07/08/2017 13:46 GMT+7

Bị đánh, người mẹ mù vẫn kêu cứu cho đứa con nuôi

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Một người mẹ hi sinh tất cả cho đứa con nghiện ngập và không phải là do bà rứt ruột sinh ra. Bị con đánh thương tích 67%, bà Nguyễn Thị Thơm vẫn xin tòa thả tự do cho con...

Bà Thơm được luật sư và người thân dìu về sau khi phiên tòa 
tạm hoãn - Ảnh: T.LỤA
Bà Thơm được luật sư và người thân dìu về sau khi phiên tòa tạm hoãn - Ảnh: T.LỤA

Người mẹ ấy tên Nguyễn Thị Thơm, năm nay 73 tuổi. Cách đây 36 năm, bà Thơm nhặt được một đứa trẻ 6 tháng tuổi bị bỏ rơi bên vệ đường. Bà đưa về nuôi và đặt tên cho con là Nguyễn Thiên Ân với ý nghĩa con là ơn trời ban tặng.

Thế nhưng Ân lại mang đến cho mẹ nhiều đau khổ. Rồi cuối cùng, Ân đẩy cả hai mẹ con vào vòng tố tụng với tư cách bị cáo - bị hại.

Nước mắt của mẹ

Người mẹ mắt mù, đi không vững, được hai người bạn dẫn đến TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM). Khi nghe nói “bị cáo đến rồi” thì bà đứng dậy, dò dẫm qua từng hàng ghế dự khán để tìm: “Ân đâu, con ơi”!

Trái với sự mong đợi ấy của bà, bị cáo nhìn thoáng qua, hờ hững chào tiếng “mẹ” rồi nhìn đi nơi khác.

Đứa con ấy là tất cả nguồn sống của bà Thơm. Là một giáo viên, dù có nhiều lựa chọn tốt nhưng bà không lập gia đình mà sống vậy nuôi con. Nhà trường thương mẹ con bà sống chật vật nên cho vào ở trong khu tập thể của trường.

Sau này, bà tằn tiện hết mức mới mua được căn nhà chưa tới 20m2 để hai mẹ con có chỗ chui ra chui vào.

Năm 14 tuổi, Ân theo bạn bè rồi trở thành kẻ nghiện ngập. 17 tuổi, khi đang học dở lớp 11 thì Ân nghỉ học. Từ đó đến nay, bà Thơm phải nhiều lần rơi nước mắt vì con.

Năm 2003, Ân bị xử phạt 3 năm tù về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Năm 2008, Ân bị UBND phường ra quyết định giáo dục tại phường do sử dụng ma túy. Một năm sau đó, các cơ quan chức năng đưa Ân vào cơ sở cai nghiện ma túy nhưng Ân không chấp hành nên bị truy tìm.

Những năm sau đó, có lúc Ân bị áp dụng biện pháp cai nghiện tại nhà, có lúc bị xử phạt hành chính... Nói chung là do nghiện ngập mà Ân gây ra vô số chuyện chẳng lành cho bà Thơm.

Trượt dài trong ma túy, Ân bị nhiễm HIV, mắc bệnh lao và hàng loạt hội chứng như ảo thanh giả, suy giảm miễn dịch, lo âu, trầm cảm, ngủ kém, bi quan bệnh tật...

Bà Thơm từng phải đưa Ân đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM với chẩn đoán bị rối loạn chức năng não, bệnh HIV dẫn đến bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng.

Tình yêu của bà là không kể xiết, nhưng bản cáo trạng lại phản ánh một câu chuyện rất đau xót. Cụ thể, khoảng 1h sáng 17-2-2016, trong lúc Ân đang ngủ trên gác thì bà Thơm thức dậy mở đèn đi vệ sinh. Thấy ánh sáng và nghe tiếng ồn, Ân bực tức dùng ổ khóa đánh mẹ.

Nghe tiếng kêu cứu, người dân xung quanh đến phá cửa đưa bà Thơm đi bệnh viện cấp cứu. Mẹ bị thương tích 67%, con bị truy tố về tội cố ý gây thương tích...

“Bây giờ bị cáo có nói gì thì quý tòa cũng không tin, nhưng lúc đó bị cáo nghĩ đó là người khác chứ không nghĩ là mẹ” - Ân nhắc đi nhắc lại nhiều lần lý do ấy khi tòa hỏi tại sao lại đánh mẹ.

Ân kể: “Ba đêm liền tôi mất ngủ nên phải uống rất nhiều loại thuốc khác nhau. Uống thuốc vào lại nghe tiếng nói của nhiều người. Khi ấy tôi thấy mẹ thành người khác”. Trước những lời khai không bình thường, vị đại diện viện kiểm sát giải thích bị cáo bị chứng ảo thanh giả do dùng heroin.

Hai mẹ con bà Thơm xúc động gặp nhau ở tòa - Ảnh: T.LỤA
Hai mẹ con bà Thơm xúc động gặp nhau ở tòa - Ảnh: T.LỤA

“Tôi không làm đơn tố cáo con tôi”

Bà Thơm ngồi nghe con khai, lúc bà thở dốc, lúc khóc nấc. Vị chủ tọa kiên nhẫn đợi bà qua cơn xúc động.

Khi được trình bày, bà nói rành mạch: “Tôi không làm đơn tố cáo con tôi, cũng không nhờ ai làm đơn thay. Người ta đến nhà bắt tôi đi giám định. Tôi không biết giám định để làm gì? Nghe nói giám định để kết tội con tôi, tôi liền bỏ về giữa chừng.

Có ai ở đó mà nói con tôi đánh nhiều cái vào đầu tôi? Tôi không đau gì hết. Khi vô bệnh viện tôi không hôn mê, không sốt, không ói...”.

Trước khi phiên tòa diễn ra, bà Thơm có đơn xin tòa cho con được về nhà chữa bệnh. Vị chủ tọa ái ngại hỏi nếu bị cáo về thì bà sẽ đưa đi chữa bệnh ở đâu, lấy đâu ra tiền?

“Tôi có lương hưu, con tôi có bảo hiểm y tế. Tôi sẽ đưa con vào bệnh viện tâm thần để chữa bệnh. Tôi không còn mong muốn gì hơn, xin tòa thương tôi mà cho con tôi về” - bà Thơm nói.

Sống trong nỗi khổ, đôi mắt bà Thơm cứ ngày càng mờ dần. Bà không dám đi mổ mắt vì sợ nếu nằm viện thì con trai sẽ phải hầu tòa một mình.

Đến khi luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn luật sư TP.HCM) biết tình cảnh của bà, nhận lời bào chữa miễn phí cho bị cáo thì bà mới yên tâm mổ mắt. Nhưng quá muộn, đôi mắt bà Thơm không còn cứu vãn được nữa.

Mắt không thấy đường, tiền lại không nhiều nên mỗi lần đến ngày thăm con, bà Thơm phải nhờ bạn bè làm chà bông, chiên cá khô gửi vào trại giam.

Hình như tình yêu của mẹ đã làm lay động tâm can bị cáo. Tại tòa, khi được cho nói lời sau cùng, Ân quay xuống nhìn mẹ, nói: “Con xin lỗi mẹ. Mẹ nuôi con từ ngày còn nhỏ nhưng con lại đánh mẹ. Tại lúc đó con không biết gì hết! Mẹ đừng buồn con nha mẹ! Nếu được về con sẽ cố gắng kiếm tiền cho mẹ đi chợ”.

Bị cáo chưa hết lời thì bà Thơm òa khóc: “Con ơi, mẹ thương con hơn lúc nào hết”...

Căn nhà giờ chỉ có bà Thơm cô quạnh. Nhưng Ân về nhà sẽ là gánh nặng cho bà, cho xã hội. Ân có thể là mối nguy hiểm cho bà bất cứ lúc nào, bà không sợ ư?

Trả lời câu hỏi này, bà Thơm lý giải bằng trái tim của một người mẹ: “Tôi thương con vì từ nhỏ đã bị bỏ rơi, cuộc đời nó phải chịu nhiều nỗi bất hạnh. Ân phạm tội trong trạng thái bị bệnh. Khi gặp mẹ trong trại giam, Ân khóc xin lỗi tôi vì không nhớ gì cả, cũng không biết tại sao lại đánh mẹ”.

Dẫu với xã hội, Ân là gánh nặng, là mối hiểm nguy thì với bà Thơm, đứa con trai nuôi vẫn là tình yêu, là điểm tựa, là niềm hi vọng sống duy nhất.

Tình yêu của người mẹ ấy hiển nhiên và bao la như đất trời. Bà chỉ cần con mình được hạnh phúc là đủ, dẫu cho bà có phải chịu nhọc nhằn đến như thế nào...

Trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Kết quả giám định thể hiện bị can bị rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy. Vị đại diện viện kiểm sát cho rằng Ân phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do dùng chất kích thích mạnh (ma túy) thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời đề nghị mức án 5-6 năm tù với bị cáo.

Ở tòa, Ân lại khai trước và trong ngày gây án, bị cáo không sử dụng ma túy mà uống rất nhiều thuốc an thần cũng như thuốc cai nghiện.

Do có những tình tiết mâu thuẫn nhau nên hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tòa cũng đề nghị giám định lại cho bị hại bởi bà Thơm không đồng ý với kết quả giám định.

Khi nghe tòa tuyên trả hồ sơ, bà Thơm ngồi cúi mặt xuống ghế, khóc nức nở vì con không được thả về. Thư ký phiên tòa giải thích không thể trả tự do cho bị cáo ngay tại tòa mà phải để trại giam quyết định.

Vị luật sư cũng phải động viên mãi, rằng việc trả hồ sơ rất có lợi cho vụ án, khi đó bà mới chịu để hai người bạn dìu về nhà...

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên