07/07/2017 09:35 GMT+7

Vụ Mường Thanh: Cơ quan quản lý không thể vô can

THÀNH NGUYỄN - QUỐC CƯỜNG
THÀNH NGUYỄN - QUỐC CƯỜNG

TTO - Thông tin Mường Thanh có thể bị khởi tố về các vi phạm xây dựng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý về hình thức xử phạt cụ thể và trách nhiệm của cá nhân có quyền hạn ở các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Sai phạm trong xây dựng công trình Mường Thanh Khánh Hòa diễn ra trong thời gian dài không thể không có trách nhiệm của chính quyền và các cơ quan chức năng sở tại - Ảnh: Trung Tân
Sai phạm trong xây dựng công trình Mường Thanh Khánh Hòa diễn ra trong thời gian dài không thể không có trách nhiệm của chính quyền và các cơ quan chức năng sở tại - Ảnh: Trung Tân

Tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội sáng 5-7, giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương cho biết trong 12 dự án của Doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên và Công ty cổ phần sản xuất nhập khẩu Bemes (thuộc Tập đoàn Mường Thanh) thực hiện ở thủ đô đã có dấu hiệu phạm tội trốn thuế và tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở.

Xử lý hình sự là cần thiết

Theo ông Khương, nếu Bộ Công an để cho Hà Nội làm thì Công an TP Hà Nội sẽ khởi tố vụ án trong tuần tới. Trường hợp Bộ Công an quyết định khởi tố chung các vi phạm của tập đoàn ở 21 địa phương thì Công an TP Hà Nội sẽ chuyển hồ sơ đến bộ xử lý.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, việc sai phạm trong lĩnh vực xây dựng của Mường Thanh diễn ra khắp nơi từ Bắc đến Nam. Vi phạm phổ biến của tập đoàn này là xây dựng không phép, sai phép, vượt tầng.

Tại Hà Nội, khu nhà ở Đại Thanh do Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu (thuộc tập đoàn Mường Thanh) làm chủ đầu tư xây dựng không phép, xây dựng quá chiều cao quy định.

Tình trạng xây dựng lố tầng còn xảy ra ở Khánh Hòa (xây lên 43 tầng trong khi theo quy hoạch chung chỉ được 40 tầng...), hay gần đây nhất là xây dựng 104 căn hộ không đúng theo hồ sơ thiết kế được duyệt trong dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà (Đà Nẵng)...

Theo luật sư Tô Ngọc Minh Tuấn, nếu xây dựng nhà trái phép dù đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì chủ đầu tư đã có dấu hiệu phạm tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở.

Với tội này, Bộ luật hình sự 1990 và 2015 đều quy định như nhau về khung hình phạt cơ bản là phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng và còn có thể bị áp dụng hình thức chế tài về kinh tế khá nặng. Cụ thể nhà ở, công trình xây dựng trái phép có thể bị dỡ bỏ, trưng mua hoặc tịch thu.

Tuy nhiên, luật sư Tuấn cũng lưu ý: “Là tập đoàn có nhiều công ty con, nhưng cứ nhắc đến Mường Thanh thì nhiều người chỉ nghĩ ngay đến chủ tịch tập đoàn Lê Thanh Thản.

Theo nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm thì khởi tố vụ án đối với Mường Thanh không đồng nghĩa với việc chủ tịch tập đoàn phải chịu trách nhiệm đối với hết thảy công trình vi phạm của tập đoàn.

Vì lẽ này, để việc khởi tố bị can đảm bảo tính chính xác thì cơ quan công an phải xem xét kỹ đối tượng cụ thể có hành vi phạm tội.

Nếu tội phạm xảy ra ở một công ty thuộc Tập đoàn Mường Thanh thì người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự chính là người có trách nhiệm của công ty và cũng là chủ đầu tư công trình cụ thể của công ty”.

Những ai liên quan?

Việc xử lý các sai phạm đối với Tập đoàn Mường Thanh sẽ được cơ quan chức năng thực hiện trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vấn đề dư luận quan tâm là tại sao tập đoàn này sai phạm trong thời gian dài mà không bị xử lý triệt để nhằm răn đe, phòng ngừa?

Thậm chí một số công trình cơ quan chức năng còn cho chủ đầu tư sai phạm điều chỉnh, bổ sung giấy phép xây dựng, xử phạt và cho tồn tại như Mường Thanh Khánh Hòa... Chính điều này làm chủ đầu tư “lờn luật”, coi thường pháp luật và liên tiếp sai phạm ở các công trình khác sau này.

Theo luật gia Phạm Văn Chung, khi doanh nghiệp sai phạm bị xử lý, thậm chí khởi tố hình sự thì cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, cá nhân có thẩm quyền không thể vô can.

Do đó cần phải xem xét, xử lý trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong việc quản lý hoạt động xây dựng ở các địa bàn, địa phương có công trình xây dựng trái phép.

Đặc biệt phải điều tra, làm rõ có hay không sự “đi đêm”, tiếp tay, bao che, bảo kê cho sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền?

Luật sư Trần Công Ly Tao cho rằng địa phương nào cũng có bộ máy nhân sự với đầy đủ quyền hạn cùng các công cụ pháp luật cần thiết để quản lý việc xây dựng của tập đoàn này.

“Khi Mường Thanh bất chấp lệnh đình chỉ thi công và quyết định buộc tháo dỡ công trình vi phạm và những cán bộ, công chức có thẩm quyền cũng không tổ chức cưỡng chế để vi phạm phải được xử lý triệt để thì những cán bộ đó cũng phải chịu trách nhiệm liên đới” - luật sư Ly Tao nói.

Nhắc lại vụ Khánh Hòa tự ý cấp phép cho Mường Thanh được xây dựng một tổ hợp tại tỉnh này có số tầng cao hơn quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt, luật sư Minh Tuấn đề nghị:

“Những cán bộ, công chức tham gia xử lý vụ việc này không thể vô can với vi phạm của Mường Thanh tại tỉnh nhà. Tùy kết quả xem xét cụ thể mà những cán bộ, công chức đó phải chịu trách nhiệm tương ứng, hoặc bị xử lý kỷ luật hoặc có thể phải chịu trách nhiệm hình sự”.

“Hành vi cấp giấy phép xây dựng vượt quy hoạch như ở Khánh Hòa cũng cần được điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm để răn đe, phòng ngừa chung” - luật gia Chung nêu quan điểm.

Công trình trái phép: có thể bị dỡ bỏ hoặc tịch thu

Theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng, bên cạnh việc bị phạt tiền thì chủ đầu tư các công trình vi phạm còn bị đình chỉ thi công, buộc tự tháo dỡ diện tích vi phạm hoặc bị cưỡng chế tháo dỡ nếu không chấp hành.

Điều đáng nói là dù bị đình chỉ thi công nhưng Mường Thanh vẫn tiếp tục xây dựng và tiếp tục tái diễn hành vi vi phạm ở chính công trình đó, hoặc ở các công trình khác tại các địa phương khác như một sự thách thức pháp luật.

THÀNH NGUYỄN - QUỐC CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên