16/12/2016 16:41 GMT+7

Lạm dụng, tùy tiện tách vụ án có thể bỏ lọt tội phạm?

PHẠM VĂN CHUNG
PHẠM VĂN CHUNG

TTO - Nhiều trường hợp cơ quan tố tụng lạm dụng việc tách vụ án đã dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc vụ án bị “chìm xuồng”.

Theo quy định pháp luật, cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong những trường hợp thật cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.

Ví dụ như chưa bắt được một trong số các bị can trong cùng vụ án hình sự thì cơ quan điều tra có thể tách vụ để điều tra sau.

Tuy nhiên, do quy định về điều kiện tách vụ án khá đơn giản, chung chung, chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến tình trạng lạm dụng quy định này để tách các vụ án thành nhiều vụ án khác nhau nhằm kéo dài việc giải quyết và có nguy cơ bỏ lọt tội phạm.

Đây là nguyên nhân làm cho nhiều vụ việc bị chia nhỏ và việc giải quyết các vụ án bị kéo dài ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của những người có liên quan.

Đối với các vụ án hình sự, điều kiện để tách vụ án hình sự để điều tra thì cơ quan điều tra cần đảm bảo đồng thời các điều kiện sau: không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả tội phạm; việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy định này còn chung chung, chưa rõ ràng. Trong khi đó, các văn bản dưới luật chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc hiểu và áp dụng pháp luật của các cơ quan tư pháp không thống nhất với nhau.

Vấn đề tách vụ án hình sự được quy định bằng những thuật ngữ chung chung như “thật cần thiết”, “không ảnh hưởng”... gây hiểu nhầm và không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng tùy tiện, tùy thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan điều tra.

Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần quy định theo hướng hạn chế tối đa việc tách vụ án ra xét xử.

Theo đó, chỉ những trường hợp đặc biệt mới tách vụ án thành nhiều vụ án khác, còn lại các cơ quan liên quan phải có trách nhiệm giải quyết toàn bộ, triệt để đối với mọi vấn đề có liên quan đến vụ án.

Trong vụ án hình sự cần quy định liệt kê đối với các trường hợp được tách vụ án để điều tra, truy tố, xét xử; đối với vụ án dân sự, tòa án cần hướng dẫn cụ thể, chi tiết về quyền được yêu cầu của đương sự đối với tất cả nội dung liên quan đến vụ án, chỉ tách vụ án khi các bên liên quan tự nguyện yêu cầu giải quyết bằng vụ án khác.

Nhiều trường hợp cơ quan tố tụng lạm dụng việc tách vụ án đã dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc vụ án bị “chìm xuồng”.

Đó là trường hợp không bắt được nghi can do bỏ trốn quá lâu và dư luận cũng dần lãng quên, ít quan tâm, chú ý đến vụ án nữa, thêm vào đó là thực tế vụ án đã được đưa ra xét xử và một số bị can đã chịu trừng phạt.

Mặc dù trên thực tế, người dân có thể không biết rằng có những nghi phạm có liên quan đến vụ án chưa bị đưa ra truy tố, xét xử.

PHẠM VĂN CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên