13/04/2011 08:11 GMT+7

Giải đáp về thanh toán trợ cấp nghỉ dưỡng sức khi sinh

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP(Văn phòng luật sư Gia Thành)
Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP(Văn phòng luật sư Gia Thành)

TTO - * Tôi được biết Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) quy định nếu sinh con có phẫu thuật thì được hưởng trợ cấp nghỉ dưỡng sức 7 ngày (khác với sinh thường được hưởng 5 ngày).

Từ năm 2009 đến nay, công ty tôi có nhiều trường hợp nhân viên nghỉ sinh. Khi công ty tôi làm thủ tục thanh toán trợ cấp dưỡng sức sau sinh tại BHXH huyện Từ Liêm (Hà Nội) thì cán bộ bảo hiểm yêu cầu phải thành lập công đoàn, có biên bản họp công đoàn và họ không giải quyết thanh toán trợ cấp cho nhân viên chúng tôi.

Công ty tôi không thành lập công đoàn, vậy làm sao nhân viên chúng tôi mới được hưởng trợ cấp dưỡng sức sau sinh? BHXH Từ Liêm giải quyết như vậy có đúng không? Trường hợp của công ty chúng tôi phải giải quyết như thế nào mới đúng với quy định của Luật BHXH hiện hành? Và văn bản nào quy định?

(Một bạn đọc)

- Điều 37 Luật BHXH quy định về thời gian dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản như sau:

1. Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định tại điều 30, khoản 1 hoặc khoản 2, điều 31 của Luật BHXH mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ năm ngày đến mười ngày trong một năm.

2. Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung (mức hưởng này tính cả tiền đi lại, tiền ăn và ở).

Mặt khác, điều 17 nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22-12-2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định như sau:

1. Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu quy định tại điều 30 Luật BHXH hoặc sau thời gian hưởng chế độ khi sinh con quy định tại điều 31 Luật BHXH mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

2. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần, ngày đi và về nếu nghỉ tại cơ sở tập trung. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc ban chấp hành công đoàn lâm thời quyết định, cụ thể như sau:

a) Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ 2 con trở lên;

b) Tối đa 7 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;

c) Bằng 5 ngày đối với các trường hợp khác.

3. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe một ngày: theo khoản 1, điều 153 Bộ luật lao động, ở những doanh nghiệp đang hoạt động chưa có tổ chức công đoàn thì chậm nhất sau sáu tháng, kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động năm 2002 có hiệu lực và ở những doanh nghiệp mới thành lập thì sau sáu tháng kể từ ngày bắt đầu hoạt động, công đoàn địa phương, công đoàn ngành có trách nhiệm thành lập tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và tập thể lao động.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức công đoàn sớm được thành lập. Trong thời gian chưa thành lập được thì công đoàn địa phương hoặc công đoàn ngành chỉ định ban chấp hành công đoàn lâm thời đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và tập thể lao động.

Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở việc thành lập và hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp.

Như vậy, để nhân viên công ty bạn được hưởng trợ cấp dưỡng sức sau khi sinh theo đúng quy định của pháp luật về BHXH, công đoàn địa phương hoặc công đoàn ngành phải có trách nhiệm thành lập tổ chức công đoàn tại công ty bạn. Sau khi công ty bạn thành lập được tổ chức công đoàn, ban chấp hành công đoàn lâm thời hoặc ban chấp hành công đoàn cơ sở cùng với công ty bạn họp và quyết định cụ thể về số ngày nghỉ dưỡng sức sau khi sinh cho người lao động trong công ty.

Việc BHXH Từ Liêm yêu cầu công ty bạn thành lập công đoàn và yêu cầu có biên bản họp công đoàn là phù hợp với quy định pháp luật nêu trên. Tuy nhiên, khi từ chối thanh toán tiền trợ cấp dưỡng sức sau khi sinh đối với người lao động của công ty bạn, bắt buộc BHXH Từ Liêm phải trả lời bằng văn bản cho người lao động.

* Tôi là giảng viên Trường ĐH Sư phạm. Tôi đã làm đơn xin về hưu sớm và được Bộ Giáo dục - đào tạo chấp thuận. Hiện tôi có mức lương 4,98 với thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) là 27 năm 5 tháng, có bảo hiểm y tế (BHYT) ở Bệnh viện Thống Nhất (quận Tân Bình, TP.HCM).

Khi tôi nhận được quyết định về hưu trong tháng 5-2011, tôi có được bảo lưu BHYT ở Bệnh viện Thống Nhất hay không, vì hiện nay tôi có sổ khám bệnh màu hồng do Bệnh viện Thống Nhất cấp và đã có mã số bệnh nhân. Nếu tôi được bảo lưu BHYT ở Bệnh viện Thống Nhất thì phải làm những thủ tục gì?

(N.T.T.M.)

- Khoản 4, điều 15 Luật BHXH quy định: người lao động có quyền hưởng BHYT trong trường hợp sau đây: đang hưởng lương hưu. Riêng đối tượng hưu trí tăng mới từ 1-10-2009 được tiếp tục đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại nơi đã đăng ký khám chữa bệnh trước khi nghỉ hưu (mục 1 công văn 2671/BHXH-CST, ngày 10-9-2009 của BHXH TP.HCM).

Căn cứ theo các quy định trên, khi bạn được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật BHXH, bạn sẽ được hưởng các quyền lợi của BHYT và tiếp tục được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Thống Nhất.

Thủ tục đăng ký: sau khi nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí, bạn liên hệ với cơ quan BHXH nơi bạn hưởng chế độ hưu trí để thực hiện các thủ tục đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Thống Nhất.

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP(Văn phòng luật sư Gia Thành)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên