01/06/2016 14:29 GMT+7

Phá đường dây tiêu thụ tiền giả do người Trung Quốc cung cấp

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Ngày 1-6, công an tỉnh Quảng Nam cho biết vừa bắt 7 người trong đường dây tàng trữ, tiêu thụ tiền giả quy mô lớn trên nhiều tỉnh, thành với số lượng tiền giả tiêu thụ hơn 1.100 tờ.

Các đối tượng trong đường dây tiêu thụ tiền giả bị bắt
Các đối tượng trong đường dây tiêu thụ tiền giả bị bắt

Theo đại tá Dương Tấn Bộ - Trưởng phòng an ninh điều tra công an tỉnh Quảng Nam, đầu tháng 5-2016, Đào Văn Cần (27 tuổi, trú xã Đào Xá, huyện Phú Bình, Thái Nguyên) lên huyện EaH`Leo (Đắk Lắk) để tìm việc làm.

Tại đây Cần gặp một người tên Nguyễn Văn Tuân (35 tuổi, cùng trú xã Đào Xá) và rủ người này tiêu thụ tiền giả.

Hai người này gặp Nguyễn Văn Hòa (48 tuổi, quê Bắc Ninh) để lấy 20 triệu đồng (gồm 100 tờ mệnh giá 200.000 đồng tiền giả) đi tiêu thụ tại Đắk Lắk. Sau đó Cần tiếp tục nhận của Hòa 20 triệu đồng tiền giả và rủ anh ruột là Đào Văn Ninh (35 tuổi, trú xã Đào Xá) tiêu thụ tại Quảng Nam.

Ngày 14-5, hai anh em Cần đến một chợ ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam tiêu thụ. Trên cơ sở tố giác của người dân, công an huyện Thăng Bình đã bắt và khám xét Cần và Ninh, thu giữ tổng cộng 102 tờ tiền giả mệnh giá 200.000 đồng.

Nhận định đây là đường dây tàng trữ, lưu hành tiền giả rất lớn, công an tỉnh Quảng Nam tiếp tục điều tra mở rộng.

Ngày 18-5, tại thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông, cơ quan điều tra bắt khẩn cấp Hòa khi đi cùng Đinh Thị Tuyết (32 tuổi, trú huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) tiêu thụ tiền giả.

Khám xét nơi ở của Hòa, công an thu giữ 33 tờ tiền giả. Hòa khai nhận mua 100 triệu đồng tiền giả từ Chu Thị Oanh (47 tuổi, quê ở Cao Bằng).

Cơ quan điều tra tiếp tục đã bắt khẩn cấp Tuân khi đi cùng Nguyễn Thị Nguyệt (34 tuổi, trú huyện Phú Bình, Thái Nguyên) tiêu thụ tiền giả. Khám xét người Tuân, thu giữ 19 tờ tiền giả mệnh giá 200.000 đồng.

Đến ngày 19-5, cơ quan điều tra bắt thêm  Chu Thị Oanh khi đang trên đường từ Cao Bằng vào tỉnh Đắk Nông để tiêu thụ tiền giả.

Khám xét người Oanh, công an phát hiện và thu giữ 200 triệu đồng tiền polymer mệnh giá 200.000 đồng giả.

Oanh khai số tiền trên mua của A Mỉng (người Trung Quốc) với giá 25 triệu đồng. A Mỉng mang số tiền trên bằng đường tiểu ngạch từ Trung Quốc sang giao cho Oanh tại Cao Bằng.

Áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra xác định được A Mỉng, tuy nhiên, do đối tượng đang sống tại Trung Quốc nên đến nay vẫn chưa xác định được lai lịch.

Theo đại tá Huỳnh Trung Nguyên - phó giám đốc công an tỉnh Quảng Nam, đây là đường dây tàng trữ, lưu hành tiền giả rất lớn, đối tượng tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành khác nhau và đầu mối cung cấp chính là người Trung Quốc.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên