26/04/2017 16:39 GMT+7

Bộ Tư pháp “bác” quy định hạn chế người sử dụng camera lén

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TTO - Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng dự thảo nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị không điều chỉnh về đối tượng được sử dụng thiết bị này.

Ông Lê Đại Hải - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp trả lời báo chí - Ảnh: Thân Hoàng
Ông Lê Đại Hải - phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp trả lời báo chí - Ảnh: Thân Hoàng

Tại buổi họp báo quý 1-2017 do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 26-4, trả lời câu hỏi của báo chí, ông Lê Đại Hải - phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - kinh tế - cho biết đến nay Bộ Tư pháp đã 3 lần nhận được dự thảo nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị do Bộ Công an chủ trì xây dựng và gửi sang thẩm định.

Theo ông Hải, việc kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang ghi âm, ghi hình trước đây chưa có trong danh mục kinh doanh có điều kiện, không phù hợp với luật. Nhưng vừa qua Quốc hội thông qua Luật đầu tư mới, đưa ngành nghề này vào phụ lục là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên Bộ Công an đã hoàn thiện lại dự thảo và đưa ra để lấy ý kiến.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến băn khoăn trong dự thảo nghị định này có điều khoản hạn chế đối tượng sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang sẽ sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động thu thập chứng cứ, đấu tranh chống tiêu cực của nhà báo, công dân, luật sư…

Ông Hải khẳng định quan điểm của Bộ Tư pháp là nghị định này chỉ được quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, những tổ chức và cá nhân nào đáp ứng điều kiện gì được kinh doanh chứ không điều chỉnh đối tượng sử dụng.

“Nghị định này không điều chỉnh về đối tượng, không điều chỉnh ai được sử dụng thiết bị nguỵ trang ghi âm, ghi hình... Hiến pháp đã quy định nguyên tắc mọi tổ chức cá nhân được làm điều pháp luật không cấm, muốn cấm phải cấm bằng luật.

Vì vậy trong dự thảo nghị định này không thể cấm đối tượng sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang. Nếu Luật báo chí cho phép tác nghiệp sử dụng các thiết bị này thì các nhà báo cứ tác nghiệp theo Luật báo chí”, ông Hải nói.

Ông Hải nhấn mạnh Bộ Tư pháp sẽ hoàn thiện thẩm định dự thảo theo hướng xây dựng các điều kiện để được kinh doanh mặt hàng này, không quy định về việc đối tượng được sử dụng.

Trước đó, như Tuổi Trẻ đã thông tin, Bộ Công an tổ chức lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm nguỵ trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.

Tại khoản 3, điều 4 dự thảo này quy định: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên