11/09/2016 14:39 GMT+7

Chuyện hai người con

MINH TÂM (minhtam@tuoitre.com.vn)
MINH TÂM (minhtam@tuoitre.com.vn)

TTO - Một người được mẹ lo cho ăn học nhưng lạc lối với đích đến là chốn lao tù. Một người vất vả mưu sinh, chăm sóc mẹ bị bệnh nặng nhưng vẫn biết vượt qua nghịch cảnh, bước vào con đường tươi sáng…

“Mẹ lo cho con ăn học nhưng con không chịu, lại đi hút chích, trộm cắp. Giờ cuộc đời ra nông nỗi vầy, con ơi!

Bà H. (mẹ bị cáo Sơn) nói trong nước mắt

Hai người con trong hai câu chuyện dưới đây ở hai thái cực trái ngược nhau. 

Người phụ nữ tên H. (50 tuổi) ngồi trên băng ghế tòa án có khuôn mặt hiền lành với đôi bàn tay chai sần, hết nắm lại xoa vào nhau đến đưa lên miết trên trán.

Tôi đến bắt chuyện, nét căng thẳng trên gương mặt bà từ từ giãn ra nhưng không giấu hết sự muộn phiền. Bà nói lòng bà đang bấn loạn, rối bời bởi con không nghe lời dạy bảo của bà, sống buông thả để rồi cứ liên tục gây án. Câu chuyện kể đến đây bị gián đoạn khi xe tù trờ đến...

Đốt cháy tương lai

Tòa bắt đầu phiên xử. Theo cáo trạng, chị N.T.A. đang đậu xe ven đường thì bị Lê Thành Sơn (20 tuổi) chạy đến giật túi xách. Chị A. kêu cứu, người dân đuổi theo và bắt được Sơn... TAND TP Vĩnh Long đưa Sơn ra xét xử về tội “cướp giật tài sản”.

Tại tòa, bị cáo Sơn cứ lặp đi lặp lại: “Bị cáo hối hận lắm rồi, mẹ bị cáo đang bị bệnh, xin tòa giảm nhẹ tội để bị cáo sớm ra tù phụng dưỡng mẹ”. Chủ tọa: “Lần trước bị cáo cũng nói hối hận, xin được giảm án để làm lại cuộc đời, nhưng rồi vẫn chứng nào tật nấy. Mẹ bị cáo lại mang bệnh. Lý ra ở độ tuổi này bị cáo phải phụ giúp mẹ, sống có ý nghĩa. Đằng này...”.

Giờ nghị án, mẹ bị cáo tâm sự với tôi rằng Sơn là con trai độc nhất của bà. Cha Sơn bỏ đi khi Sơn vừa lọt lòng. Sợ con thua thiệt, người mẹ đầu tắt mặt tối buôn thúng bán bưng lo cho con ăn học. Đến năm lớp 10, Sơn bỏ học rồi tụ tập bạn bè nhậu nhẹt, quậy phá. Mặc cho bà khuyên can nhưng con bỏ ngoài tai.

Rồi trong một lần say xỉn, con dùng dao đâm người và bị phạt 2 năm tù. Ra tù thấy con thay đổi tâm tính, biết phụ mẹ buôn bán nên bà như trẻ lại vài tuổi. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, con lại tập tành hút chích, vật vã với cơn nghiện. Có những ngày con đi không về, bà bỏ chuyện buôn bán đi tìm con.

Bà chết điếng khi biết con nghiện ma túy nặng. Đồ đạc trong nhà không cánh mà bay. Tất cả tiền bạc chắt chiu gần cả đời của bà đều bị con đốt sạch. Sự phiền muộn, lo sợ khiến người mẹ ngày càng tiều tụy, bệnh tim mạch ngày càng nặng hơn.

Đã mấy lần bà kiên trì đưa con đi cai nghiện nhưng đều thất bại. Ra khỏi trại chẳng bao lâu, đám bạn xấu lại kéo đến, nỗi cám dỗ lại dâng lên, Sơn lại rơi vào những cơn say thuốc triền miên. Để có tiền hút chích, Sơn đi cướp giật tài sản...

Tòa tuyên phạt bị cáo 2 năm tù. Người mẹ run rẩy rồi té xỉu. Người ta dìu bà ra ngoài hô hấp một hồi mới tỉnh.

Chứng kiến cảnh đó, nhiều người dự khán thấy tiếc cho Sơn đã để tuổi thanh xuân trôi nhanh trong vô nghĩa với những năm tháng sống hoài sống phí, để rồi phải ngồi trong song sắt trả giá cho hành động của mình, gây khổ lụy cho người thân...

Người con hiếu thảo

Đứng ngọ, nắng như đổ lửa khiến ngôi nhà nóng hầm hập. Khi tôi đến, Lê Phúc Lâm đang chăm sóc mẹ đang lên cơn động kinh. Lâm nói nhỏ nhẹ như dỗ dành một đứa trẻ khi đưa khăn bảo mẹ khạc hết đàm ra.

Đợi khi mẹ qua cơn ho, Lâm đặt mẹ nằm xuống, lấy khăn lau mặt, lau tay cho mẹ. Kế đó, Lâm lấy thuốc để mẹ uống. Hồi lâu, gương mặt bà từ từ giãn ra khi chìm vào giấc ngủ...

“Mấy hôm nay trời nắng nóng, mẹ hay lên cơn động kinh nên em phải túc trực cạnh mẹ để chăm sóc kịp thời, nếu không rất nguy hiểm vì mẹ không ý thức được...” - Lâm tâm sự.

Lê Phúc Lâm sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê hẻo lánh ở ấp Quang Huy, xã Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Người cha bỏ rơi con khi Lâm đang nằm trong bụng mẹ.

Mẹ Lâm bị bệnh tâm thần, lại vướng thêm chứng động kinh nên sống phụ thuộc vào công việc làm thuê bấp bênh của bà ngoại. Ý thức về hoàn cảnh gia đình, Lâm cố gắng học với ước mong sau này có nghề nghiệp ổn định để lo cho ngoại và mẹ.

Năm lớp 9, thử thách càng khắc nghiệt hơn khi bệnh viêm khớp hành ngoại đau nhức khiến ngoại không thể làm thuê được. Vậy là cậu học trò 15 tuổi trở thành trụ cột gia đình. Đến mùa vụ, Lâm làm cỏ, gặt lúa thuê...

Tiền công quy ra lúa, ra gạo cho cả nhà đắp đổi qua ngày. Ngày nông nhàn, Lâm cùng ngoại lột hột điều thuê, mỗi ngày kiếm 15.000 đồng. Rảnh tay, em đi ruộng mò cua, bắt ốc...

Đến năm lớp 10, bệnh của mẹ ngày càng nặng. Bà lên cơn động kinh nhiều hơn, nhất là những lúc trời nắng gắt, thường chạy sảng ra đường. Sau buổi học, Lâm quáng quàng tìm mẹ. Mấy bận em phải lặn lội vài ba ngày mới gặp. Thấy mẹ phờ phạc, mặt tái xanh vì đói, Lâm bật khóc.

Rồi cũng có đôi lần tỉnh táo hiếm hoi trong cơn mê dài, người mẹ cứ ôm con mà khóc: “Tội nghiệp con. Mẹ không muốn mình điên khùng như vậy đâu...”.

Lâm càng thương mẹ hơn nên càng dốc hết sức vào chuyện học bằng cách lên kế hoạch phân chia quỹ thời gian hợp lý: sáng học ở trường, chiều về lột hột điều, chăm sóc mẹ, tối ngồi vào bàn học tới tận nửa đêm...

Cứ vậy, chàng trai miệt mài đánh vật với khó khăn, nghịch cảnh, kiên trì đeo đuổi lộ trình đã vạch sẵn. Trong kỳ thi vừa qua, mọi nỗ lực của cậu đã được đền đáp xứng đáng khi Lâm đậu vào Đại học Tây Đô ngành công nghệ thông tin.

Chàng tân sinh viên 18 tuổi đưa ra kế hoạch tương lai đời mình: “Lên Cần Thơ, em sẽ ráng đi làm thêm để tự lo cho bản thân. Mai mốt ra trường em sẽ đi xin việc làm kiếm tiền lo cho bản thân, phụng dưỡng mẹ và ngoại...”.

“Hoàn cảnh Lâm rất đáng thương nhưng ý chí, nghị lực vươn lên của em rất mãnh liệt. Vừa mưu sinh vừa lo chăm sóc mẹ, nhưng học lực em luôn ở mức khá giỏi...

Cô Tân Thị Thu Oanh (giáo viên chủ nhiệm Trường THPT Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long)
MINH TÂM (minhtam@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên