25/06/2015 09:32 GMT+7

Vướng quy định, án ma túy không xử được

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Đó là thông tin được tòa hình sự TAND TP.HCM tổng kết qua công tác xét xử án ma túy tại tòa này. Không chỉ án của TP mà án của 24 quận huyện cũng bị dừng lại như thế.

Bị cáo trong vụ án buôn bán ma túy xuyên quốc gia được TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm trong năm 2013. Do vướng quy định nên từ tháng 9-2014 đến nay, nhiều vụ án ma túy chuyển qua tòa để xét xử đã bị trả lại hồ sơ - Ảnh: Hoàng Điệp
Bị cáo trong vụ án buôn bán ma túy xuyên quốc gia được TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm trong năm 2013. Do vướng quy định nên từ tháng 9-2014 đến nay, nhiều vụ án ma túy chuyển qua tòa để xét xử đã bị trả lại hồ sơ - Ảnh: Hoàng Điệp

Trong sáu tháng đầu năm, tòa hình sự TAND TP.HCM đã giải quyết một khối lượng lớn án hình sự, tuy nhiên việc xét xử án ma túy hiện vẫn đang “giậm chân tại chỗ” vì 100% số vụ án đều được trả hồ sơ để yêu cầu cơ quan điều tra giám định hàm lượng tinh chất ma túy theo tinh thần hướng dẫn của thông tư liên tịch số 17/2007 của liên bộ Công an, TAND tối cao, Viện KSND tối cao và Bộ Tư pháp.

Theo đó, phải giám định tinh chất ma túy trong các vụ án ma túy để làm căn cứ định tội và khung hình phạt đối với người phạm tội. Tuy nhiên, đến nay cả viện KSND cùng cấp và cơ quan điều tra vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu này nên tòa vẫn chưa đưa ra xét xử được.

Không thể giám định

Bà Dương Thị Ngọc Thủy - trưởng phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án an ninh và ma túy Viện KSND TP.HCM - cho biết: “Từ tháng 9-2014 đến nay toàn bộ các án ma túy được Viện KSND TP.HCM truy tố rồi chuyển sang tòa để xử thì đều bị trả hồ sơ lại, không chỉ án của TP mà án 24 quận huyện cũng bị dừng lại như thế. Ngoài ra còn có tám vụ giám đốc thẩm hủy án yêu cầu giám định tinh chất ma túy”.

Cũng theo bà Thủy, TP.HCM là TP lớn với lượng án ma túy nhiều và phức tạp, việc tồn án từ năm nọ sang năm kia dẫn đến vi phạm tố tụng vì thời gian chờ đợi xét xử kéo dài, gây thiệt thòi cho bị can, bị cáo. “Có những vụ tôi biết chắc chẳng thể nào giám định vì tang chứng vụ án không còn. Nếu tòa cứ yêu cầu giám định thì cả viện và cơ quan điều tra không thể nào đáp ứng được” - bà Thủy nói.

Mới đây, Viện KSND TP.HCM đã có báo cáo gửi các cơ quan nội chính trung ương đề nghị tạm dừng thi hành việc giám định hàm lượng chất ma túy. Bởi hiện nay nhiều vụ có yêu cầu giám định cũng không thể giám định được. Do đó, nếu tiếp tục thực hiện theo tinh thần của thông tư 17 thì e rằng bất cập nhiều hơn.

Mỗi tháng hơn 3.000 mẫu cần giám định

Hiện nay, mỗi vụ án ma túy thường thu giữ được nhiều mẫu ma túy khác nhau, đặc biệt có vụ thu giữ đến 40 mẫu. Trung bình mỗi năm phòng kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM tiếp nhận và giám định khoảng 1.800 mẫu trưng cầu với hơn 3.000 mẫu cần giám định, trong khi việc giám định hiện nay chỉ có thể thực hiện được tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, nhiều đơn vị cùng yêu cầu giám định nên bị quá tải.

Mặt khác, theo quy trình, các mẫu nghi là ma túy gửi đi giám định hàm lượng phải có đủ từ 0,3 gam trở lên mới đủ điều kiện, từ đó phát sinh các vụ án mà lượng ma túy dưới 0,3 gam sẽ không đủ điều kiện.

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật hình sự và thông tư 17 thì người nào tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy với số lượng dưới 0,1 gam (heroin hoặc cocain), dưới 1 gam (ma túy ở thể rắn), từ 10ml trở xuống (chất ma túy khác ở thể lỏng) thì không truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử lý hành chính.

Còn ngưỡng heroin từ đủ 0,1 gam trở lên đến dưới 0,3 gam đã đạt trọng lượng ma túy để định tội, tuy nhiên với trọng lượng ma túy này cơ quan tố tụng không thể buộc tội vì không thể giám định được hàm lượng. Mặt khác, tang vật thu giữ quá ít nếu mang đi giám định xong thì hết luôn mẫu vật, không còn cơ sở để xử lý.

Những án truy xét cũng bị trói tay

Theo thẩm phán Vũ Phi Long - phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM, trong thực tiễn xét xử các vụ án ma túy trước đây đã từng xét xử và buộc tội các bị cáo phạm tội về ma túy với số lượng lớn gấp nhiều lần số ma túy bị bắt quả tang.

Trong các vụ án trên, các bị cáo bị buộc tội đối với các lần phạm tội thực hiện thành công nhưng không bị bắt trước đó, hoặc các bị cáo đồng phạm đã bị bắt trước đó khai ra. Các bị cáo này thường là người chủ mưu, không trực tiếp thực hiện hành vi giao nhận ma túy bị phát hiện và thường bị bắt giữ thông qua hoạt động truy xét mở rộng.

Thực tế là trong những vụ án truy xét, các cơ quan tiến hành tố tụng không thu giữ được vật chứng. Trong quá trình điều tra, truy tố việc xác định số lượng ma túy phạm tội được thực hiện bằng việc đối chiếu phù hợp với lời khai của các bị cáo chung vụ, các bị cáo đã bị xét xử trong bản án trước nhưng tại thời điểm giải quyết vụ án của bị cáo hiện tại không còn vật chứng để giám định hàm lượng do các lần trước đều thực hiện thành công, không bị bắt giữ, không thu được vật chứng hoặc các số lượng ma túy này đã được đưa ra xét xử trong vụ án trước và đã bị tiêu hủy.

Đối với những vụ án này, dù biết rằng không còn mẫu tang vật để giám định nhưng tòa vẫn phải trả hồ sơ để yêu cầu giám định theo quy định tại thông tư 17.

“Thực tế những vụ án, bị cáo giữ vai trò chủ mưu cầm đầu này tòa sẽ không thể giám định được nhưng nếu căn cứ vào lời khai để xác định lượng ma túy hoặc để định tội định khung thì sẽ dẫn đến tình trạng oan sai hoặc tăng nặng trách nhiệm của người phạm tội” - thẩm phán Vũ Phi Long nói.

Đây cũng là điều mà ông Nguyễn Văn Quảng, viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, cho rằng với những vướng mắc khó khăn như trên, Viện KSND tối cao rất tích cực trong giải quyết, nhưng hiện nay TAND tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm tiếp tục thực hiện nên nhiều án phải trả hồ sơ, thậm chí có vụ án mẫu đã tiêu hủy mất rồi, điều này có thể dẫn đến hàng trăm án “thối” (không đưa ra xử được).

Theo ông Quảng, vấn đề nhận thức pháp luật hiện nay giữa các cơ quan tố tụng có điểm vướng. Ví dụ ngay văn bản hướng dẫn thi hành của thông tư 17 cũng nêu rõ với những người buôn bán ma túy nhưng sau đó số tang vật bị bắt dù có là bột mì thì người có hành vi buôn bán vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Bởi trong ý chí, ý thức của người ta đã định hình là buôn ma túy chứ không phải buôn bột mì. “Do đó, nếu cứ nhất quyết vụ án nào cũng yêu cầu giám định e rằng sẽ khó cho không chỉ cơ quan điều tra, truy tố mà còn khó khăn cho công tác phòng chống tội phạm” - ông Quảng phân tích.

* Ông NGUYỄN SƠN (phó chánh án TAND tối cao):

Bộ Công an chủ trì việc sửa thông tư 17

Để giải quyết những khó khăn trong việc xét xử án ma túy theo tinh thần của thông tư 17, Chủ tịch nước và Ban Cải cách tư pháp trung ương đã họp với các cơ quan tư pháp trung ương và đã thống nhất ý kiến giao Bộ Công an chủ trì việc sửa đổi thông tư 17. Hiện nay Bộ Công an đang lấy ý kiến để sửa đổi thông tư 17.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên