26/05/2017 09:28 GMT+7

Hai tòa đùn đẩy một vụ kiện

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Một vụ kiện đơn giản nhưng gần ba năm trôi qua hai tòa án cấp quận tại TP.HCM cứ đẩy qua đẩy lại, khiến người dân không biết khi nào yêu cầu của mình mới được tòa giải quyết.

Theo đơn khởi kiện của bà Đ.T.K.C. (54 tuổi), Chi cục Thi hành án dân sự Q.6 đang tổ chức thi hành 5 bản án, quyết định của tòa án đối với bà.

Quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên đã ký hợp đồng bán đấu giá tài sản với Công ty cổ phần đấu giá Nam Giang (địa chỉ tại Q.1) đối với căn nhà F28 cư xá Phú Lâm B, Q.6.

Bà C. đã nhiều lần liên hệ chấp hành viên trình bày nguyện vọng được nhận lại tài sản vì bà là người được quyền ưu tiên nhận tài sản theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên sau đó Chi cục Thi hành án dân sự Q.6 và Công ty cổ phần đấu giá Nam Giang đã bán đấu giá căn nhà F28 cho người khác.

Cho rằng việc bán đấu giá không thực hiện đúng quy trình, trình tự luật định, gây thiệt hại cho người có tài sản bán đấu giá, bà C. đã có đơn khiếu nại gửi Chi cục Thi hành án dân sự Q.6 nhưng chưa được giải quyết.

Tháng 5-2015, bà C. nộp đơn khởi kiện Công ty cổ phần đấu giá Nam Giang ra TAND Q.6 với lý do trên, đồng thời yêu cầu tòa án cho bà được nhận lại tài sản là căn nhà F28.

Sau khi nhận đơn, TAND Q.6 ra thông báo chuyển đơn của bà C. tới TAND Q.1, vì cho rằng bị đơn là Công ty Nam Giang có trụ sở tại Q.1 nên tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND Q.1.

Tuy nhiên đến tháng 9-2015, TAND Q.1 lại có quyết định chuyển hồ sơ vụ kiện của bà C. sang TAND Q.6. Lý do là tài sản tranh chấp tại Q.6 nên thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND Q.6.

Trong khi bà C. đinh ninh TAND Q.6 đang thụ lý vụ kiện thì bất ngờ tháng 3-2017, TAND Q.1 có văn bản triệu tập bà đến tòa để hòa giải, kiểm tra việc giao nộp chứng cứ... Lý do là trước đó TAND Q.6 vẫn không chịu thụ lý vụ án nên TAND Q.1 đã rút hồ sơ về giải quyết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một thẩm phán TAND Q.1 lý giải sở dĩ vụ kiện có việc chuyển qua chuyển lại giữa hai tòa vì bị đơn có địa chỉ tại Q.1 nhưng bất động sản đang tranh chấp lại ở Q.6. Vì vậy còn có những quan điểm khác nhau về thẩm quyền giải quyết vụ án.

“Khi chúng tôi đã chuyển vụ án đến TAND Q.6 thì Công ty Nam Giang có đơn khiếu nại, cho rằng công ty có trụ sở tại Q.1 thì TAND Q.1 thụ lý là đúng thẩm quyền. Xét thấy khiếu nại của Công ty Nam Giang là đúng nên chúng tôi đã thụ lý lại vụ kiện” - vị thẩm phán này cho biết.

Luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng TAND Q.6 phải thụ lý mới đúng quy định của pháp luật vì thời điểm TAND Q.1 có quyết định chuyển vụ án thì Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2011) vẫn còn hiệu lực. Điều 35 của bộ luật này quy định tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản.

Hiện nay, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có hiệu lực cũng có quy định: “Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”.

Việc TAND Q.1 chuyển hồ sơ vụ án cho TAND Q.6 giải quyết là đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Nếu TAND Q.1 tiếp tục giải quyết vụ kiện thì khi xét xử sơ thẩm xong chắc chắn có kháng cáo, kháng nghị cho rằng TAND Q.1 không có thẩm quyền xét xử vụ án.

Luật sư Phạm Văn Thạnh

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên