30/12/2004 08:44 GMT+7

Sinh mổ: nên không?

KIM SƠN thực hiện
KIM SƠN thực hiện

TT - Ở một số bệnh viện tư hiện nay tỉ lệ các ca mổ lấy thai không dưới 70%. Đó là con số đáng báo động. Vì sao tỉ lệ các bà mẹ sinh mổ lại cao? Sinh mổ lợi hay hại?

Brl9a72f.jpgPhóng to
Nữ hộ sinh Bệnh viện Hùng Vương đang theo dõi tiến trình chuyển dạ của một sản phụ - Ảnh: KIM SƠN
TT - Ở một số bệnh viện tư hiện nay tỉ lệ các ca mổ lấy thai không dưới 70%. Đó là con số đáng báo động. Vì sao tỉ lệ các bà mẹ sinh mổ lại cao? Sinh mổ lợi hay hại?

Trao đổi vấn đề này với Tuổi Trẻ, bác sĩ (BS) Tạ Thị Thanh Thủy - quyền trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Hùng Vương TP.HCM - nói.

- Chỉ định sinh mổ khi : 1/ Tiên lượng sản phụ không sinh thường được, ví dụ: em bé quá to (trên 4kg), khung chậu hẹp... 2/ Tiên lượng sinh thường sẽ gây nguy hiểm cho mẹ hoặc con, ví dụ: dọa vỡ tử cung, thai suy trong lúc chuyển dạ, nước ối xấu (tùy chỉ định của thầy thuốc, có trường hợp nước ối xấu nhưng để sinh thường, cũng có trường hợp phải mổ) hoặc nhau tiền đạo, nhau bong non... Trường hợp em bé nằm ngôi bất thường (ngôi mông, ngôi ngang...). 3/ Có trục trặc xảy ra trong quá trình chuyển dạ ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và con như: sản phụ rất bình thường - đang rặn nhưng ngưng tim ngưng thở, thuyên tắc ối, tiền sản giật gây hôn mê nặng không sinh được hoặc biến chứng phù phổi cấp...Tất cả trường hợp này đều phải lập tức can thiệp bằng mổ.

71zGErHh.jpgPhóng to
* Trường hợp sản phụ bị bệnh tim?

- Vẫn cho sinh thường. Nhưng nếu bệnh nhân (BN) suy tim nặng phải bắt buộc ngừng chuyển dạ ngay, tức phải sinh mổ.

* Thực tế nhiều trường hợp cứ đi khám thai ở phòng mạch tư theo lời giới thiệu của người quen, cho đến lúc gần sinh chỉ cần “alô” là BS theo vô phòng mổ để mổ. Rồi coi ngày giờ để mổ bắt con...

- Có một vấn đề đang bàn cãi là chỉ định mổ “chủ động” trước khi có chuyển dạ, tức đã có ý định mổ từ trước. Trong vấn đề này có hai nhóm: 1/ Chỉ định mổ chủ động bắt buộc, tức cứ rơi vào các tình huống bắt buộc (BN có vết mổ sinh trước - cộng thêm một yếu tố nguy cơ khác) thì mổ. 2/ Chỉ định mổ theo ý định của thầy thuốc hoặc theo yêu cầu của BN. Trong trường hợp này thầy thuốc “sướng” vì ca mổ chỉ khoảng một giờ, không phải mất thời gian theo dõi suốt cuộc chuyển dạ, có khi cả ngày... Đa số BV tư mổ theo ý định của thầy thuốc vì tiền phẫu thuật cao hơn sinh, thời gian nằm viện cũng dài hơn, khoảng bảy ngày so với sinh thường chỉ ba ngày.

Mổ theo yêu cầu của BN cũng có nhưng không nhiều, chẳng qua họ bị tác động của thầy thuốc và không hiểu hết những hậu quả có thể xảy ra.

Khi BS dụ mổ lấy thai chỉ nói đến cái tốt mà không nói đến những biến chứng, bất lợi về sau. Trong trường hợp người sinh thường, có thể 2-3 tháng sau có thai ngoài ý muốn cũng không thành vấn đề, nhưng khi đã có vết mổ sinh thì tối thiểu hai năm sau không được mang thai. Cũng cần hiểu rằng ngay cả trong phá thai nội khoa bằng thuốc, người ta cũng rất dè dặt đối với tử cung đã mổ lấy thai, vì khi cho thuốc tử cung co bóp nhiều sẽ bung vết mổ, nên BN phải được theo sát trong BV. Tôi nhấn mạnh khi sản phụ có thai lại, các BS rất sợ các trường hợp đã bị mổ, trong quá trình chuyển dạ người ta cũng rất “ngán” khi gặp phải những sản phụ vốn trước đây sinh mổ. Lưu ý là sinh mổ chỉ được hai lần, từ lần thứ ba trở đi rất nguy hiểm, đã có trường hợp khi đang mang thai năm tháng bị vỡ tử cung do vết mổ cũ lần thứ hai.

Ở một số BV tư hiện nay tỉ lệ mổ lấy thai không dưới 70%, rất đáng phê phán, đáng lý Bộ Y tế, Sở Y tế phải kiểm tra. Tại BV Hùng Vương việc kiểm soát mổ lấy thai rất chặt chẽ, chỉ những người có thẩm quyền như BS trưởng phòng sinh, BS trực lãnh đạo thường trú... mới được quyết định.

* Thưa BS, đối với sản phụ vào viện nằm chờ sinh, khi nào thì cần tiêm thuốc giục sinh?

- Bình thường, khi vào chuyển dạ tử cung sẽ có cơn gò đều đặn và càng lúc càng nhiều lên, tăng dần về số lần lẫn cường độ cho đến khi em bé được sinh ra. Có một số trường hợp tử cung không làm việc như vậy, lúc đầu có gò nhưng sau đó ì ra và không gò nữa, hoặc không tăng tần số mà cứ chậm chậm... gọi là chuyển dạ chậm tiến triển. Ở đây có hai vấn đề đặt ra: 1/ Nếu tiên lượng rằng ca này có khả năng sinh thường được thì sẽ cho thuốc để làm tăng cơn gò đi theo tiến trình của nó, gọi là giục sinh. 2/ Nếu thầy thuốc nhận định rằng khó lòng sinh thường thì chỉ định mổ luôn, mà không cần phải giục sinh.

Trong thực tế có những trường hợp thầy thuốc tiên lượng sinh được thì người ta cho giục sinh, nhưng sau một thời gian (tùy từng trường hợp, cho phép có thể từ 1 - 10 giờ, thậm chí đến 15 giờ) phải nhận định lại: có nên tiếp tục giục sinh hay phải chấm dứt giục sinh. Nếu có một diễn biến nào đó có thể gây ảnh hưởng sức khỏe mẹ và em bé thì chuyển sang mổ.

* Xin cảm ơn BS.

KIM SƠN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên