22/11/2014 13:25 GMT+7

​Hết tình ruột thịt

HỒ CẨM LY
HỒ CẨM LY

TT - “Phe” nguyên đơn “tố” bị đơn ăn ở tệ bạc, muốn chiếm đoạt hết tài sản là nhà đất của cha mẹ để lại. Bị đơn cười khẩy.

Vợ con bị đơn dẩu môi: “Đồ vu khống. Chết không nhắm mắt”. “Phe” nguyên đơn: “Đồ vô văn hóa”...

Hai bên “ném” vào nhau những lời mạt sát thậm tệ khiến chủ tọa phiên tòa và đại diện viện kiểm sát phải nhiều lần nghiêm khắc nhắc nhở. Họ là bảy anh chị em ruột cùng lớn lên dưới một mái nhà do cha mẹ tạo dựng, tọa lạc tại phường Vỹ Dạ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Lớn lên, sáu người con có gia đình riêng, sinh sống nơi khác. Bị đơn được cha mẹ cho làm nhà ở bên cạnh. Cha mẹ qua đời. Bảy người con tóc đã sợi đen pha lẫn sợi bạc đưa nhau ra tòa đòi chia đất...

Ra tòa

Cô con gái thứ tư là nguyên đơn (Trần Thị Hà). Bốn người khác gồm con trai cả và các con gái thứ hai, năm, bảy là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thuộc “phe” nguyên đơn.

Anh con trai thứ sáu là bị đơn (Trần Minh Sơn). Chị con gái thứ ba và vợ con của bị đơn là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, thuộc phía bị đơn.

Theo nguyên đơn: cha mẹ có 308m2 đất và một ngôi nhà. Quá trình sinh sống, cha mẹ bán một phần, còn lại nhà và gần 200m2 đất. Cha mẹ cho vợ chồng bị đơn làm nhà trên 102m2, nhưng chỉ cho ở chứ không phải cho đứt.

Năm 1999 cha mất. Năm 2003 mẹ mất. Cha mẹ không để lại di chúc. Năm 2011, các anh chị em họp bàn, cho bị đơn làm giấy chủ quyền đối với 102m2 đất đang sử dụng, giao phần đất còn lại và ngôi nhà của cha mẹ cho anh cả quản lý, thờ cúng.

Bị đơn không chịu, đòi giành hết tài sản. Năm 2012, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu tòa án chia toàn bộ gần 200m2 đất và ngôi nhà của cha mẹ.

Thời hiệu chia thừa kế phần di sản của cha đã hết, nên nguyên đơn yêu cầu chia tài sản chung của cha và chia thừa kế phần di sản của mẹ cho bảy người con.

Theo bị đơn: cha mẹ đã tặng cho ông 102m2 đất. Tháng 7-1987, cha mẹ lập di chúc (không có công chứng, bản di chúc gồm hai tờ nhưng không có chữ ký hay điểm chỉ của người lập ở tờ đầu), nội dung ngôi nhà cha mẹ đang ở làm từ đường, cho vợ chồng bị đơn ở, không được bán.

Tháng 11-1987, cha mẹ cho vợ chồng bị đơn làm nhà trên 102m2 đất trong thửa đất của cha mẹ. Năm 1991 cha mẹ họp gia đình và có biên bản, quyết định bán một phần đất, cho bị đơn phần đất 102m2 đã làm nhà.

Bị đơn yêu cầu tòa xác định 102m2 đất này là của ông. Phần chưa đầy 100m2 còn lại là tài sản của cha mẹ. Tuy nhiên phía nguyên đơn cho rằng biên bản đó cha mẹ chỉ để thông báo cho các con, không phải giấy tặng cho tài sản.

TAND TP Huế xét xử sơ thẩm lần thứ nhất, chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, xác định tài sản của cha mẹ là một ngôi nhà và gần 200m2 đất. Bị đơn kháng cáo.

TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế xét xử phúc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm. Ngày 30-9-2014, TAND TP Huế xét xử sơ thẩm lần hai.

Mạt sát nhau

Năm anh chị em phía nguyên đơn ngồi bên này phòng xét xử. Hai chị em và vợ con bị đơn ngồi bên kia. “Bên này” liếc xéo qua “bên kia” bằng những ánh mắt lạnh lẽo.

Nguyên đơn bức xúc: “Bị đơn nói những lời vô học. Hai đứa con bị đơn chửi bới chúng tôi trước mặt dòng họ, nói các bà là gì mà đòi chia tài sản. Đã hai thứ tóc trên đầu mà bị bọn trẻ ranh lăng mạ, chúng tôi phải nhờ pháp luật giải quyết”.

Bị đơn cười khẩy. Vợ con bị đơn luôn miệng “xì...” mỉa mai.

Phía nguyên đơn tiếp tục “tố”: “Nếu bị đơn có đạo đức thì sao dẫn đến hậu quả xấu như thế này? Bị đơn ăn ở không ra gì với cha mẹ. Cha chết cũng vì buồn đứa con này. Bị đơn hứa với mẹ sẽ sửa đổi nhưng chứng nào tật nấy”.

Bị đơn và vợ con nhao nhao: “Đồ vu khống. Chết không nhắm mắt chừ!”.

Bên nguyên đơn trần tình: “Nếu bị đơn đủ tư cách để thờ ba mẹ, chúng tôi xin giơ cả hai tay đồng ý, còn phụ thêm cho em nữa. Ai đời hắn nói chúng tôi là một lũ sâu bọ, gieo vào đầu con cái hắn những điều xấu xa. Khi đã đưa nhau ra đây là chỉ còn nhờ pháp luật”.

Con gái bị đơn chỏng lỏn: “Đồ tham tiền. Cả bầy luôn”. Bị đơn khinh khỉnh nhìn anh chị ruột: “Đồ ngậm máu phun người”.

Tòa hỏi nguyên đơn: “Ngoài nhà, đất, cha mẹ bà còn để lại tài sản gì không?”.

Nguyên đơn: “Cha mẹ tôi có tiền, vàng nhưng không thống kê được. Vàng của cha mẹ tôi, bị đơn đưa vào cho đứa con trai ở Sài Gòn bán rồi gọi điện ra Huế tung tin là vàng giả. Không thể chấp nhận được”.

Bị đơn cười mỉa: “Nghèo không có ăn mới phải bán đất lấy tiền sinh sống, đào đâu ra vàng? Cha mẹ chết, tiền phúng viếng cũng chia nhau từng đồng, còn đâu mà đòi...”. Bị đơn “chường” ra một tờ giấy chia tiền phúng viếng.

Hai bên “tiếng bấc ném đi tiếng chì ném lại”, khiến thẩm phán phải nhắc nhở. Tòa: “Lúc cha mẹ còn sống, ai là người chăm sóc?”.

Nguyên đơn: “Nếu nói về việc phụng dưỡng cha mẹ thì đây là điều bất hiếu của con cái”. Theo chị này, không có người con nào chăm sóc cho cha mẹ được cả. Thậm chí, cha mẹ còn bị bị đơn chửi mắng, hắt hủi.

Cha vì buồn mà phải bỏ nhà đến ở với con gái. Buồn, sinh bệnh nặng rồi mất. Đã vậy, khi cha mẹ không còn, anh chị em về thắp hương, bị đơn không chịu mở cửa. Bị đơn quá đáng nên họ mới yêu cầu chia thừa kế.

Bị đơn cười khẩy: “Ông (cha) thích thì ông đi ở chơi nhà đứa này đứa khác, ai cấm được. Ai già rồi mà chẳng bệnh? Còn họ (chỉ anh chị) đến thắp hương thì phải gọi điện thoại trước cho tôi biết. Tôi đi làm thì phải khóa cửa chứ sao”.

Ngao ngán

Nguyên đơn “tố” bị đơn tệ hại, vu khống anh cả không phải là con ruột của cha. Nhưng trước phiên tòa mấy hôm lại “muối mặt” đến nhà ông này năn nỉ đứng về “phe” mình. Còn bị đơn dẩu môi “đồ bù nhìn” (chỉ bác ruột).

Chị con gái thứ ba (bên bị đơn) phân trần: “Đồng ý em (chỉ bị đơn) cũng có cái sai, có lúc hỗn. Nhưng các anh chị em nên chín bỏ làm mười, để ba mẹ nơi chín suối yên lòng. Mình về đòi đất, em mình ở đâu? Trong lúc mình thì nhà lầu xe hơi”.

Phía nguyên đơn phản đối: “Chúng tôi dù nhà lầu xe hơi, nhưng điều đó không liên quan đến việc thừa kế. Đã ra đến đây một đồng cũng phải bẻ đôi”.

Vợ con bị đơn gằn giọng: “Đồ quá vô đạo đức”. Nguyên đơn: “Đồ vô văn hóa”. Bị đơn cười khẩy: “Mất cảm giác rồi”.

Một người chị (bên nguyên đơn) kể tội em. Vợ bị đơn vừa “ư hừ, ư hừ” trong cổ họng, vừa xui chồng: “Đứng dậy nói đi. Đồ nớ (chỉ chị dâu), mụ gia hắn mà hắn còn tạt nước sôi. Hừ. Đồ ngậm máu phun người”.

Vị kiểm sát viên nghiêm giọng: “Những điều mạt sát nhau thì hai bên nên tránh. Tòa hỏi vấn đề gì các đương sự trả lời vấn đề đó thôi. Cái đó (ý nói những lời hai bên mạt sát nhau) ngoài lề, không liên quan đến tòa”.

Bên này ném qua bên kia những ánh mắt hằn học...

“Chưa xong mô”

Tòa tuyên án, xác định diện tích 102m2 đất bị đơn đang làm nhà ở là của bị đơn, do cha mẹ đã tặng cho. Phần tài sản chung của người cha (hết thời hiệu chia thừa kế) tiếp tục giao bị đơn quản lý. Phần di sản thừa kế của mẹ chia cho bảy người con.

Tòa vừa tuyên án xong, trừ anh cả, bốn người còn lại đồng loạt đứng phắt dậy, giơ nắm tay: “Phản đối. Phản đối. Giấy tặng cho đâu, đưa xem”. Cả bốn người “vây” thẩm phán, mặt phừng phừng: “Xử chi mà lạ rứa. Sai hoàn toàn. Giấy tặng cho đâu đưa coi?”.

Bảo vệ tòa án phải can thiệp. Phía bị đơn đứng phía dưới sảnh xỉa tay lên: “Còn kháng cáo nữa. Chưa xong mô”.

Phía nguyên đơn dàn hàng ngang ở lối đi xuống từ tầng 2 xỉa tay xuống, tức tối: “Còn lâu mới xong. Đồ ăn cướp...”.

HỒ CẨM LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên