25/11/2016 12:15 GMT+7

Chiếm đoạt tài sản, tại sao khó xử?

YẾN TRINH (yentrinh@tuoitre.com.vn)
YẾN TRINH (yentrinh@tuoitre.com.vn)

TTO - Vụ việc có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng thay vì khởi tố, cơ quan điều tra và Viện KSND TP Cần Thơ lại giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Một vụ án hình sự liên quan nhiều hành vi sai phạm, trong đó có trách nhiệm và sự tiếp tay của một số cán bộ chính quyền, công chứng viên “giúp sức” cho đối tượng công nhiên chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, vụ việc đã không được xử lý theo đúng pháp luật.

Khu nhà và đất hai mặt tiền số 42-44, 50-52 Hòa Bình và số 1-3-5-7-9-11 Đề Thám, P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ có nguồn gốc thuộc quyền sở hữu và quyền sử dụng hợp pháp của ông Phan Mậu và bà Vương Tịnh (quê Cần Thơ).

Sau khi ông Phan Mậu qua đời (không để lại di chúc), toàn bộ nhà, đất nêu trên được bà Vương Tịnh và các đồng thừa kế thống nhất ủy quyền, được chính quyền chứng thực vào năm 1978 để ông Phan Xường (ngụ Cần Thơ) là một trong những người con được quản lý và đứng tên.

Tạo dựng hồ sơ giả

Năm 2003, ông Phan Xường cùng các con đã tự ý ký hợp đồng bán nhà và chuyển nhượng phần diện tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy chứng nhận) nói trên cho bà Huỳnh Thị Út Lan.

Trước đó, ông Xường đã biến căn nhà nêu trên thành tài sản riêng của bà Nguyễn Thị Hảo (vợ ông Xường, đã chết), lập thủ tục khai nhận thừa kế để được cấp giấy chứng nhận, hoàn tất thủ tục, chuyển nhượng trái pháp luật cho bà Huỳnh Thị Út Lan vào năm 2005.

Sau khi nhận được đơn tố cáo của các đồng thừa kế, Cơ quan điều tra Công an TP Cần Thơ đã vào cuộc, chứng minh và kết luận việc mua bán nhà, đất giữa bà Lan và ông Phan Xường vi phạm pháp luật, ông Phan Xường có dấu hiệu của tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Một số cá nhân, cán bộ có trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan công chứng có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên thay vì khởi tố vụ án hình sự, cơ quan điều tra và Viện KSND TP Cần Thơ lại thống nhất chuyển cho TAND TP Cần Thơ giải quyết vụ việc theo thủ tục tố tụng dân sự.

Dân sự hóa hành vi vi phạm pháp luật

Điều đáng nói là trong hồ sơ thể hiện bà Huỳnh Thị Út Lan biết rõ và chủ động thực hiện giao dịch trái pháp luật ngay từ năm 2003 khi tình trạng pháp lý của tài sản chưa hợp pháp, sau đó trực tiếp thanh toán khoản tiền lên tới 24 tỉ đồng.

Bà Lan cũng chứng kiến việc gia đình ông Xường thỏa thuận phân chia số tiền chuyển nhượng vào ngày 1-3-2005.

Sau đó lấy tư cách là chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Gia Đạt, bà Lan gửi tờ trình đến UBND TP Cần Thơ xin đầu tư “Dự án xây dựng cao ốc văn phòng và căn hộ” tại khu nhà và đất nêu trên.

Tất cả những việc này đều diễn ra trước khi ông Xường được cấp giấy chứng nhận, sau đó hai bên mới chính thức ký hợp đồng chuyển nhượng ngày 26-5-2005.

Cơ quan điều tra Công an TP Cần Thơ khẳng định việc chuyển nhượng giữa bà Lan và ông Phan Xường vi phạm pháp luật và bà Lan hoàn toàn không phải là người mua ngay tình.

Xâu chuỗi một loạt hành vi sai phạm liên quan việc cấp giấy chứng nhận đến việc ông Xường giả mạo kê khai di sản thừa kế, đơn phương chuyển nhượng cho bà Lan... cho thấy những bất thường trong quá trình giải quyết và xử lý của các cơ quan có thẩm quyền.

Mặc dù có rất nhiều khiếu nại, tố cáo của các đồng thừa kế yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm pháp luật nêu trên, nhưng vụ án dân sự không được tạm đình chỉ để chờ kết quả giải quyết vụ án hình sự.

Bản án dân sự sơ thẩm ngày 11-9-2009 của TAND TP Cần Thơ và bản án phúc thẩm ngày 28-4-2010 của TAND tối cao tại TP.HCM đã công nhận quan hệ chuyển nhượng trái pháp luật giữa ông Xường và bà Lan.

Khối di sản của các đồng thừa kế trị giá cả trăm tỉ đồng bỗng chốc như “con voi chui lọt lỗ kim”, các hành vi vi phạm pháp luật hình sự đã được “dân sự hóa”.

Bà Lan sau khi được công nhận việc chuyển nhượng đã sử dụng giấy tờ được hợp thức trái pháp luật đem thế chấp để vay tiền tại ngân hàng, nay tiếp tục chuyển nhượng cho người thứ ba.

Vẫn xử lý như thường

Sau phán quyết trên, các đồng thừa kế đã có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, kêu cứu đến lãnh đạo các cấp yêu cầu các cơ quan tố tụng điều tra, làm rõ những sai phạm nêu trên.

Từ tháng 6-2010, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao vào cuộc, xác minh, điều tra các dấu hiệu tội phạm liên quan đến một số cá nhân trong cơ quan hành chính và những dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp.

Đến ngày 24-9-2012, Viện KSND tối cao đã ban hành quyết định khởi tố vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, chuyển Công an TP Cần Thơ điều tra theo thẩm quyền.

Để có căn cứ giải quyết dứt điểm vụ án, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã đề nghị TAND tối cao và Vụ 5 Viện KSND tối cao xem xét kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm dân sự để cơ quan điều tra giải quyết về hình sự.

Tuy nhiên đến tháng 3-2015, các đồng thừa kế được Viện KSND tối cao thông báo: Sau khi tiến hành điều tra, xác minh nhưng không thể làm việc và tiến hành các thủ tục tố tụng được vì ông Xường bị bệnh nặng, sau đó đã chết.

Ngày 10-7-2013 Cơ quan điều tra Công an TP Cần Thơ đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự. Riêng vi phạm của một số cán bộ có liên quan thực hiện các quy trình cấp giấy chứng nhận chỉ bị “đề nghị” xử lý hành chính...

Theo luật sư Phan Trung Hoài (phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN), đây là một vụ án hình sự liên quan đến nhiều hành vi sai phạm, trong đó có trách nhiệm trực tiếp của người nhận chuyển nhượng trái pháp luật và sự tiếp tay của một số cán bộ chính quyền, công chứng viên.

Cơ quan điều tra Công an TP Cần Thơ không thể viện dẫn lý do ông Xường bị bệnh chết để đình chỉ toàn bộ vụ án, mà vẫn có thể xử lý trách nhiệm hình sự những người liên quan.

Tòa dân sự TAND tối cao lấy lý do Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao và các đồng thừa kế “không xuất trình được tài liệu chứng cứ gì mới làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án phúc thẩm” nên không kháng nghị tái thẩm là chưa bảo đảm căn cứ.

Yêu cầu hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra

Những người đồng thừa kế có thể đề nghị Viện KSND tối cao, Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C44) hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra nói trên của Công an TP Cần Thơ, khôi phục điều tra vụ án, làm rõ vai trò của bà Huỳnh Thị Út Lan, trách nhiệm của một số cán bộ chính quyền địa phương và công chứng viên.

Đồng thời kiến nghị chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao ban hành kháng nghị hủy toàn bộ hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm dân sự sai trái nêu trên để có căn cứ xử lý hình sự.

Luật sư Phan Trung Hoài (phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN)

YẾN TRINH (yentrinh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên