06/03/2017 12:47 GMT+7

Lỗi để xe lấn chiếm lề đường, phạt khách hay chủ quán?

BÁ TRUNG
BÁ TRUNG

TTO - Nghị định 46/2016 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) phân ra hai loại hành vi vi phạm và mức phạt tương ứng.

Ở các hàng quán không có chỗ để xe trong nhà, xe của khách thường được để trên vỉa hè hoặc lòng đường. Cũng có trường hợp khách tự để xe ở đó rồi tự trông nom, hoặc gửi cho chủ quán thông qua các nhân viên của quán nhận trông giữ.

Căn cứ vào chủ thể thực hiện, nghị định 46/2016 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) phân ra hai loại hành vi vi phạm và mức phạt tương ứng.

Nếu khách (là người đi xe máy) tự để xe thì khách đã có hành vi “để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật” và có thể bị phạt 100.000-200.000 đồng theo điểm đ, khoản 3, điều 6 nghị định 46.

Trường hợp chủ quán làm việc này thì chủ quán đã có hành vi “chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố làm nơi trông giữ xe” và tùy diện tích chiếm dụng mà có thể bị phạt ở mức thấp nhất 2 triệu đồng, cao nhất 15 triệu đồng (đối với cá nhân) hoặc 4-30 triệu đồng (đối với tổ chức) theo điều 12 nghị định 46.

Đối với ôtô là hành vi “đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng” với mức phạt 300.000-400.000 đồng theo điểm g, khoản 2, điều 5 hoặc “đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật” với mức phạt 600.000-800.000 đồng theo điểm e, khoản 3, điều 5 nghị định 46.

“Muốn xử phạt hành vi vi phạm hành chính thì phải xác định đối tượng vi phạm. Nếu khách tự ý để xe ở lòng đường, hè phố thì cơ quan chức năng có thể xử phạt khách.

Ngược lại, nếu khách đã giao xe cho chủ quán bảo quản và sau đó trả lại thông qua hợp đồng gửi giữ (thỏa thuận miệng hoặc bằng phiếu giữ xe) thì chủ quán phải chịu các trách nhiệm liên quan về địa điểm để xe.

Nếu chủ quán để xe ở vỉa hè, lòng đường thì phải phạt chủ quán, không thể phạt khách” - luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM) nêu ý kiến.

Đồng tình cách thức xử phạt trên, luật sư Trần Thị Miền (Đoàn luật sư TP.HCM) lưu ý thêm: “Trên thực tế từng có trường hợp khách đã giao xe cho chủ quán trông giữ mà cơ quan chức năng vừa xử phạt chủ quán vừa xử phạt cả khách.

Theo nguyên tắc “ai trực tiếp làm sai thì xử lý người đó, một hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần”, nếu nhận thấy đã bị phạt không đúng, khách hàng hoặc chủ quán có thể khiếu nại, khởi kiện quyết định xử phạt”.

BÁ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên