17/02/2017 09:24 GMT+7

Giảm án oan sai, được không?

PHẠM VĂN CHUNG
PHẠM VĂN CHUNG

TTO - Các vụ án oan sai gây ra những hậu quả khủng khiếp cả về vật chất lẫn tinh thần cho nạn nhân và gia đình của họ.

Nguyên nhân dẫn đến oan sai có thể do trình độ điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng còn nhiều hạn chế; vì sức ép phải giải quyết nhanh chóng các vụ án; sự cẩu thả, định kiến trong điều tra, truy tố, xét xử...

Vậy để giảm án oan sai cần có những thay đổi gì trong hoạt động tố tụng?

Trước hết cần có cơ chế để các cơ quan tư pháp được độc lập trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Độc lập ở đây là cơ quan tư pháp không chịu bất kỳ tác động nào của các cơ quan khác trong hệ thống chính trị có thể làm cho cán cân công lý bị “bẻ cong”, sai lệch.

Phải đảm bảo nguyên tắc tranh tụng không hạn chế tại phiên tòa. Theo đó, các phiên tòa phải diễn ra công khai để việc xác định sự thật của các vụ án được khách quan. Tòa án ra bản án, quyết định trên cơ sở các chứng cứ được thu thập, kiểm tra công khai tại phiên tòa.

Việc chứng minh của các chủ thể có quyền và lợi ích khác nhau (bên buộc tội, bên bào chữa, bị hại, bị cáo) thực hiện một cách bình đẳng, dân chủ. Ở khía cạnh này, phải đặc biệt đề cao vai trò của luật sư, người đại diện cho bên buộc tội, bên bào chữa.

Nên hạn chế tình trạng hội đồng xét xử dựa quá nhiều vào hồ sơ, giấy tờ vụ án mà cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát thu thập, cung cấp theo kiểu “án tại hồ sơ”, “án bỏ túi” mà xem nhẹ việc tranh luận tìm sự thật ngay tại phiên tòa.

Bởi vì, các chứng cứ thu được trước đó có thể do hành vi vi phạm pháp luật như bức cung, ép cung, nhục hình mà có.

Cần áp dụng triệt để nguyên tắc suy đoán vô tội. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật; người bị tình nghi, bị can, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh sự vô tội của mình, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Mọi nghi ngờ trong quá trình chứng minh tội phạm của người bị tình nghi, bị can, bị cáo nếu không được loại trừ theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định thì phải được giải thích có lợi cho người bị tình nghi, bị can, bị cáo.

Ngoài ra, phải cương quyết xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân để xảy ra oan sai, dù vô tình hay cố ý.

Điều này không những răn đe, phòng ngừa hành vi bức cung, ép cung, nhục hình hoặc cẩu thả, định kiến trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà còn góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng.

PHẠM VĂN CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên