18/08/2012 16:44 GMT+7

Nghỉ không lương, ai đóng BHXH?

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP(Văn phòng luật sư Gia Thành)
Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP(Văn phòng luật sư Gia Thành)

TTO - * Cơ quan tôi là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, đơn vị hành chính sự nghiệp có thu. Hiện có một trường hợp là chuyên viên kế toán có việc riêng nên làm đơn xin nghỉ việc không lương 3 tháng.

Tôi muốn hỏi: dù cơ quan đồng ý cho nghỉ việc nhưng thời gian nâng bậc lương sau này như thế nào? Trong thời gian nghỉ việc 3 tháng đó, cá nhân người xin nghỉ phải đóng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN (phần cơ quan phải đóng) hay cơ quan vẫn phải đóng?

(thangnm.cvhhna@...)

- Theo quy định tại điểm 1.3 khoản 1 mục II thông tư số 03/2005/TT-BNV ngày 5-1-2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ công chức, viên chức thì thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương; thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quy định; thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam và các loại thời gian không làm việc khác không được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương.

Như vậy, thời gian 3 tháng nghỉ việc không hưởng lương đối với chuyên viên kế toán mà bạn nêu sẽ không được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên.

Theo điều 93 Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) quy định về việc tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất: trong trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh hoặc gặp khó khăn do thiên tai, mất mùa dẫn đến việc người lao động và người sử dụng lao động không có khả năng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất thì được tạm dừng đóng trong thời gian không quá 12 tháng.

Theo điều 44 nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22-12-2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo điều 93 Luật BHXH như sau:

1. Các trường hợp được tạm dừng đóng:

a) Gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh;b) Gặp khó khăn do thiên tai, mất mùa.

2. Điều kiện:

a) Người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này, được tạm dừng đóng khi có một trong các điều kiện sau:

- Không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên;

- Bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).

b) Thời gian tạm dừng đóng theo tháng và không quá 12 tháng.

Theo quy định tại khoản 2 điều 8 thông tư 32/2010/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn thực hiện một số điều của nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12-12-2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về bảo hiểm thất nghiệp: trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương, tiền công tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH thì cả người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp trong tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc.

Căn cứ theo quy định nêu trên, chuyên viên kế toán cơ quan bạn xin nghỉ việc không hưởng lương ba tháng và đã được cơ quan đồng ý thì không thuộc trường hợp được tạm dừng đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động được hưởng các chế độ về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, trong thời gian ba tháng đó, cơ quan và người lao động phải đóng đầy đủ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Mức đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định của pháp luật BHXH.

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP(Văn phòng luật sư Gia Thành)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên