12/03/2017 13:00 GMT+7

Phía sau cuộc chiến chia tài sản

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - “Con xin ba, con và em đã quá đủ tổn thương với cuộc ly hôn của ba mẹ. Từng lời ba chửi rủa mẹ, con đều đã nghe hết. Từng lời, từng chữ như những gáo nước sôi tạt thẳng vào mặt con...”.

Đó là lời khẩn cầu của cô gái với cha mình sau khi cuộc hôn nhân của cha mẹ cô tan vỡ. 8 năm sau vụ ly hôn, cuộc chiến trong gia đình họ vẫn chưa kết thúc. Người muốn giữ hay đòi tài sản đều viện lý do “vì con”...

Dùng dằng riêng - chung

Phiên tòa xét xử vụ tranh chấp tài sản sau ly hôn diễn ra tại TAND TP.HCM kéo dài từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017.

Những người đến tòa đã từng có quan hệ vợ - chồng, cha - con, mẹ vợ - con rể. Bây giờ đứng trước tòa, người vợ vẫn gọi chồng là “anh”, còn người chồng lạnh lùng gọi vợ là “cô ấy” và cha mẹ vợ là “ông bà ấy”.

Họ đã được TAND Q.Tân Bình công nhận thuận tình ly hôn năm 2009. Hai căn nhà là tài sản chung đều đã được chia đều. Riêng hai thửa đất ở huyện Củ Chi rộng gần 4.000m2 (đứng tên người vợ) trở thành khởi nguồn của tranh chấp.

Năm 2005, hai thửa đất ấy chỉ là đất phèn ao sen, nước mênh mông, lối đi không có, phải dựng cầu khỉ để vào. Cha mẹ vợ của ông đã phải đổ đất nâng nền, làm cầu mở lối đi.

Khi căn nhà được xây lên, ao cá, vườn cây, chuồng trại chăn nuôi hình thành thì ao sen ngày nào đã trở thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng. Tranh chấp sau ly hôn cũng nảy sinh từ đó.

Nguyên đơn (chồng) trình bày trước tòa: “Vợ chồng tôi dự định mua đất để sau này dưỡng già. Vì chúng tôi cãi nhau nên ông bà ấy (cha mẹ vợ) về xây nhà ở. Năm 2008, khi phát hiện có xây dựng, tôi đã làm đơn ngăn chặn”.

Bị đơn (vợ) phản pháo: “Ba má tôi có trang trại dưỡng già ở Đồng Nai, vì ba tôi bị tai biến phải đi Sài Gòn chữa bệnh suốt nên mới bán đất ở Đồng Nai rồi đưa tiền nhờ tôi mua đất ở Củ Chi để tiện đi lại.

Tôi là người mang tiền đi mua đất, chồng tôi đi cùng chứ không đứng ra giao dịch. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp tên một mình tôi”...

Khi nộp đơn ly hôn, người chồng chỉ yêu cầu chia hai căn nhà, sau đó mới bổ sung yêu cầu phải chia cả đất ở Củ Chi. Biên bản đối chất của người liên quan, người làm chứng đều bất lợi cho ông. Những lời khai thể hiện mảnh đất không có công sức của ông.

Ông có đi cùng vợ khi gặp chủ đất nhưng chỉ một mình vợ đứng ra giao dịch. Hai người bán đất đều nghe bà nói mua giùm cho ba má dưỡng già. Ông cũng không có ý kiến gì về việc bà được đứng tên trên sổ đỏ.

Từ những lập luận ấy, tòa sơ thẩm đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông về việc đòi chia đôi giá trị hai lô đất. Ông kháng cáo.

“Tôi nghĩ ai ký vào giấy tờ mua đất hay đứng tên trên sổ đỏ không quan trọng. Tài sản trong thời kỳ hôn nhân thì đều là của chung” - ông nói trước tòa.

Tòa chất vấn ông khai vay 200 triệu đồng để mua đất nhưng hồ sơ tại ngân hàng cho thấy mục đích của việc vay vốn là để dùng vào việc khác. Ông không giải trình được mâu thuẫn ấy.

Nỗi đau để lại

Nguyên đơn - bị đơn đã từng có cuộc hôn nhân hạnh phúc. Mâu thuẫn nảy sinh khi ông cho rằng bà không tôn trọng cha mẹ và người thân của ông, bà đi chơi đến 1-2h sáng mới về. Còn bà đổ lỗi ông hay chửi mày tao nên không sống chung được.

Họ có hai con chung. Con gái đang học thạc sĩ ở Pháp, con trai là sinh viên năm 2. Ở tòa sơ thẩm, bà từng thỏa thuận nếu ông đồng ý thì bà sẽ chuyển hết tài sản sang tên các con. Ông không đồng ý.

“Thưa tòa, con trai tôi có điều muốn nói” - bà phát biểu. Được tòa chấp thuận, bà quay xuống tìm con thì mới biết đứa trẻ đã bỏ về từ bao giờ. Nghe người thân của mình nói với nhau những lời nặng nề như thế, làm sao cậu có thể chịu đựng nổi?

Lá thư người con gái viết gửi cha được người mẹ đưa đến tòa. “Ba ơi, việc tranh chấp của ba mẹ làm con đau lắm! Giá như ba đánh con thì cái đau đó cũng không bằng nỗi đau từ những điều ba đang làm. Ba nói rằng ba đòi đất là để giữ cho con và em, điều đó có thật không hả ba?

Mẹ và ông bà ngoại có giữ đất cũng là để lại cho con, vậy thì ba giành giật để làm gì? Ba không nghĩ đến cảm giác của con và của em sao? Ba làm thế khác nào làm tổn thương đến con và em.

Chúng con làm sao dám nhận lấy phần đất ấy khi nó là nguyên nhân làm tổn thương mọi người?”. Người cha nghe xong lặng im.

Ông nói rằng con gái bị mẹ mình xúi giục. Ông bảo việc tranh chấp tài sản vợ chồng là điều xấu hổ, là sự nhục nhã nhưng ông sẵn sàng “tạt nước sôi vào mặt những kẻ tranh giành công sức của ông”.

Ông khẳng định với con gái mình giữ đất đến cuối cùng cũng là cho các con. Người con gái đã cầu xin cha “hãy dừng lại bởi con và em đã quá đủ tổn thương với cuộc ly hôn của ba mẹ rồi”.

Cô trách cha đã không nghĩ đến mình khi tranh chấp tài sản một cách gay gắt. Một cuộc phân chia tài sản trên danh nghĩa tốt đẹp là vì các con.

Thế nhưng điều nhận được chưa nhìn thấy, riêng các con họ đã phải chịu nỗi đau sâu kín trong tâm hồn. Cuộc chiến tranh giành tài sản ấy là vì ai, có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Phiên tòa phúc thẩm kéo dài suốt ba tuần liền vì có lúc tòa tạm ngừng xét xử, nghị án kéo dài rồi bất ngờ quay lại phần xét hỏi.

Xét thấy người liên quan (cha mẹ vợ của nguyên đơn) đã bỏ ra nhiều chi phí cải tạo hai thửa đất nhưng cấp sơ thẩm chưa xem xét, bị đơn được xem là người đứng tên giùm nhưng tòa lại tuyên đất của bị đơn là thiếu sót.

Dù có tuyên án hay hủy án sơ thẩm cũng chưa thể hiện rõ mảnh đất là của nguyên đơn, bị đơn hay là tài sản chung của vợ chồng. Với những lập luận ấy, tòa phúc thẩm đã quyết định hủy án sơ thẩm để xét xử lại.

9 năm từ ngày họ nộp đơn xin ly hôn, ông đã có vợ mới mà tranh chấp tài sản với vợ cũ vẫn chưa dừng lại.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên