31/07/2007 16:43 GMT+7

Thuốc chữa táo bón ở trẻ em

ThS. Đỗ Văn Đô (Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi TƯ) -Sức khỏe & đời sống
ThS. Đỗ Văn Đô (Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi TƯ) -Sức khỏe & đời sống

Táo bón chiếm tỷ lệ cao trong các bệnh lý tiêu hóa. Táo bón do rất nhiều căn nguyên khác nhau, có khi cấp tính, hoặc mạn tính (chiếm đa số các trường hợp).

WiMWHLI9.jpgPhóng to
Cho trẻ em uống nước nhiều tránh táo bón
Táo bón chiếm tỷ lệ cao trong các bệnh lý tiêu hóa. Táo bón do rất nhiều căn nguyên khác nhau, có khi cấp tính, hoặc mạn tính (chiếm đa số các trường hợp).

Táo bón nếu không điều trị tốt có thể gây biến chứng phức tạp: dãn đại tràng, sa trực tràng, sa tử cung (dạ con), trĩ... Ở trẻ em, táo bón kéo dài gây chán ăn, chậm lên cân, thậm chí gây tình trạng đau bụng kéo dài hoặc nôn trớ.

Điều trị táo bón ngoài việc loại trừ các nguyên nhân, uống nhiều nước, tạo thói quen đi đại tiện đúng giờ thì thuốc chữa táo bón đóng vai trò quan trọng.

Đặc điểm chung của các thuốc chữa táo bón là: làm mềm phân, trơn hoặc gây tăng nhu động đại tràng. Do đó nếu uống liều thấp thuốc gây nhuận tràng, nếu uống liều cao sẽ gây tiêu chảy (có tác dụng làm sạch ruột như thuốc tẩy).

Tại thị trường Việt Nam, các thuốc chữa táo bón có rất nhiều loại biệt dược có tên thương mại khác nhau. Tuy nhiên, đều có nguồn gốc từ một số hoạt chất.

Các loại dầu:

Có tác dụng bôi trơn làm dễ đại tiện. Thuốc thuộc nhóm này chủ yếu có tác dụng nhuận tràng. Tuy nhiên tác dụng chống táo bón không mạnh. Thuốc có thể dùng đường uống hoặc thụt hậu môn, có thể kể đến: các loại dầu có nguồn gốc từ chất khoáng như parafin, koadremol, agarol. Liều dùng từ 1-6 thìa/ngày tùy theo lứa tuổi. Trẻ lớn hoặc người lớn có thể dùng liều cao hơn.

Các chất gây tăng thẩm thấu:

Thuốc có áp lực thẩm thấu cao sẽ hút nước vào lòng ruột gây lỏng phân, dễ đại tiện. Thuốc thuộc nhóm này nhìn chung có tác dụng mạnh, dễ gây tiêu chảy, nhất là ở trẻ em, do đó có thể dùng như một thuốc tẩy tràng (làm sạch ruột), khi phải nội soi đại tràng hoặc phẫu thuật đường tiêu hóa...

Thuốc nhóm này có nhiều loại như: sorbitol, lactulose, poly ethylenglycon, muối magiê...

- Nếu uống thuốc ở liều thấp, thuốc làm nhuận tràng, nếu liều cao gây tiêu chảy. Do đó cần lưu ý bù nước và điện giải, nhất là ở trẻ nhỏ.

- Liều thuốc tùy theo từng loại, dùng từ 1-8 thìa/ngày, tùy theo lứa tuổi và mục đích.

Các thuốc tăng nhu động ruột:

Các thuốc nhóm này có tác dụng kích thích nhu động ruột làm co bóp mạnh hơn, làm giảm thời gian lưu thông của phân trong ruột. Cho nên khi uống gây triệu chứng đau bụng.

Các thuốc gồm có: castorvil, sữa magiê, diphenyl methan (bisacodyl)...

Các chất xơ:

Thuốc có tác dụng dự phòng với các trường hợp táo bón mạn tính mà không do tắc đường tiêu hóa. Thuốc có tác dụng nhẹ, có thể dùng kéo dài.

Thuốc thuộc nhóm này có psillium, methylcellulose...

Các thuốc làm mềm phân:

Thuốc làm phân lỏng, dễ đi ngoài, tuy nhiên cũng dễ gây tiêu chảy. Điển hình trong nhóm này là các muối docusate. Thuốc không khuyến cáo cho trẻ dưới 6 tuổi.

- Các thuốc khác: anthraquinone, targserod... có tác dụng mạnh nhưng ít dùng cho trẻ em.

Khi dùng thuốc chống táo bón cần lưu ý:

- Thuốc dễ gây tiêu chảy và mất nước ở trẻ nhỏ.

- Có thể phối hợp thuốc với chế độ ăn nhiều chất và uống nhiều nước.

- Tạo thói quen đi ngoài đúng giờ, tránh nhịn đại tiện kéo dài.

- Cần chữa các bệnh chính gây táo bón.

ThS. Đỗ Văn Đô (Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi TƯ) -Sức khỏe & đời sống
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên