28/03/2015 11:50 GMT+7

​Lửa giận

Minh Tâm
Minh Tâm

TT - “Người hay tức giận là người dễ bị tổn thương, lại dễ làm hỏng việc. Cơn giận trở thành cái bẫy giữ chặt, giam hãm họ vào bên trong khổ sở, đau đớn, oán thù...”

Bị cáo Sơn tại tòa - Ảnh: M.Tâm

Những câu nói trên ttrích trong Cái bẫy của cơn giận của tiến sĩ Les Carter.

Hai câu chuyện dưới đây là bi kịch của những cơn nóng giận chết người...

1. Hành động thiếu suy nghĩ

Theo cáo trạng, Đinh Quang Sơn sống chung như vợ chồng với chị Nguyễn Thị Nhung ở Cờ Đỏ, TP Cần Thơ nhưng sau đó phát sinh mâu thuẫn khiến thường cự cãi với nhau.

Sơn bỏ về nhà cha mẹ ở Đồng Tháp. Rồi Sơn nghi ngờ chị Nhung chia tay mình để đến với người khác nên từ đó nảy sinh ý định đốt nhà giết chị Nhung rồi tự tử. 

Đêm đó, Sơn thực hiện hàng loạt hành vi tàn độc khi lấy can xăng đổ xung quanh nhà chị Nhung rồi bật quẹt.

Ngọn lửa bùng lên, Sơn ném thêm một chai gas mini phá sập cửa cái để người trong nhà không thoát ra được. Xong Sơn uống thuốc trừ sâu tự tử, nhưng chịu không nổi sức nóng của đám lửa nên Sơn chạy đến chòi ruộng gần đấy và được chở đi cấp cứu. 

Lửa bốc ngùn ngụt, bảy người ở trong nhà chị Nhung không chạy ra được vì nhà có một cửa cái duy nhất nhưng bị sập. Họ hoảng loạn kêu la, điện thoại cầu cứu. Những người xung quanh phá cửa, dập lửa kịp thời nên những người trong nhà thoát ra được...

Khi kiểm sát viên vừa đọc xong cáo trạng, bị cáo không đồng ý với chi tiết rằng mình ghen tuông đốt nhà.

Bị cáo bào chữa: “Bị cáo làm ăn thất bại nên Nhung khinh thường. Vì vậy bị cáo bỏ về nhà cha mẹ ở. Tuy nhiên do căn nhà trị giá 700 triệu đồng, mà bị cáo hùn trong đó 350 triệu đồng nên bị cáo yêu cầu Nhung trả lại phần tiền này.

Bị cáo điện thoại nhiều lần nhưng Nhung chẳng những không trả mà còn có lời lẽ miệt thị nên bị cáo mới hành động như vậy. Khi đốt, bị cáo tưởng không có ai trong nhà. Giờ bị cáo hối hận lắm!”.

Kiểm sát viên thẩm vấn: Nếu căn nhà đó là phần hùn của bị cáo, tại sao bị cáo không kiện ra tòa để tòa xử mà lại tự mình hành xử như vậy?

Bị cáo nói rằng chị Nhung đã hủy mất giấy tờ mua vật liệu, bị cáo hỏi luật sư nếu không có giấy tờ thì không kiện được.

Kiểm sát viên bác bỏ: Đó là do bị cáo nghĩ vậy, chứ bị cáo không kiện thì làm sao biết tòa không xử. Ngoài ra cơ quan chức năng đã thu thập chứng cứ, các chủ vật liệu xây dựng đều khẳng định vật liệu ngôi nhà hoàn toàn do chị Nhung mua.

Riêng chị Nhung bào chữa giữa chị và bị cáo không có sống chung như vợ chồng gì cả. Chẳng qua hai người hùn hạp làm thương lái lúa.

Những hôm mua bán lúa quá khuya, Sơn ngủ lại ở nhà chị. Riêng ngôi nhà được xây bằng tiền của chị, chứ không có chuyện bị cáo hùn hạp gì trong đó.

Trong chuyện hùn hạp làm ăn, giữa chị và bị cáo đã xảy ra xích mích. Có lần chị đã đặt cọc khách hàng nhưng đợt đó mua nhằm ngay lúa xấu, Sơn không chịu, tính “xù” chuyện mua bán và yêu cầu người mua trả lại tiền đặt cọc.

Chị không đồng ý với cách cư xử như vậy, vẫn chấp nhận lỗ, mua như đã hứa. Sơn không chịu nên chị đã chịu thiệt xuất ra 5 triệu đồng đưa Sơn và nói từ nay không có hùn hạp làm ăn chung gì hết.

Trước khi đưa, chị có nặng lời với Sơn, lúc đó Sơn hù dọa sẽ đốt nhà, chị tưởng Sơn nói chơi, ai dè Sơn nảy tâm độc ác phóng hỏa đốt nhà thật...

Hội đồng xét xử nhận định cho dù mâu thuẫn vì chuyện gì nhưng hành vi phóng hỏa giết người thật tàn ác. Chuyện các bị hại không chết là việc trái ý muốn của bị cáo.

Trên cơ sở đó, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Sơn 12 năm tù về tội “giết người”, 3 năm tù về tội “hủy hoại tài sản”.

Đồng thời tòa tuyên buộc bị cáo Sơn phải bồi thường cho gia đình chị Nhung và người thân chị Nhung tổng số tiền thiệt hại tài sản trên 112 triệu đồng.

Triết lý nhà Phật có dạy ngọn lửa sân si khi bùng lên có thể thiêu trụi bất cứ vật gì, quả đúng không sai. Những ai đang nuôi trong lòng ngọn lửa độc ấy phải nghĩ đến hậu quả khôn lường mà dập tắt chúng ngay từ đầu.

Nếu không nó sẽ lớn dần khiến mình hành xử thiếu lý trí, độc ác, gây ra những hậu quả tang thương cho người khác và đốt cháy cả chính tương lai, lương tâm mình trong chốn lao lung...

Bị cáo Thái tại tòa - Ảnh: M.Tâm

2. Chuyện nhỏ hóa lớn

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 18g30 Huỳnh Văn Thái cùng anh trai cầm micro hát và nhảy múa tại tiệc cưới nhà người quen.

Nhóm anh Nguyễn Văn Khương cũng cùng dự tiệc nhìn thấy không hài lòng, từ đó dẫn đến cự cãi, đánh nhau. 21g30, cha của Thái đến kêu hai con về. Đi được 1km, nhóm của Khương chở bốn chạy trờ tới. Ba cha con Thái bỏ chạy.

Thái chạy núp dưới gốc cây và nhìn thấy anh mình bị rượt vây đánh. Thái kêu cứu nhưng không ai đến nên đã vào nhà dân gần đấy lấy hai con dao rồi quay lại... Hai con dao trên tay Thái vung lên khiến anh Khương gục chết tại chỗ, nhiều người khác bị thương... 

TAND TP Cần Thơ mở phiên sơ thẩm xét xử Thái về tội “giết người”.

Bị cáo bào chữa: “Khi thấy anh bị rượt đánh, bị cáo sợ anh bị đánh chết nên chạy ra lộ kêu cứu nhưng không gặp ai. Bị cáo liền chạy vô nhà gần đó, thấy có hai con dao để trên kệ nên bị cáo chụp lấy”.

Kiểm sát viên: Khi bị cáo đến nơi, mọi người đã can ngăn, vậy tại sao bị cáo vẫn dùng dao chém người?

Bị cáo: “Lúc đó trời tối nên khi thấy đông người, bị cáo tưởng mọi người vẫn còn đánh anh mình nên quơ đại để giải cứu cho anh chứ không muốn chém chết hoặc chém bị thương ai...”.

Kiểm sát viên: Bị cáo xác định cho rõ quơ hay chém? Quơ thì lực nhẹ không thể làm nạn nhân chết được. Đằng này những vết thương bị cáo gây ra cho nạn nhân rất sâu từ vùng vai lên đầu, toàn là những điểm nguy hiểm.

Phải nói là chém chớ không thể là quơ được. Như vậy cáo trạng truy tố bị cáo giết người, bị cáo thấy có đúng không?

Những câu hỏi gắt của kiểm sát viên khiến bị cáo 19 tuổi này cúi gằm mặt xuống thành khẩn thừa nhận: “Dạ đúng”.

Kiểm sát viên hỏi Lê Hoàng Nam: “Vì sao các anh rượt đuổi anh Thông đến cùng?”. Nam cho biết chính thái độ thách thức của anh trai của bị cáo: “Nó chặn đầu xe của tôi, còn vỗ ngực nói “Tao là Thông nè” nên tôi và Khương mới rượt nó”.

Kiểm sát viên bác bỏ: “Các anh chạy xe chở bốn, làm sao anh Thông dám thách thức? Khi anh Thông bỏ chạy, anh và anh Khương xuống xe rượt đuổi theo đến khu đất ruộng, rồi vây đánh anh Thông. Sự việc này cũng có phần lỗi của các anh”.

Giữa bị cáo và hai bị hại Trương Thanh Lợi và Đỗ Văn Phương không có mâu thuẫn gì, nhưng khi nghe Nam và Khương đuổi đánh anh trai bị cáo, cả hai cũng tham gia, chạy chặn đầu anh trai Thái. Riêng Lợi còn xông vô đánh anh trai bị cáo vài cái.

Kiểm sát viên hỏi Lợi: “Qua sự việc này, anh thấy mình có lỗi không?”. Bị hại ngập ngừng: “Cũng có lỗi”. Tòa tuyên phạt bị cáo Thái 15 năm tù về tội “giết người”.

Về trách nhiệm dân sự, do gia đình bị cáo đã khắc phục một phần hậu quả bồi thường cho các bị hại trên 44 triệu đồng nên tòa tuyên buộc bị cáo tiếp tục bồi thường cho các gia đình bị hại 20 triệu đồng chi phí điều trị, tiền tổn thất tinh thần, đồng thời phải cấp dưỡng cho con của bị hại Khương 575.000 đồng/tháng...

Dự phiên tòa khiến tôi nhớ đến những dòng chữ của Les Carter viết trong Cái bẫy của cơn giận: “Chúng ta không làm chủ bản thân, thiếu kiềm chế, cứ để nóng giận kéo đi vì những chuyện rất nhỏ”. Rõ ràng sự việc không đến mức vượt quá tầm kiểm soát.

Có hàng loạt điểm có thể dừng lại để không xảy ra án mạng nhưng các đương sự đã không làm chủ được cơn giận nhất thời, khiến chuyện nhỏ bành trướng thành chuyện lớn, dẫn đến cự cãi, gây gổ để rồi từ khẩu chiến chuyển sang huyết chiến.

Cuối cùng người bị họa sát thân, kẻ vào vòng lao lý...

Minh Tâm
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên