11/01/2017 11:12 GMT+7

Tết né bia rượu, bài bạc để tránh phạm pháp

YẾN TRINH - yentrinh@tuoitre.com.vn
YẾN TRINH - yentrinh@tuoitre.com.vn

TTO - Dịp tết, người dân hay có thú vui uống rượu bia, đánh bài. Từ chỗ “vui là chính”, bia rượu, đánh bài quá đà dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc, thậm chí vi phạm pháp luật.

Ngày tết né bia rượu

Các chuyên gia pháp lý khuyến cáo người dân nên lưu ý khi uống rượu bia và đánh bài ngày tết. Chỉ riêng việc phạm tội khi say rượu, người vi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Rượu vào, “tội” ra

Việc sử dụng rượu bia trong các ngày tết được xem như thói quen của nhiều người Việt Nam, dịp lễ tết lại càng “xả láng” và khó từ chối khi họ hàng, bạn bè mời. Hành vi dễ mắc phải khi say rượu là gây rối trật tự công cộng.

Khi đó, người vi phạm với mức độ nhẹ có thể bị phạt vi phạm hành chính, nặng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo điều 245 Bộ luật hình sự (BLHS), với khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù.

Khi say rượu, đặc biệt là dịp lễ tết đông người, các “lưu linh” thường sinh ra cự cãi, nhẹ thì xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, nặng thì đánh nhau gây thương tích. Chưa kể hành vi điều khiển xe lạng lách, gây tai nạn giao thông khi có hơi men trong người.

Theo quy định tại điều 14 BLHS, người say rượu nếu phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Lê Trung Phát cho biết theo nghị định 46/2016 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, khi sử dụng rượu bia có nồng độ cồn quá quy định mà còn chạy xe trên đường, người vi phạm có thể bị xử phạt với số tiền 3-4 triệu đồng (đối với người chạy xe máy) hoặc 16-18 triệu đồng (đối với người lái ôtô).

Trong trường hợp chạy xe khi say rượu và gây tai nạn hoặc gây tai nạn rồi bỏ trốn, điều 202 BLHS quy định mức phạt tù 3-10 năm.

Đánh bài cho vui: bị phạt

Ngày tết, người dân cũng thường rủ nhau chơi đánh bài, tổ tôm, ai thua thì khao ăn uống hoặc chung tiền.

Theo các chuyên gia pháp lý, đánh bạc được hiểu là dùng các hình thức khác nhau nhằm ăn thua tiền hoặc hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, hoặc được cho phép nhưng thực hiện không đúng quy định trong giấy phép được cấp (nghị quyết 01/2010).

Hành vi này có thể bị xử phạt tội đánh bạc theo điều 248 BLHS và điều 6 nghị quyết 02/2003.

Với việc đánh bạc ăn thua bằng các chầu ăn uống với giá trị dưới 1 triệu đồng thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên thì có thể bị truy cứu với mức phạt 5-50 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Cần lưu ý là tiền hoặc hiện vật làm căn cứ truy cứu là tiền hoặc hiện vật nằm trên chiếu bạc, hoặc thu giữ được trong người các con bạc hoặc nơi khác mà có căn cứ xác định đã được dùng để đánh bạc.

Còn theo luật sư Huỳnh Văn Nông, điều 25 nghị định 167/2013 quy định các hành vi sau đây là đánh bạc: mua các số lô, số đề; các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tulơkhơ, tam cúc, ba cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền và hiện vật...

Khi đánh bạc trái phép và giá trị được thua dưới 2 triệu đồng, nhưng trước đó đã bị xử lý hành chính về hành vi đánh bạc trái phép thì có thể bị xử lý hình sự lên đến 7 năm tù.

Một số bạn đọc thắc mắc khi gia đình, bạn bè tổ chức đánh bài ăn tiền mệnh giá thấp nhưng công an địa phương phát hiện, phạt hành chính thì có đúng luật không.

Luật sư trả lời nếu số tiền hoặc hiện vật có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng vẫn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính 1-2 triệu đồng (quy định tại nghị định 167/2013).

Theo luật sư Nông, nếu có hành vi đánh bài hay hình thức khác tương tự trong gia đình, nhóm bạn bè mà không đặt chuyện thắng thua bằng tiền, hiện vật thì pháp luật không xem đó là hành vi đánh bạc.

Nghiêm cấm đốt pháo

Luật pháp hiện hành đã quy định rõ về việc cấm tàng trữ và đốt pháo, đặc biệt trong dịp lễ tết, nhưng người dân vẫn còn vi phạm. Một số người còn chủ quan cho rằng chỉ đốt một ít pháo cho “xôm tụ” thì không bị phạt và cũng không gây hậu quả gì.

Thực tế đã có một số vụ gây thương tích, cháy nổ xảy ra mà nguyên nhân do đốt pháo.

Điều 4 nghị định 36/2009 về quản lý, sử dụng pháo nghiêm cấm việc sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng các loại pháo nổ và pháo hoa, thuốc pháo. Ngay cả việc sử dụng vật liệu nổ để gây tiếng nổ thay pháo cũng bị nghiêm cấm.

Theo đó, hành vi sử dụng pháo có thể bị xử phạt hành chính, phạt tiền 1-2 triệu đồng và tịch thu tang vật. Còn đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép pháo và thuốc pháo có thể bị phạt 4-8 triệu đồng, tịch thu tang vật.

Trong trường hợp đốt pháo ở nơi công cộng, đông người hoặc đốt pháo ném vào người khác... có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.

Điều 245 BLHS quy định phạt tiền 1-10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm tùy mức độ và tình huống vi phạm. Nếu người đốt pháo rủ rê trẻ em hoặc nhiều người tham gia, hoặc đã bị xử lý về tội gây rối trật tự công cộng thì bị phạt tù 2-7 năm.

Các chuyên gia pháp lý cho biết người nào đốt pháo mà gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của người khác, người đốt pháo còn có thể bị truy cứu trách nhiệm về các hành vi như giết người, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản...

Còn với hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép pháo nổ, tùy số lượng pháo có thể chịu hình phạt cao nhất là chung thân.

Trong ngày tết, người dân có thể sử dụng pháo điện, pháo hoa bằng giấy, que phát sáng, các vật phát ánh sáng, màu sắc không gây tiếng nổ được phép dùng trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Say rượu lái xe bị phạt nặng

Theo luật sư Trương Xuân Tám, nếu say rượu, bia mà lái xe là vi phạm Luật giao thông đường bộ.

Nghị định 46 quy định về xử phạt đối với hành vi uống rượu, bia khi tham gia giao thông như sau: vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/1 lít khí thở bị phạt 2-3 triệu đồng, tước bằng lái xe 1-3 tháng.

Vượt quá 50mg - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg - 0,4mg/1 lít khí thở bị phạt 7-8 triệu đồng, tước bằng lái xe 3-5 tháng. Vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở bị phạt 16-18 triệu đồng, tước bằng lái xe 4-6 tháng.

Theo các chuyên gia về y tế, nếu ước lượng thông thường, chỉ cần uống một chén rượu mạnh hoặc nửa lít bia, lượng cồn trong máu có thể vượt quá mức 50mg/100ml máu (mức xử phạt theo nghị định 46).

Đối với việc trẻ em uống bia rượu, đánh bài trong ngày tết, các chuyên gia pháp lý cho biết trẻ đủ 16 tuổi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đánh bài với số tiền hoặc hiện vật từ 10 triệu đồng trở lên.

YẾN TRINH - yentrinh@tuoitre.com.vn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên