dành nhiều thời gian để thăm hỏi kỹ bệnh.

Có khi dùng tiếng nước ngoài phức tạp làm người bệnh hiểu nhầm rằng thầy thuốc cố tình không cho họ biết về bệnh của mình. Có khi nhân viên y tế cung cấp những thuật ngữ y học mà do kiến thức về y tế không đầy đủ nên từ đó bệnh nhân suy diễn theo cách nghĩ của họ về tình trạng bệnh lý...

Việc nằm viện quá lâu, nhất là ở bệnh nhân lớn tuổi cũng gây ra những triệu chứng rối loạn về tâm lý và cơ thể mà những rối loạn này không có khi mới nhập viện.

* Bệnh nhân dễ mắc thêm chứng rối loạn y sinh khi nằm viện?

- Trong chứng bệnh y sinh chúng ta nhấn mạnh đến vai trò nhân cách của người bệnh cũng như các yếu tố thuận lợi khác, chẳng hạn thường gặp hơn ở người cao tuổi, nữ nhiều hơn nam, trình độ nhận thức của người bệnh càng thấp càng dễ bị. Thường gặp hơn ở những người có nhân cách dễ bị ám thị, nhân cách ám ảnh, lo âu, nhân cách có xu hướng lệ thuộc...

Ở người nhân cách dễ bị ám thị thường thấy điệu bộ kịch tính, dễ bắt chước, luôn tự cho mình là trung tâm của sự chú ý, hay áp đặt quan điểm, tình cảm của mình cho người khác, có cảm xúc không ổn định, dễ khóc, dễ cười...

Người có nhân cách ám ảnh thường hay phức tạp hóa vấn đề, cẩn thận, cầu toàn, luôn cứng nhắc hoặc luôn do dự khi đưa ra một quyết định... Do vậy không phải bất cứ ai trước những tác động tâm lý tiêu cực của thầy thuốc đều xuất hiện rối loạn y sinh.

* Thưa bác sĩ, quả là khó xác định bệnh, vậy phòng ngừa bằng cách nào?

- Trong giao tiếp, thầy thuốc hạn chế những tác động tâm lý tiêu cực mà phải sử dụng những tác động tâm lý tích cực cho người bệnh. Thầy thuốc phải hiểu rõ nhân cách, sang chấn tâm lý của người bệnh và thiết lập mối quan hệ chặt chẽ, tạo niềm tin ở người bệnh vào thầy thuốc và yên tâm vào quá trình điều trị.

Chỉ giải thích khi nắm vững các rối loạn, tránh những sai lệch sẽ ảnh hưởng xấu lên tư duy người bệnh. Tránh dùng những từ chuyên môn quá sâu hoặc tiếng lóng. Biết tôn trọng và chia sẻ những nỗi đau của người bệnh và đặc biệt biết giữ kín những bí mật của người bệnh.

KIM SƠN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên