23/11/2014 11:20 GMT+7

​“Học phí” 2 năm tù

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Chỗ của bị cáo Nguyễn Thanh Hải, 23 tuổi, không còn là ở giảng đường đại học, lời nói của Hải không còn để trả lời các câu hỏi của thầy cô, đôi tay của Hải không còn cầm bút.

Bây giờ chỗ của Hải là trước vành móng ngựa, lời nói của Hải là trả lời chất vấn của hội đồng xét xử, đôi tay của Hải bị tra vào còng...

Theo hồ sơ vụ án, năm 2009 khi đang học lớp 12 ở một trường THPT trên địa bàn TP Cần Thơ, Nguyễn Thanh Hải quen với một số đối tượng ở Sài Gòn chuyên làm bằng cấp giả.

Năm học đó, Hải đậu tốt nghiệp, nhưng có một số bạn cùng trường thi rớt. Thấy vậy Hải đặt vấn đề là có thể lo giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và bằng tốt nghiệp THPT mà không cần phải thi cử với giá 5-7 triệu đồng.

Nhiều người đồng ý mua giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và bằng tốt nghiệp THPT giả để dự thi vào ngành công an, dự tuyển nghĩa vụ quân sự trong lực lượng công an nhân dân...

Hải liền liên hệ với một số đối tượng ở Sài Gòn làm giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và bằng tốt nghiệp THPT giả với giá 2-3 triệu đồng/bằng. Số tiền còn dư Hải hưởng lợi.

Chỉ từ tháng 6-2009 đến tháng 11-2011 Hải đã môi giới làm giấy tốt nghiệp tạm thời và bằng tốt nghiệp THPT giả cho sáu cá nhân với tổng số tiền là 37,5 triệu đồng, trong đó Hải hưởng lợi 18 triệu đồng.

Bốn cá nhân mua bằng giả trên nộp hồ sơ cho cơ quan tổ chức để được xét tuyển biên chế thì bị phát hiện là sử dụng bằng cấp giả. Từ đây, cơ quan chức năng lần ra đường dây và Hải bị bắt, khi đó Hải đang học năm thứ ba ở một trường đại học trên địa bàn TP Cần Thơ.

Án sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Hải 2 năm tù về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Sau đó Hải làm đơn kháng cáo.

Ngày 28-10, TAND TP Cần Thơ mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án trên. Tại tòa, Hải trình bày lúc đó do gia cảnh quá khó khăn, cha mẹ Hải đang thiếu nợ và bị kê biên tài sản. Bản thân Hải vừa đi học vừa đi làm thêm để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt, học tập.

Giọng bị cáo run run: “Bị cáo rất hối hận về những chuyện mình làm. Bị cáo đang học năm thứ ba đại học, chỉ còn một năm nữa thôi là hoàn tất chương trình. Mong tòa xem xét giảm nhẹ để bị cáo tiếp tục việc học, phụ giúp gia đình và làm lại cuộc đời”.

Chủ tọa nghiêm giọng, theo luật định sau khi bị đưa ra xét xử, bị cáo phải chấp hành hình phạt, trong thời gian thụ án làm gì được đi học. Nếu gia đình gặp khó khăn thì có thể làm gia sư, tiếp thị... để nuôi việc học của mình như bao sinh viên vượt khó khác. Chứ lý đâu lại làm chuyện phạm pháp như vậy.

Nói đến đây, giọng chủ tọa chùng xuống: “Là người có trình độ, hơn ai hết bị cáo biết phải học thật siêng năng, cần mẫn, rồi còn phải được kiểm chứng qua các kỳ thi mới được công nhận cấp bằng.

Từ đó người ta mới có cơ hội đi học cao hơn rồi đi xin việc và đem kiến thức phục vụ xã hội. Đằng này bị cáo vì tiền mà bất chấp, việc làm của mình gây hậu quả khôn lường cho xã hội. Bởi nếu những người không có thực học sử dụng bằng giả của bị cáo và dùng thủ đoạn xin được việc làm sẽ gây ra tác hại rất lớn.

Đồng thời tạo ra bất công cho xã hội khi những người có năng lực thật sự nhưng không tìm được công việc tương xứng. Nếu những người ít học, nhận thức kém phạm tội này còn có thể châm chước bởi do suy nghĩ không tới. Đằng này bị cáo đã tốt nghiệp phổ thông, rồi học đại học nên không thể chấp nhận được. May mà những việc làm của bị cáo bị phát hiện, nếu không sẽ còn xuất hiện biết bao nhiêu bằng giả nữa...”.

Kiểm sát viên đề nghị giữ y bản án sơ thẩm 2 năm tù đối với bị cáo Hải. Nghe tuyên, Hải gục xuống như lá rũ và bước những bước chân nặng nề lên xe chuyên dụng. Hai năm tù rồi sẽ trôi qua, nhưng khi ra tù không biết Hải có quay lại việc học không?

Điều đó thì tôi không biết. Nhưng có một điều tôi biết chắc rằng sau việc đau lòng này, Hải sẽ học được rất nhiều. Có điều, học phí quá đắt...

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên