15/01/2016 11:59 GMT+7

Kiếp nghèo, con chữ và nỗi đau

THÀNH NHƠN
THÀNH NHƠN

TT - Bị cáo đứng trước vành móng ngựa bởi tội ác mà mình gây ra đối với hai người con gái ruột. Đứng trên khía cạnh pháp luật hay đạo đức đều không thể dung thứ, nhưng đằng sau bản án lại là những câu chuyện buồn xé lòng.

Tròn một tuần sau phiên xét xử, chúng tôi nhận được điện thoại từ phía gia đình bị cáo. Ông U. - cha bị cáo - kể từ ngày con trai vướng vào vòng lao lý, ông phải đi xin gạo từng bữa để nuôi hai đứa cháu.

Đời nghèo

Tuổi già sức yếu đang đè nặng trên vai ông U.. Ông không còn đủ sức làm những việc đồng áng nặng nhọc nên thỉnh thoảng người ta mới tìm đến nhà mướn ông đi làm những việc lặt vặt. Có khi ba, bốn ngày mới được mướn làm một ngày, thu nhập mỗi ngày chỉ vỏn vẹn hơn trăm ngàn.

Thương hoàn cảnh của mấy ông cháu nên những ngày gần đây bà con xóm giềng thỉnh thoảng lại tạt ngang cho ít rau củ để bữa ăn thêm chất.

Căn nhà ông U. trống huơ trống hoác nằm đấu lưng với UBND xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Ba thế hệ gia đình ông U. chịu chung tình cảnh thất học và trong đầu họ cũng chưa bao giờ có ý định sẽ đi học. Con chữ là điều gì đó xa vời và lạ lẫm như câu nói chua xót sau cái tặc lưỡi của ông U. “tiền ăn còn không có thì lấy tiền đâu mà đi học”.

Hôm chúng tôi đến thăm, L. và T., hai đứa con của bị cáo, đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đi học lớp 1. Mặc dù L. đã 10 tuổi và T. 7 tuổi nhưng cả hai vẫn phải bập bẹ đánh vật với từng chữ cái trong sách giáo khoa. Dân quanh vùng vẫn hay nói rằng nếu không có sự kiện cha đi tù thì T. và L. vẫn chịu chung cảnh thất học.

Vẫn tóc vàng khét nắng, vẫn lối ăn bận xộc xệch như hôm gặp nhau tại tòa, nhưng lần này trong đôi mắt sâu thẳm của T. và L. có nét gì đó u buồn hẳn.

Ông U. cho biết từ hôm dự phiên tòa xét xử, T. và L. cũng không còn hỏi ông những câu hỏi như “cha đi đâu?”, “chừng nào cha về?” như trước.

Mù mịt ngày đoàn tụ

Trời còn chưa hửng sáng, ba ông cháu đã ngồi đợi trước cổng sân tòa. Để có tiền cùng hai người cháu bắt xe lên TP Cao Lãnh, ông U. phải giặm lúa mướn suốt cả tuần liền. Nhìn hình ảnh ba ông cháu chỉ mặc những chiếc áo mỏng tanh giữa tiết trời se lạnh cuối năm khiến nhiều người cảm thấy xót lòng.

Sau hơn một giờ chờ đợi, thoáng thấy bóng xe bít bùng trờ tới, ông U. nắm chặt tay đứa cháu rồi rụt rè tiến tới nơi cửa xe.

Khi cánh cửa mở toang, trái ngược với ánh nhìn hồn nhiên, rạng rỡ của những đứa trẻ sau hơn 7 tháng mới được gặp cha là sự xấu hổ, thẹn thùng hiện rõ trên khuôn mặt của bị cáo. Đôi mắt ấy chỉ dám liếc khẽ nhìn hai đứa con rồi tiến thẳng về phía phòng xét xử.

N.V.T. - bị cáo được dẫn đến trước vành móng ngựa. Cách đó chỉ vài mét là ông U. và hai con gái - cũng là bị hại của bị cáo.

“Bị cáo có nghe rõ bản cáo trạng mà đại diện viện kiểm sát đọc trước phiên tòa không?”, chủ tọa hỏi. “Dạ, bị cáo nghe rõ”.

“Bị cáo thấy hành vi của mình như thế nào, có đúng với luân thường đạo lý không?”, N.V.T. im lặng cúi đầu. Phía dưới hàng ghế, nhiều người bĩu môi, xì xầm những lời chua chát.

“Vợ bị cáo bỏ đi, thế bị cáo có biết hiện giờ cô ấy sống ở đâu không?”, chủ tọa tiếp tục hỏi. “Dạ 5 năm rồi cô ấy không liên lạc gì với bị cáo và hai người con. Cô ấy thấy hoàn cảnh gia đình bị cáo cơ cực quá, chịu khổ không nổi nên bị cáo cũng không trách móc gì”, N.V.T. trả lời.

“Thế ông bà ngoại tụi nhỏ cũng không ghé thăm à?”, chủ tọa hỏi tiếp. “Dạ bị cáo với cô ấy cưới nhau không tổ chức hôn lễ. Cô ấy cũng chỉ dẫn bị cáo về quê cô ấy đúng một lần nên giờ bị cáo cũng không nhớ nhà cô ấy ở đâu”, N.V.T. thản nhiên trả lời.

“Cả bị cáo và vợ đều rất hời hợt, vô trách nhiệm trong cách hành xử với nhau và với các con. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến bi kịch đau lòng của ngày hôm nay đó bị cáo biết không”, chủ tọa phân tích.

Tiếp đến khi nghe L. và T. trả lời những câu hỏi của chủ tọa phiên tòa về hành vi phạm tội của mình, N.V.T. bỗng dưng bật khóc. Hai tay bị cáo víu chặt vào gấu áo, đôi mắt chỉ len lén nhìn về hai đứa con.

Đại diện quyền lợi cho hai đứa cháu trước tòa, ông U. lặng đi hồi lâu rồi trình bày: “Tui già rồi, không biết sống với tụi nhỏ được bao lâu nữa. Chỉ mong tòa giảm án để thằng T. ra tù lo cho con nó”.

Được chủ tọa cho nói lời nói sau cùng, N.V.T. chỉ kịp nói hai chữ “bị cáo” rồi im bặt. Câu nói nghẹn ứ trong cổ họng khiến T. không nói nên lời. Thay vào đó nước mắt lại rơi lã chã ướt đẫm chiếc áo sơmi tối màu của N.V.T..

Tòa tuyên N.V.T. 18 năm tù. Tòa vãn, ba ông cháu lại lủi thủi bước theo sau lưng hai cán bộ áp giải T.. Hình ảnh xe bít bùng rời sân tòa, mờ dần sau dòng xe phía xa cũng mù mịt như tương lai của ba ông cháu.

N.V.T. (30 tuổi, ngụ xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) làm thuê ở Vĩnh Long nên quen biết và sống như vợ chồng với chị T.T.N. và sinh hai người con là N.T.M.T. và N.T.M.L.. Thời gian sau cả gia đình N.V.T. dọn về xã Đốc Binh Kiều sinh sống với cha mẹ ruột.

Khoảng năm 2010, chị N. bỏ đi không quay lại. Thời gian này một mình N.V.T. làm thuê kiếm tiền nuôi hai con.

Từ tháng 2 đến tháng 4-2015, lợi dụng sự ngây thơ của hai con gái nên N.V.T. đã thực hiện hành vi giao cấu với L. ba lần và T. một lần. Sự việc được cơ quan chức năng phát giác, N.V.T. bị bắt về hành vi “hiếp dâm trẻ em”.

THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên