03/04/2017 12:15 GMT+7

Cần bổ sung các hình thức tố cáo khác

BÁ TRUNG
BÁ TRUNG

TTO - Tại sao pháp luật về tố cáo không chính thức mở rộng hình thức tố cáo qua Facebook, email, điện thoại... để gọn lẹ, hiệu quả và phù hợp với thực tế vận hành của cả người dân lẫn chính quyền?

Pháp luật từ trước đến nay đều yêu cầu người dân khi muốn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của ai đó thì phải gửi đơn hoặc trực tiếp phản ảnh với các cơ quan có thẩm quyền. Nhưng nay người dân muốn chọn cho mình nhiều cách khác để chuyển thông tin đến các cơ quan chức năng.

Tố cáo qua fax, email, điện thoại...?

Mới đây, vụ việc bẻ hoa mai anh đào tại hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) có liên quan đến bà phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận được đăng tải trên mạng xã hội đã được UBND tỉnh xử lý chớp nhoáng.

Ngoài việc phải xin lỗi trên báo chí về thái độ ứng xử và cách phát ngôn, vị này còn bị cơ quan tổ chức kiểm điểm và còn có thể bị UBND tỉnh áp dụng hình thức xử lý khác.

Cũng ở Bình Thuận, từ hai clip trên Facebook quay lại cảnh một xe ben chở cát làm cát rơi tung tóe và một xe tải chở đá cồng kềnh, thanh tra Sở GTVT tỉnh đã nhanh chóng truy tìm thủ phạm.

Kết quả: tài xế xe ben bị phạt 2 triệu đồng; tài xế xe tải bị phạt hơn 7 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe 30 ngày do còn có hành vi tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe, chở quá tải...

Tại phiên họp của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội mới đây để bàn về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu (đại diện cơ quan soạn thảo dự luật) cho biết hiện có hai luồng ý kiến khác nhau về hình thức tố cáo.

Luồng ý kiến thứ nhất và cũng là quan điểm của Chính phủ là giữ nguyên như luật hiện hành để tránh tình trạng tố cáo tràn lan, sai sự thật.

Luồng ý kiến thứ hai đề nghị dự luật bổ sung các hình thức tố cáo khác như bằng fax, email, điện thoại...

Cần tố đúng, có bằng chứng thật

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức thì cho biết nhiều ý kiến trong thường trực Ủy ban Pháp luật mong muốn có thêm các hình thức tố cáo khác để tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tố cáo.

Có hai đặc điểm chung ở các dẫn chứng nêu trên: vụ việc sai trái không xâm hại trực tiếp đến quyền lợi của các chủ Facebook; không rõ họ tên, nơi ở/làm việc... của người vi phạm.

Có nhất thiết bắt buộc những người “giữa đàng thấy chuyện bất bình” phải dày công gửi đơn hoặc trực tiếp đi “tố” với các chứng cứ có hình thức phù hợp chứ không chỉ bằng tài liệu có sẵn trong smartphone của cá nhân?

Rồi làm sao họ có đủ điều kiện xác định được cơ quan nào có quyền hạn giải quyết để thực hiện hai phương thức “truyền thống” ấy?

Đáng lưu ý là Bộ luật tố tụng hình sự chấp nhận các tố giác, tin báo về tội phạm bằng lời hoặc bằng văn bản. Luật phòng chống tham nhũng cho phép người dân tố cáo qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định.

Vậy tại sao pháp luật về tố cáo không chính thức mở rộng hình thức tố cáo qua Facebook, email, điện thoại... để gọn lẹ, hiệu quả và phù hợp với thực tế vận hành của cả người dân lẫn chính quyền?

Khi đó, “tố” đúng, có bằng chứng thật thì các cơ quan chức năng sẽ giải quyết.

Ngược lại, thiểu số (hãy tin là vậy) “tố” sai sự thật hoặc lợi dụng việc tố cáo để xuyên tạc, vu khống, gây rối an ninh, trật tự công cộng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác... sẽ bị xử lý nghiêm như lâu nay các lực lượng chức năng vẫn làm.

Trên thực tế, nhiều tỉnh thành đã công khai mời gọi người dân góp thêm “tai mắt” qua mạng xã hội nhằm phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.

Hằng ngày, trang Facebook “Cảnh sát giao thông Công an TP Đà Nẵng” tiếp nhận hàng trăm thông tin về các hành vi vi phạm và nhiều ý kiến đóng góp của người dân trong lĩnh vực giao thông. Qua đó, đã có nhiều xe công, tư vi phạm bị xử phạt...

BÁ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên