16/09/2015 18:16 GMT+7

Được trả lại gần 1.500 cổ vật sau 12 năm đi kiện

HỮU KHÁ - TẤN VŨ
HỮU KHÁ - TẤN VŨ

TTO - Sau 12 năm bán hết tài sản làm lộ phí đi kiện, sáng 16-9, cơ quan chức năng tình Quảng Nam đã trả lại 1.457 cổ vật cho ông Nguyễn Mười sau khi xác định không có căn cứ giữ số cổ vật này.

Ông Nguyễn Mười đã gửi cả ngàn lá đơn đòi lại số cổ vật quý giá của mình trong hơn 11 năm qua - Ảnh chụp 7-2014: Tiến Long
Ông Nguyễn Mười đã gửi cả ngàn lá đơn đòi lại số cổ vật quý giá của mình trong 12 năm qua - Ảnh: Tiến Long

Sáng 16-9, đại diện công an, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan đã tiến hành trả lại 1.457 cổ vật cho ông Nguyễn Mười (59 tuổi, trú tại Q.1, TP.HCM) sau hơn 12 năm tạm giữ vì không có căn cứ để xử lý tội “Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm”.

Trước đó, như Tuổi Trẻ đã nhiều lần phản ánh, ngày 15-8-2003, khi ông Nguyễn Mười đang vận chuyển 33 cổ vật của ngư dân trên biển thì bị công an tỉnh Quảng Nam bắt giữ tại địa bàn TP Đà Nẵng. Sau đó, theo cơ quan công an, ông Mười tiếp tục giao nộp thêm 27 thùng cactông chứa cổ vật khác đang để tại nhà ở TP Đà Nẵng.

Sự việc không dừng lại, cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh Quảng Nam ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Mười về tội danh “tàng trữ, vận chuyển hàng cấm”.

Ít lâu sau, công an Quảng Nam chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh Quảng Nam đề nghị truy tố ông Mười theo tội danh trên.

Tuy nhiên, ngày 16-8-2004, viện KSND tỉnh Quảng Nam ra quyết định đình chỉ vụ án, miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Mười.

Viện kiểm sát cho rằng hành vi của ông Mười không nhất thiết cần phải xử lý hình sự mà chỉ xử lý bằng biện pháp hành chính là thỏa đáng.

Không đồng tình với quan điểm của Viện KSND, công an tỉnh Quảng Nam có văn bản gửi chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam xác định số cổ vật trong 27 thùng cactông là tài sản quốc gia, không thể trả lại cho ông Mười.

Vụ việc lùm xùm cho đến năm 2010, UBND tỉnh Quảng Nam mới có quyết định thành lập hội đồng định giá, xác định giá trị bằng tiền đối với số cổ vật nói trên.

Kết quả giám định đối với 1.457 cổ vật là hơn 1,6 tỉ đồng. UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng cổ vật có giá trị lớn, không thuộc thẩm quyền xử lý hành chính của UBND tỉnh mà phải được xử lý bằng pháp luật hình sự, xử lý hành chính không đúng quy định pháp luật trong lĩnh vực hàng cấm.

UBND tỉnh Quảng Nam chuyển vụ việc đến Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam. Vụ việc sau đó rơi vào thế bế tắc, các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Mãi đến tháng 8-2015, sau hàng loạt cuộc họp UBND tỉnh Quảng Nam mới có kết luận đề nghị công an, viện kiểm sát và các cơ quan chức năng phối hợp trao trả 1.457 cổ vật cho ông Mười vì không có căn cứ xử lý.

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam xác định, trong tổng số 1.573 cổ vật tịch thu của ông Mười từ năm 2003, có 56 cái không phải cổ vật nên đã trao trả trước đó. 33 cái bị bắt quả tang và 27 cái được xác định ông này thu mua từ sau ngày 1-7-2000, khi Bộ luật hình sự quy định về tội Tàng trữ và vận chuyển hàng cấm đã có hiệu lực nên tịch thu sung công quỹ.

Có mặt tại buổi trao trả, ông Mười cho biết ông theo đuổi vụ việc suốt 12 năm qua. Gia đình ông bán hết tài sản để làm lộ phí đi kiện, gửi cả ngàn lá đơn đòi lại số cổ vật quý giá của mình, nhưng sau đó, các cơ quan tố tụng “đá” trách nhiệm cho nhau nay mới chịu giải quyết. Ông Mười lo lắng về chất lượng số cổ vật sau hơn 12 năm bị tịch thu, bảo quản không tốt.

HỮU KHÁ - TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên