04/06/2015 12:12 GMT+7

Chứng giấy tờ giả, công chứng vô can?

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Thủ đoạn của các bị cáo là làm giả giấy tờ nhà đất (5 vụ), chứng minh nhân dân (1 vụ) rồi mang bán cho các bị hại sau khi được các văn phòng công chứng chứng thực.

Các bị cáo tại tòa - Ảnh: H.Đ.
Các bị cáo tại tòa - Ảnh: H.Đ.

HĐXX sơ thẩm TAND TP.HCM vừa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với ba bị cáo Đoàn Thị Phú (55 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM), Nguyễn Thị Thùy Dương (33 tuổi, con gái bị cáo Phú), Nguyễn Thị Hương (56 tuổi) trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả con dấu tài liệu của cơ quan nhà nước.

Thủ đoạn của các bị cáo là làm giả giấy tờ nhà đất (5 vụ), chứng minh nhân dân (1 vụ) rồi mang bán cho các bị hại sau khi được các văn phòng công chứng trên địa bàn Củ Chi, Hóc Môn chứng thực vào hợp đồng bán nhà cho các bị hại để chiếm đoạt gần 2,9 tỉ đồng.

Bỏ 20 triệu đồng thuê người làm chồng giả

Cáo trạng của Viện KSND TP.HCM nêu rõ khoảng tháng 1-2010, Đoàn Thị Phú quen biết với Nguyễn Thị Hương rồi nhờ Hương tìm người có tiền giới thiệu cho Phú vay. Biết anh Đỗ Đức Phương có tiền cho vay, Hương đã giới thiệu và sau đó dẫn anh Phương đến nhà Phú ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi xem một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Củ Chi cấp mang tên Nguyễn Văn Sáu (chồng của Phú, đất này là tài sản riêng của anh Sáu). Sau đó anh Phương đồng ý cho Phú vay 700 triệu đồng với lãi suất 5%/tháng. Để đảm bảo việc thanh toán nợ, Phương yêu cầu Phú ra văn phòng công chứng làm hợp đồng mua bán nhà.

Lúc này Phú mới nói thật với Hương là giấy tờ nhà này do Phú lấy trộm của chồng, nếu mang ra công chứng thì lộ mất. Hương thấy vậy liền chỉ cho Phú thuê Lâm Văn Lùng (48 tuổi, ngụ Củ Chi) đóng giả làm chồng Phú với giá 20 triệu đồng.

Sau đó Phú về nhà lấy trộm giấy chứng minh nhân dân của chồng đưa cho Hương để Hương đưa lại cho Lùng làm giả chứng minh nhân dân giá 3,5 triệu đồng với ảnh và dấu vân tay của Lùng. Sau đó Phú và Lùng đến văn phòng công chứng làm hợp đồng bán nhà cho anh Phương với giá 700 triệu đồng.

Sau khi công chứng xong, anh Phương chỉ giao cho Phú 595 triệu đồng do đã trừ chi phí dịch vụ cho vay và tiền lãi. Nhận tiền xong, Phú đưa cho Hương 20 triệu đồng để trả tiền thuê Lùng đóng giả chồng của Phú. Đến hạn trả tiền, Phú không có tiền trả nên anh Phương đến nhà đòi thì phát hiện việc Phú thuê người đóng giả chồng mình làm hợp đồng bán nhà. Anh Phương đã làm đơn tố cáo Đoàn Thị Phú.

30 triệu đồng để công chứng hợp đồng giấy tờ giả?

Làm trót lọt vụ thứ nhất, Đoàn Thị Phú cùng Nguyễn Thị Thùy Dương thuê Nguyễn Thị Hương làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Nguyễn Thị Hương đứng tên với giá 30 triệu đồng, Hương thuê lại Lâm Văn Lùng (hiện đang bỏ trốn) làm giả với giá 29 triệu đồng.

Sau khi có được giấy tờ giả trên, Phú và Hương tìm gặp bà Đỗ Thị Thanh Xuân xin thế chấp vay 400 triệu đồng. Sau khi xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tưởng thật nên bà Xuân đồng ý cho Phú vay. Nhưng để đảm bảo thanh toán nợ, bà Xuân yêu cầu Phú phải làm hợp đồng công chứng bán thửa đất trên cho bà Xuân.

Do sợ công chứng viên phát hiện giấy tờ giả nên Phú nhờ Lý Ngọc Lan (46 tuổi) đứng ra lo toàn bộ việc công chứng với giá 30 triệu đồng. Ngày 5-11-2011 tại văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa (thị trấn Hóc Môn), Dương đã ký hợp đồng bán thửa đất trên cho bà Xuân và bà Xuân đã giao đủ tiền cho Dương.

Dương giao giấy tờ đất giả cho bà Xuân giữ. Do đến hạn không thấy Dương trả nợ nên ngày 14-5-2012, bà Xuân mang giấy tờ đến UBND huyện Củ Chi làm thủ tục đăng bộ sang tên thì phát hiện giấy tờ này là giả. Công an đã đến lập biên bản giữ giấy tờ để điều tra làm rõ.

Ngoài hai vụ việc cụ thể trên, Phú còn thuê Hương nhiều lần làm giả giấy tờ nhà đất đứng tên Hương và con gái là Dương để thế chấp, bán cho nhiều người khác với số tiền lên tới gần 2,9 tỉ đồng.

Thủ đoạn của Phú vẫn là thông qua các văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa (thị trấn Hóc Môn), Đất Việt (Thới Tam Thôn, Hóc Môn), An Đông (Trung Lập Hạ, Củ Chi) để hợp thức hóa toàn bộ hợp đồng mua bán nhà đất giữa Phú, Dương và các bị hại để chiếm đoạt tiền.

Có mặt trong phiên xét xử, đại diện các bị hại đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của các cá nhân đã hỗ trợ, giúp sức cho Phú để lừa đảo các bị hại này có trách nhiệm liên đới bồi thường.

Theo cáo trạng, những cá nhân làm việc tại các văn phòng công chứng đã bị các bị cáo nêu đã nhận tiền để công chứng trái pháp luật nhưng tại cơ quan điều tra, những người này phủ nhận việc nhận tiền. Bởi vậy cơ quan điều tra không có cơ sở để xử lý.

Luật sư Vũ Quang Đức:

Các cá nhân bị thiệt hại có thể khởi kiện văn phòng công chứng

Căn cứ nội dung của cáo trạng vụ án, tôi cho rằng cơ quan công chứng không thể không có trách nhiệm trong vụ việc này. Bởi dù là có thỏa thuận hay không có thỏa thuận thì công chứng viên vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Theo đó, trường hợp công chứng viên có bàn bạc, thỏa thuận trước với bị cáo về việc công chứng hợp đồng mua bán nhà, đất thì công chứng viên là đồng phạm trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trường hợp công chứng viên không biết các giấy tờ liên quan đến giao dịch cần công chứng là giả mạo thì công chứng viên có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bởi vậy, bên tham gia giao dịch bị thiệt hại do công chứng viên chứng thực có quyền khởi kiện yêu cầu cơ quan công chứng bồi thường thiệt hại; căn cứ Luật công chứng 53/2014 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2015).

Đồng thời để phòng tránh rủi ro khi giao dịch chuyển nhượng nhà, đất thì người dân cần tiếp xúc trực tiếp với chủ sở hữu của bất động sản, trường hợp đồng sở hữu thì phải tiếp xúc trực tiếp với các đồng sở hữu; kiểm tra tính hợp pháp của bất động sản bằng cách yêu cầu bên bán cung cấp bản photo giấy tờ nhà, đất và xác minh tại UBND cấp phường, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nơi bất động sản tọa lạc; tìm hiểu tình trạng nhà, đất qua thăm hỏi bà con lối xóm, tổ trưởng dân phố nơi bất động sản tọa lạc.

 

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên