28/05/2010 03:27 GMT+7

Bạo lực học đường

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Chưa bao giờ bạo lực xuất hiện ở chốn học đường nhiều như bây giờ, khiến trước vành móng ngựa cũng xuất hiện nhiều áo trắng...

uqyk1PQp.jpgPhóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Vụ án thứ 1

Do xích mích nhỏ, nhóm bốn người của Nguyễn Hồng Phúc kéo nhau đến Trường THCS và tiểu học An Thới 2 (Phú Quốc, Kiên Giang) để cự cãi và đánh nhau với nhóm của N.Đ.G. (học sinh lớp 9). Sự việc được thầy cô giải quyết, những tưởng đã xong, không ngờ nhóm thanh niên này đợi đến giờ tan trường chặn đánh nhóm của G..

Giữa lúc hai bên đang đánh nhau, Nguyễn Văn Đen chạy đến nhà kêu anh ruột của Phúc là Nguyễn Anh Giàu đến tiếp viện. Nhóm của G. đánh không lại, bỏ chạy. Nhóm Phúc rượt theo không kịp.

Một lúc sau, G. rủ thêm năm học sinh cấp III quay trở lại dùng đá ném, hai bên tiếp tục đánh nhau. Đánh không lại, nhóm của G. lại bỏ chạy. Rồi sau đó quay lại ném đá, đánh nhau tiếp. G. dùng thắt lưng đánh nhau với Đen, Giàu thấy thế lấy khúc gỗ vuông đánh G..

G. bỏ chạy. Giàu rượt theo quất liên tiếp vào đầu khiến G. bị chấn thương sọ não, tử vong hai ngày sau đó...

Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Anh Giàu 15 năm tù về tội giết người, các bị cáo khác từ 6 tháng đến 1 năm tù về tội gây rối trật tự công cộng.

Giá như G. và các bạn được trang bị kỹ năng sống, cách ứng xử khi bị gây hấn... thì có lẽ chuyện thương tâm trên không xảy ra.

Vụ án thứ 2

Trên đường chạy xe về nhà, N.T.K., học sinh lớp 10 Trường THPT Tân Hiệp (Tân Hiệp, Kiên Giang), thấy nhóm Dương Minh Cảnh đang đùa giỡn trong nhà, K. chửi thô tục rồi chạy đi.

Nhóm Cảnh rượt theo. Gặp N.N.T., Cảnh rủ T. nhập bọn với mình. Khi bắt kịp, Cảnh dùng tay đánh K., K. nhảy xuống xe, rút dao từ trong cặp ra cũng vừa lúc T. lao tới đạp vào chân K., K. đâm thẳng vào ngực T. một nhát khiến T. tử vong.

Trong phiên tòa sơ thẩm tại TAND tỉnh Kiên Giang, bị cáo cắn môi đỏ nhừ, nước mắt giàn giụa khuôn mặt khi nói lời xin lỗi cha của nạn nhân.

Hội đồng xét xử hỏi: “Tại sao bị cáo lại mang dao trong cặp?”. Bị cáo trả lời giọng yếu ớt: “Tại vì bị cáo học xa nhà nên đem theo để phòng thân”.

Chủ tọa thở dài: “Nhiệm vụ học sinh là lo học hành để sau này giúp bản thân, gia đình, đất nước. Đằng này người ta đang ở trong nhà, can cớ chi bị cáo lại dùng lời lẽ thiếu văn hóa gây sự. Đã thế lại sử dụng hung khí... Đổi lại bị cáo được gì? Gia đình bị cáo không khá giả nhưng phải chạy đôn chạy đáo để bồi thường cho gia đình nạn nhân 100 triệu đồng. Bản thân bị cáo phải ngồi tù trong khi bạn bè đang đến trường lo cho tương lai sau này”.

Học phí phải trả cho bài học nông nổi ấy là sáu năm tù thay cho những năm tháng học trò tươi đẹp.

Vai trò của cha mẹ

Ông Đỗ Minh Hùng, phó chánh án TAND tỉnh Kiên Giang, tâm sự: “Hai năm trở lại đây, những vụ án bạo lực trong giới trẻ ngày càng gia tăng. Phần lớn do ảnh hưởng bởi phim ảnh, một số học sinh, thanh niên trẻ tuổi nghĩ rằng muốn thể hiện mình thì phải đánh đấm, uy hiếp, làm nhục ai đó... Đến khi ra tòa lại hãi hùng, run rẩy đối diện với bản án".

Theo thạc sĩ Phan Thị Mai - giảng viên chính bộ môn tâm lý học khoa sư phạm Trường đại học Cần Thơ: phải tập cho trẻ tính tự tin để ít bị kẻ khác bắt nạt.

Không nên dạy con bằng những câu mệnh lệnh cộc lốc như không được chơi với bạn xấu, không được đánh nhau... Cách dạy áp đặt thế khiến trẻ không dám thổ lộ suy nghĩ của mình, vì thế khi bị gây sự, bắt nạt trẻ không báo cho cha mẹ biết.

Khi thấy con có biểu hiện lo âu, sợ hãi, cha mẹ phải tìm hiểu sự việc. Nếu biết con bị bắt nạt, không nên xúi con đối đầu, đánh trả mà nên báo với thầy cô chủ nhiệm, ban giám hiệu hoặc nhờ người lớn giúp đỡ.

Cũng nên nhờ nhà trường mời phụ huynh của trẻ có mâu thuẫn ngồi lại bàn bạc, tìm cách hòa giải.

Nếu con mình là kẻ hung hãn, thích bắt nạt, phải giải thích cho con hiểu làm thế là sai. Phụ huynh cần quan tâm tới những chương trình giải trí của trẻ, để tránh việc trẻ bị ảnh hưởng bởi game, phim bạo lực.

Nhà trường cũng nên tổ chức sinh hoạt ngoại khóa về kỹ năng sống và nên có phòng tư vấn học đường, giáo viên tâm lý để tư vấn kịp thời cho các em...

GS.TS Võ Tòng Xuân (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH An Giang):

Nhà trường phải thay đổi

Cái gốc vấn đề là cách đào tạo của hệ thống sư phạm ngày nay không tạo điều kiện cho thầy cô giáo tương lai có thể học và thực tập đúng nghĩa mà chỉ theo mớ kiến thức “đọc chép” mênh mông. Đến lượt các thầy cô dạy lại cho các em cách học vẹt trên.

Chương trình học lại nặng nề, xơ cứng. Học mà không thể ứng dụng, xa rời thực tế. Học không hiểu càng chán học, hoang mang, mơ hồ về tương lai, bực dọc...

Trong khi đó những trò chơi bạo lực, phim bạo lực... đầy rẫy trên mạng. Rồi bao gương xấu của người lớn: tham ô, giết người, chạy điểm... sờ sờ ra đó.

Giáo viên phải được trọng vọng. Lương giáo viên được nâng lên mới tránh được tình trạng thầy cô phải dạy thêm hoặc làm thêm nghề tay trái, khó toàn tâm toàn ý với nghề và mới lôi kéo được người tài vào ngành.

Sách giáo khoa cũng nên biên soạn lại. Môn văn, giáo dục công dân, sử... có tác động lớn đến nhân cách học sinh nên khi biên soạn phải cực kỳ chú ý.

MINH TÂM ghi

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên