19/06/2017 11:43 GMT+7

Lương tối thiểu tăng, trăm thứ 'đua' theo

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Lương tối thiểu hiện nay mới chỉ đáp ứng 86% nhu cầu sống tối thiểu và tăng rất chậm, trong khi đó, tốc độ trượt giá hằng năm tăng trung bình 5%.

Gia đình công nhân Huỳnh Thị Đợi sống tằn tiện trong căn phòng trọ nhỏ mỗi năm một tăng giá - Ảnh: V.THỦY
Gia đình công nhân Huỳnh Thị Đợi sống tằn tiện trong căn phòng trọ nhỏ mỗi năm một tăng giá - Ảnh: V.THỦY

Mức lương tối thiểu hiện nay khiến đời sống công nhân lao động hết sức khó khăn. Để trang trải cuộc sống, nuôi con cái, họ buộc phải tăng ca, sống tằn tiện...

Ở chen chúc trong những phòng trọ nhỏ từ năm này qua năm khác, tăng ca đầu tắt mặt tối, ăn uống tằn tiện... đã là mẫu số chung của công nhân.

Lương quá thấp, không tăng ca không sống nổi

Trưa chủ nhật nóng hầm hập, cả dãy trọ trong con hẻm nhỏ đường Huỳnh Tấn Phát (phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM) gần KCX Tân Thuận hầu như vẫn cửa đóng then cài.

Năm người trong gia đình công nhân Huỳnh Thị Đợi (33 tuổi, quê Long An) gồm vợ chồng chị, hai con nhỏ và mẹ ruột chen chúc trong căn phòng vỏn vẹn hơn 10m2. Chị Đợi bảo công nhân ở đây hầu hết làm cả thứ bảy, chủ nhật, chồng chị làm ca đêm cũng vừa từ xưởng làm về.

Chị Đợi làm công nhân may cho một công ty Hàn Quốc 8 năm, lương 5,5 triệu đồng/tháng, chồng chị làm cho một công ty may khác lương thấp hơn.

Hai vợ chồng tăng ca miệt mài thì lương cũng hơn chục triệu. Năm ngoái công ty tăng lương theo lương tối thiểu của Nhà nước, thêm tăng lương theo thâm niên 5% thì hai vợ chồng thêm được 500-600 ngàn.

"Nhưng lương tăng 1 đồng thì cả trăm thứ tăng theo, từ tiền nhà, điện nước, đồ ăn, đồ uống đến tiền gửi con... ” - chị bảo.

Vợ chồng anh Danh Hưởng (46 tuổi, quê Kiên Giang) cũng rời quê lên Sài Gòn làm công nhân tại một nhà máy ở KCX Tân Thuận gần 6 năm nay. Chủ nhật, vợ anh vẫn đang đi làm.

“Tôi làm bốc xếp nên việc không đều, không tăng ca, còn bà ấy thì làm từ thứ hai đến chủ nhật. Ngày thường làm từ 7h sáng đến 10h đêm. Thấy vợ làm cực quá nhưng không tăng ca thì không đủ trang trải” - anh Hưởng nói.

Tỉ lệ tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2014-2017
Tỉ lệ tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2014-2017

Phải tăng lương tối thiểu

Ông Mai Đức Chính - phó chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết điều 91 Bộ luật lao động hiện hành quy định lương tối thiểu phải đáp ứng mức nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

“Lẽ ra khi Bộ luật lao động có hiệu lực (1-5-2013) thì đã phải điều chỉnh lương tối thiểu đáp ứng quy định này, nhưng thời điểm đó nếu điều chỉnh ngay thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nên Chính phủ đề nghị tăng có lộ trình. Nhưng trải qua nhiều lần tăng lương tối thiểu, đến nay lương tối thiểu vẫn chưa bằng mức sống tối thiểu” - ông Chính cho biết.

Theo ông Chính, lương tối thiểu hiện nay mới chỉ đáp ứng 86% nhu cầu sống tối thiểu. Thêm vào đó là tốc độ trượt giá hằng năm tăng trung bình 5%.

“Chỉ tính phần thiếu hụt của lương tối thiểu so với mức sống tối thiểu cộng với tốc độ trượt giá, chưa cần tính đến tốc độ tăng trưởng kinh tế thì đã thấy cần phải tăng lương tối thiểu. Nếu không điều chỉnh thì không lẽ lương công nhân âm?” - ông Chính phân tích thêm.

“Lộ trình tăng lương tối thiểu là đúng nhưng phải có giới hạn. Việc thực hiện điều 91 đã kéo dài quá lâu và Hội đồng Tiền lương quốc gia đến nay vẫn chưa đưa ra được lộ trình cụ thể” - ông Chính nói.

Biểu đồ thống kê mức lương tối thiểu vùng từ năm 2014-2017 - Tổng hợp: VŨ THỦY - Đồ họa: N.KH.
Biểu đồ thống kê mức lương tối thiểu vùng từ năm 2014-2017 - Tổng hợp: VŨ THỦY - Đồ họa: N.KH.

Tăng giờ làm ngoài giờ là bất hợp lý

Ông Mai Đức Chính cũng đánh giá đề xuất tăng giờ làm ngoài giờ lên 600 giờ là bất hợp lý.

“Con người không phải là cỗ máy. Nếu coi tăng ca, làm thêm giờ là giải quyết công việc đột xuất của doanh nghiệp thì việc quy định số giờ làm thêm quá nhiều như vậy thì đột xuất đã trở thành thường xuyên” - ông nói.

Ông phân tích thêm rằng mặc dù các doanh nghiệp cho rằng giờ làm thêm của Việt Nam đang thấp hơn các nước nhưng thực tế tính tổng thời gian làm việc thì Việt Nam lại thuộc những nước cao nhất thế giới.

“Thời gian lao động chính thức của nhiều nước trung bình là 40 giờ/tuần, trong khi của Việt Nam là khoảng 48 giờ/tuần. Lấy 8 giờ nhân với 52 tuần làm việc sẽ là một sự chênh lệch rất lớn. Do đó không thể so bì được” - ông Chính nêu cụ thể.

Ông cho biết khi dự thảo Bộ luật lao động được đưa ra đã đề xuất 600 giờ làm ngoài giờ nhưng vấp phải sự phản đối gay gắt đã giảm xuống 400 giờ/năm.

PGS.TS Vũ Quang Thọ (viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn):

Chỉ bàn tăng, đừng bàn giảm

Xét toàn diện thì đời sống của công nhân lao động hiện nay đang ở đáy. Theo tôi, tất cả những quy định về quyền và lợi ích của công nhân như tiền lương, thời giờ làm việc và các chế độ khác đều không thể giảm thêm.

Hiện nay chúng tôi đã tính toán phương án đề xuất tăng lương tối thiểu, mặc dù chưa hình thành phương án cụ thể nhưng quan điểm của chúng tôi là cần phải điều chỉnh để tiền lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu.

Do đó, nếu quy định cơ bản này vẫn chưa đáp ứng được thì chúng ta nên bàn tăng, đừng bàn giảm để đời sống công nhân có thể được cải thiện.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên