30/11/2016 08:14 GMT+7

Phải đảm bảo quyền tốt nhất cho trẻ!

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc chưa thể giải quyết ngay lập tức được, nhưng Tòa gia đình và người chưa thành niên (GĐ&NCTN) của TAND TP.HCM đã có rất nhiều điểm đáng ghi nhận.

Đó là khẳng định của bà Ung Thị Xuân Hương, chánh án TAND TP.HCM, tại buổi tổng kết 6 tháng hoạt động của Tòa GĐ&NCTN do TAND tối cao thực hiện ngày 29-11.

Chủ yếu tuyên án treo

Sáu tháng qua, Tòa GĐ&NCTN được phân công xét xử 95 vụ án hình sự với 152 bị cáo thì tòa đã giải quyết 74 vụ.

Theo bà Hương, trong công tác xét xử, tòa này đã luôn đảm bảo lợi ích tốt nhất cho việc xử lý người chưa thành niên phạm tội và mục đích chủ yếu là giáo dục, răn đe và giúp đỡ họ trở thành công dân có ích cho xã hội.

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và căn cứ nhiều vào đặc điểm nhân thân của họ và tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Hình phạt tù áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội cũng nhẹ hơn người đã thành niên phạm tội tương ứng. Cụ thể, trong số 11 bị cáo là người chưa thành niên phạm tội bị xét xử thì phần lớn áp dụng hình phạt là án treo.

Bà Hương cũng dẫn chứng vụ 2 thiếu niên cướp bánh mì là Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn, dù án sơ thẩm tuyên có án tù nhưng bản án phúc thẩm của tòa này đều tuyên các bị cáo án treo.

Đặc biệt, trong một số vụ án xâm hại tình dục trẻ em thì Tòa GĐ&NCTN đã xem xét toàn diện tác động của hành vi phạm tội của bị cáo đối với tâm lý, sức khỏe người chưa thành niên để xét xử nghiêm minh, đúng người đúng tội.

Cần hoàn thiện hơn nữa

Là người gắn bó với mô hình Tòa GĐ&NCTN, trung tướng Trần Văn Độ, nguyên phó chánh án TAND tối cao, đánh giá cao những nỗ lực mà Tòa GĐ&NCTN đạt được trong 6 tháng qua. Tuy nhiên, ông Độ cũng cho rằng việc chưa có hội đồng tư vấn trong các vấn đề GĐ&NCTN thì chưa ổn.

“Tòa đã có phòng xử thân thiện, phòng dành cho bị hại, phòng chơi dành cho trẻ em nhưng trong việc xét xử án ly hôn, thẩm phán sang phòng riêng để hỏi bé ở với bố hay mẹ thì không thể đảm bảo được chính xác những điều kiện tốt nhất cho trẻ.

Bởi có những trẻ rất yêu quý bố, nhưng hôm qua bố mắng cho mấy câu là hôm nay nói không thích bố nữa. Do đó cần có chuyên gia theo dõi tiếp xúc, tìm hiểu và đánh giá những gì cần thiết cho trẻ thì mới đưa ra được những quyết định trên cơ sở quyền lợi của đứa bé” - ông Độ nói.

Nhiều ý kiến cho rằng muốn hoàn thiện mô hình Tòa GĐ&NCTN cần xây dựng mạng lưới thẩm phán về hôn nhân và gia đình người chưa thành niên ở hai cấp tòa quận, huyện và tỉnh, thành phố, cũng như có những hoạt động chia sẻ kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ. Hay như cần có sự đồng bộ trong các quá trình tố tụng từ cơ quan điều tra đến viện kiểm sát.

Bà Nguyễn Thúy Hiền, phó chánh án TAND tối cao, tiếp thu các ý kiến này và cho rằng thậm chí vấn đề đào tạo về luật trong các trường hiện nay cũng cần có môn chuyên sâu về GĐ&NCTN.

Bà Ung Thị Xuân Hương thừa nhận dù đã có quy định về việc phải có hội đồng tư vấn giải quyết các vấn đề GĐ&NCTN, nhưng tòa vẫn chưa thực hiện được vì chưa có cơ chế phối hợp giữa tòa án và các cơ quan đơn vị, tổ chức chính trị xã hội khác.

Do đó, việc đánh giá tâm lý trong những vụ án này đều do những người có thẩm quyền tố tụng xem xét, tìm hiểu.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên