26/08/2015 17:58 GMT+7

Trả hồ sơ điều tra lại vụ bảo kê bến xe Miền Đông

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Sau một ngày làm việc, chiều 26-8, HĐXX TAND TP.HCM đã quyết định trả hồ sơ điều tra lại bởi còn nhiều việc mâu thuẫn chưa được làm rõ.

Bị cáo Nguyễn Trọng Ngôn bị dẫn giải sau phiên tòa - Ảnh: Hoàng Điệp
Bị cáo Nguyễn Trọng Ngôn bị dẫn giải sau phiên tòa - Ảnh: Hoàng Điệp

Trước đó, 8 bị cáo đã bị đại diện Viện KSND TP.HCM đề nghị các mức án từ 3 đến 13 năm tù cho các tội cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản.

Bị truy tố là bị cáo chủ mưu, cầm đầu trong cả hai tội danh cố ý gây thương tích và cưỡng đoạt tài sản. Tại tòa, bị cáo Nguyễn Trọng Ngôn cho rằng mình không phạm cả hai tội trên, và cho rằng kết luận của cơ quan điều tra và cáo trạng của VKS đã truy tố oan cho bị cáo. Sở dĩ tại cơ quan điều tra Ngôn nhận tội là bởi bị điều tra viên đánh.

Đây cũng là ý kiến của luật sư bào chữa cho bị cáo Ngôn, bởi luật sư cho rằng giữa đơn tố cáo của bị hại, lời khai của nhân chứng có trong hồ sơ, lời khai của các bị cáo còn nhiều mâu thuẫn.

Ví dụ, cáo trạng nêu ngày 23-7-2010, ông Lê Đức Lợi ở quận Gò Vấp lái  taxi chở khách vào bến xe Miền Đông và chỉ họ đến quầy để mua vé thì bị Ngôn chửi: “Đ.M. mày để tụi tao kiếm tiền, sao lại chỉ cho họ”, tức không để nhóm của Ngôn dẫn khách vào đi các hãng xe đã được bảo kê.

Khi ông Lợi nói lại liền bị Ngôn và đàn em (Nguyễn Quốc Mạnh, Dương Văn Lành, Đinh Trọng Quý) dùng tay chân đánh vào người, tiếp đó bị Quý dùng tuýp sắt đánh vỡ đầu bất tỉnh. Ông Lợi được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện nhân dân Gia Định và xác định tỉ lệ thương tích 58,7%.

Quá trình điều tra, Ngôn và Quý không thừa nhận mình gây thương tích cho ông Lợi. Luật sư cho rằng đơn tố cáo của vợ ông Lợi gửi đến cơ quan điều tra không tố cáo Ngôn tham gia gây thương tích đối với ông Lợi.

Còn đối với tội cưỡng đoạt tài sản thì tại tòa, bị cáo Đàm Duy Hải khẳng định kết luận điều tra và cáo trạng hoàn toàn sai. Theo đó, cáo trạng khẳng định tháng 10-2012, tổ cổ phần vận tải Tấn Phát khai trương phòng vé và đi vào hoạt động tại bến xe Miền Đông, bị cáo Ngôn đã chỉ đạo đàn em gây sức ép, buộc tổ này phải nhận Đàm Duy Hải vào làm việc tại đây để “bảo kê”, qua đó chiếm đoạt 24 triệu đồng.

Tại tòa, Hải khai Ngôn có quen biết trước và xin cho Hải vào làm việc tại tổ vận tải Tấn Phát nhưng Hải nhận lương và làm công việc dẫn khách, đón khách lên xe.

Toàn bộ tiền lương Hải được nhận từ công ty là 4 triệu đồng/tháng đều đưa cho gia đình chi tiêu chứ không chia cho Ngôn. Do đó, cáo trạng truy tố Hải bảo kê cho doanh nghiệp này để nhận tiền là oan cho Hải.

Trong phần đối đáp, đại diện VKS cho rằng dù Ngôn thay đổi lời khai và không thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật nhưng những bằng chứng và lời khai của bị hại và nhân chứng cho thấy Ngôn đã tổ chức bảo kê và thu tiền của các nhà xe, là người cầm đầu băng nhóm gây thương tích cho nhiều người. Vì vậy, VKS bảo lưu quan điểm đề nghị Ngôn mức án từ 7-8 năm tù cho tội cố ý gây thương tích và 4-5 tù cho tội cưỡng đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt là 11-13 năm tù.

Tuy nhiên sau phần tranh luận, HĐXX cho rằng có một số tình tiết cần phải làm rõ nên đã tạm hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Theo hồ sơ, ngoài Nguyễn Trọng Ngôn thì còn 7 bị cáo khác là đàn em của Ngôn gồm: Nguyễn Quốc Mạnh (48 tuổi, ngụ cư xá Thanh Đa, P.27, quận Bình Thạnh), Dương Văn Lành (34 tuổi, ngụ phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức), Ngô Quang Đồng (27 tuổi, ngụ cư xá Thanh Đa), Đinh Trọng Quý (tức Quý “thối”, 25 tuổi, ngụ phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) và Hồ Sỹ Quý (tức Quý “điên”, 32 tuổi, ngụ P.28, quận Bình Thạnh) bị truy tố về tội cố ý gây thương tích. Đàm Duy Hải (35 tuổi, ngụ P.Linh Đông, quận Thủ Đức) và Nguyễn Tăng Tiến (40 tuổi, ngụ P.27, quận Bình Thạnh) bị truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản.

Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định từ năm 2010 Nguyễn Trọng Ngôn đã đứng ra tụ tập các đối tượng thành băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen tại khu vực bến xe Miền Đông.

Băng nhóm do Ngôn cầm đầu sẵn sàng đánh bất cứ người nào gây mâu thuẫn với Ngôn hoặc nhóm của Ngôn để dằn mặt và tạo uy tín tại khu vực bến xe Miền Đông.

Đồng thời, Ngôn chỉ đạo các đối tượng trong nhóm trực tiếp gặp các nhà xe yêu cầu chi tiền “bảo kê”, nếu không chấp nhận Ngôn cho người gây khó khăn cho hoạt động của các nhà xe, đe dọa nhân viên nhà xe. Từ đó, buộc các nhà xe phải đến gặp Ngôn để cầu cứu được bảo kê.

Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến khi bị bắt giữ, Ngôn và những người trong nhóm của mình đã gây ra 3 vụ cố ý gây thương tích và 2 vụ cưỡng đoạt tài sản.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên