18/09/2016 10:44 GMT+7

Bị phát lệnh truy nã vì đi chữa bệnh?

LÂM HOÀI - TRUNG TÂN
LÂM HOÀI - TRUNG TÂN

TTO - Bị cáo (được tại ngoại) cho rằng mình bệnh nặng, xin hoãn xử phúc thẩm để điều trị nhưng lại bị cơ quan điều tra ra lệnh truy nã. Trong khi đó, phía tòa án khẳng định làm vậy là đúng luật.

Gặp chúng tôi tại Bệnh viện Tim Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hồng (45 tuổi, giám đốc một doanh nghiệp ở TP Cam Ranh, Khánh Hòa) cho biết mình bị TAND TP Nha Trang (Khánh Hòa) tuyên phạt 15 tháng tù giam và đang kháng cáo kêu oan...

Theo bà Hồng, trong quá trình xét xử phúc thẩm, vì phải đi chữa bệnh nên bà xin hoãn xử nhiều lần và đều có thông báo địa chỉ chữa bệnh cho tòa án. Ngày 5-8, bà Hồng được gia đình đưa vào nhập viện điều trị tại Bệnh viện Tim Hà Nội.

Đến ngày 10-8, bà Hồng gửi đơn cho TAND tỉnh Khánh Hòa kèm theo giấy xác nhận nhập viện của bệnh viện để thông báo về tình trạng sức khỏe và địa điểm đang điều trị bệnh.

Tuy nhiên ngày 16-8, TAND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bà Hồng vì “xét thấy bị cáo trốn tránh việc xét xử, hiện không biết bị cáo ở đâu”.

Trong quyết định này, TAND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu cơ quan điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa phát lệnh truy nã đối với bà Hồng.

“Nhiều lần thư ký tòa liên lạc và biết rõ việc tôi đi chữa bệnh, có địa chỉ rõ ràng nhưng tòa vẫn yêu cầu công an truy nã là không khách quan” - bà Hồng nói.

Theo một lãnh đạo TAND tỉnh Khánh Hòa, tòa mở đến tám phiên tòa nhưng bà Hồng không có mặt, phải tạm hoãn. Mỗi lần tòa triệu tập hay mở phiên tòa bà Hồng lấy lý do bệnh xin hoãn. Ngay phiên sơ thẩm, TAND TP Nha Trang phải mở đến phiên thứ chín mới đưa ra xét xử được.

“Sau tám lần tạm hoãn, chúng tôi đề nghị công an tiến hành áp giải thì bà Hồng vắng mặt tại địa phương. Ở các nơi ở khác mà bà Hồng khai báo, công an đến cũng không thấy” - vị này nói.

Về việc bà Hồng nói đã thông báo đang điều trị tại Bệnh viện Tim Hà Nội nhưng vẫn bị truy nã, vị này cho biết “đó là việc sau này, khi đã có lệnh truy nã mới có đơn”.

“Theo Bộ luật tố tụng hình sự, khi bị can, bị cáo được tại ngoại rời khỏi nơi cư trú phải báo và khi triệu tập phải trình diện. Khi tòa gửi giấy triệu tập bà Hồng đều biết và xin hoãn, còn khi công an đến áp giải thì lại không có mặt tại địa phương” - vị này nói.

Về việc bị cáo đang bệnh, xin hoãn tòa được không, lãnh đạo tòa án nói phải xác định có bệnh thật hay không, mức độ đến đâu.

“Suốt hai phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm triệu tập 16-17 lần để xét xử nhưng bà Hồng không có mặt. Bị cáo không có mặt thì buộc phải ra quyết đinh áp giải, không được nữa thì buộc phải truy nã. Luật tố tụng hình sự quy định rồi” - vị này thông tin.

Trả lời câu hỏi nếu đã biết được nơi bà Hồng chữa bệnh thì có cần thiết phải truy nã nữa không, vị này nói “đó là việc của bên công an”.

Việc cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bà Hồng theo yêu cầu của TAND tỉnh là đúng quy định. Nếu tòa sơ thẩm đã xét xử và cơ quan thi hành án chưa có quyết định thi hành án mà cơ quan công an ra quyết định truy nã là trái thẩm quyền.

Tuy nhiên nếu cơ quan công an ra lệnh truy nã theo yêu cầu của TAND tỉnh Khánh Hòa thì không sai.

Luật sư Tạ Quang Tòng

(phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Đắk Lắk)

LÂM HOÀI - TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên