21/02/2017 21:49 GMT+7

Khi đứa trẻ phải theo mẹ ra trước vành móng ngựa…

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Pháp luật quy định chỉ có bị cáo - người đang bị truy tố ra tòa về hành vi phạm tội - mới phải đứng trước vành móng ngựa. Nhưng lại có những đứa trẻ còn ẵm ngửa vẫn phải cùng mẹ hầu tòa...

TAND tỉnh Bắc Giang vừa mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án Vi Thị Loan và các đồng phạm bị truy tố về tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Điều đặc biệt là trong ngày xét xử, bị cáo Loan phải ôm đứa con mới hơn 1 tuổi đứng trước vành móng ngựa.

Năm 2015, khi bị bắt cùng đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, Vi Thị Loan đang mang thai. Bị cáo sinh con và nuôi con ngay trong trại tạm giam. Đến ngày vụ án được đưa ra xét xử, bị cáo phải ôm con đi cùng vì không nhờ được ai giữ hộ.

Khi bắt đầu phiên tòa, vị chủ tọa thấy bị cáo vừa bế con vừa đứng trước vành móng ngựa trả lời nên đã yêu cầu lực lượng cảnh sát bảo vệ đưa đứa bé ra ngoài.

Bị cáo đành giao con cho lực lượng bảo vệ. Đứa bé bị tách khỏi mẹ liền khóc thét. Lực lượng bảo vệ phải đưa đứa bé ra sân tòa, nhưng vẫn không dỗ được bé nín khóc nên đành đưa lại vào phòng xử.

Lúc đó, luật sư Trần Văn An (chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang) - người được chỉ định bào chữa cho bị cáo Loan - đã trình bày với hội đồng xét xử việc bị cáo phải ôm con đến tòa là điều bất khả kháng. Luật sư đề nghị tòa không tách hai mẹ con mà vẫn để cháu bé được ở cùng mẹ.

Hội đồng xét xử đã hội ý tại chỗ rất nhanh và đồng ý để bị cáo được bế con, được phép ngồi để trả lời thẩm vấn. Khi đó đứa bé mới nín khóc.

Theo luật sư Trần Văn An, pháp luật hiện quy định chỉ có bị cáo mới phải đứng trước vành móng ngựa. Trẻ em dưới 16 tuổi muốn vào phòng xử phải được sự đồng ý của hội đồng xét xử.

“Câu chuyện bị cáo Vi Thị Loan rất hiếm xảy ra trên thực tế. Hình ảnh bị cáo ngồi bế con trước vành móng ngựa có thể gây nên nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, trong trường hợp nêu trên không còn cách nào khác. Tôi cho rằng cách xử lý của hội đồng xét xử là phù hợp và cũng rất nhân văn” - ông Trần Văn An chia sẻ.

Thẩm phán Đàm Thuận Hồng - chánh án TAND huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội - cho biết pháp luật hiện nay không có quy định cụ thể trong điều kiện bị cáo sinh con ở trại giam, việc đưa con đến tòa, đứng trước vành móng ngựa có được phép hay không.

Trên thực tế nhiều bị can nữ sinh con trong trại giam, khi ra tòa có thể nhờ bạn tù giữ con hộ. Theo ông Hồng, khi xét xử thì tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà hội đồng xét xử có cách ứng xử hợp tình hợp lý, đảm bảo tính nhân văn.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên