17/02/2009 09:03 GMT+7

Tiêu chuẩn để công nhận hộ nghèo

Luật sư ĐẶNG NGỌC CHÂU
Luật sư ĐẶNG NGỌC CHÂU

TT - Gia đình tôi có hai nhân khẩu, tôi và mẹ (năm nay đã 59 tuổi, bị tật hai chân không có khả năng lao động). Gia đình không có ruộng, vườn. Hiện tôi đã đi làm công nhân được một năm, lương bình quân 1.200.000 đồng.

nguyen lien doan (Vĩnh Long)

Bà ngoại tôi đã già gần 80 tuổi, hiện sống ở quê cùng một người cậu (40 tuổi) bị tật điếc nặng, chẳng có công việc gì ngoài mấy sào ruộng, thu nhập một tháng tính ra được chừng 100.000 đồng. Vừa rồi đảng và Nhà nước có hỗ trợ tiền cho gia đình nghèo sắm tết mà bà ngoại tôi không được xếp vào hộ nghèo để lãnh.

Đặng Xuân Hưng (Nghệ An)

Trả lời:

Bạn Doan và bạn Hưng thân mến,

Điều kiện để được xác nhận và cấp “sổ hộ nghèo” là gia đình bạn phải thuộc diện có mức thu nhập bình quân đầu người hằng tháng từ 200.000 đồng trở xuống đối với khu vục nông thôn, hoặc 260.000 đồng trở xuống đối với khu vực thành thị (quyết định số 170/2005/QĐ-TTg do Thủ tướng ban hành ngày 8-7-2005 về chuẩn hộ nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006-2010). Một số địa phương có mức sống “giàu có” hơn, có thể điều chỉnh chuẩn hộ nghèo với mức thu nhập bình quân đầu người trong hộ cao hơn, ví dụ: ở TP.HCM, người xếp vào hộ nghèo khi có mức thu nhập bình quân đầu người trong hộ dưới 6 triệu đồng/người/năm (QĐ 145/2004/QĐ-UB), tức dưới 500.000 đồng/tháng.

Thủ tục để được xác nhận và cấp sổ hộ nghèo cũng không đơn giản mà phải tuân theo một số bước cụ thể theo luật định (thông tư 04/2007/TT-BLĐTBXH ngày 28-2-2007). Hằng năm UBND cấp xã lập ban chỉ đạo bao gồm các trưởng thôn, đại diện chi hội, đoàn thể ở xã để khảo sát mức thu nhập của từng hộ thuộc đối tượng hộ nghèo. Lập danh sách đề nghị xác nhận hộ nghèo. Sau đó UBND xã phải tổ chức hội nghị họp các hộ dân trong xã để bình chọn công khai, dân chủ với sự tham gia của các cơ quan đảng, đoàn thể tại cơ sở. Căn cứ biên bản buổi họp bình xét hợp lệ, UBND cấp xã lập danh sách hộ nghèo và trình UBND cấp huyện để phê duyệt.

Trong trường hợp của bạn Doan, do bạn đã đi làm với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng, trong gia đình chỉ có hai nhân khẩu nên bình quân thu nhập đầu người của gia đình bạn là 600.000 đồng/người/tháng. Mức thu nhập này cao hơn chuẩn hộ nghèo quy định cho vùng nông thôn hiện hành nên có thể vì vậy gia đình bạn không được UBND xã xếp vào danh sách hộ nghèo để hưởng các chính sách trợ cấp của Nhà nước! Nếu trước đây khi bạn còn đi học, gia đình bạn không có ai đi làm, không có nguồn thu nhập nào cả mà vẫn không được UBND xã cấp sổ hộ nghèo thì... thật là thiếu sót! Bạn và bạn Hưng có thể khiếu nại đến chủ tịch UBND xã theo thủ tục quy định trong Luật tố cáo khiếu nại hiện hành.

Những gia đình được công nhận là hộ nghèo sẽ được Nhà nước quan tâm hỗ trợ qua các chính sách trợ giúp như cho vay vốn tạo việc làm, học nghề, mua sắm trang thiết bị để sản xuất; hỗ trợ hoặc cho vay (6-8 triệu đồng/hộ) để xây dựng nhà; cấp thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh, được hưởng các trợ cấp đột xuất khi gia đình có người chết, bị thiên tai, tai nạn và các trường hợp trợ cấp khác (ví dụ: trợ cấp tiền tết...).

Ngoài ra, đối với các hộ nghèo trong nhà có những người cao tuổi cô đơn, già yếu không có con, cháu, người thân thích để nương tựa, những người tàn tật nặng không có khả năng lao động hoặc không có khả năng tự phục vụ, những người mắc bệnh tâm thần... thuộc đối tượng bảo trợ xã hội sẽ được lãnh trợ cấp hằng tháng, mức thấp nhất 120.000 đồng/tháng (nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13-4-2007).

Luật sư ĐẶNG NGỌC CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên