30/05/2015 11:39 GMT+7

Vuột khỏi tầm tay cha mẹ...

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Một vụ hiếp dâm tập thể gây chấn động làng quê nghèo tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội xuất phát từ sự dễ dãi của bị hại 15 tuổi và suy nghĩ đơn giản của nhóm thanh niên mới lớn: “Thấy bị hại dễ dãi nên nghĩ được phép làm”.

Nguyễn Văn Đức đang chờ ngày thi hành án trong lo âu và day dứtẢnh: TÂM LỤA
Nguyễn Văn Đức đang chờ ngày thi hành án trong lo âu và day dứt - Ảnh: Tâm Lụa

Bị cáo, bị hại - những đứa con mới lớn ấy - đã vuột khỏi vòng tay cha mẹ từ bao giờ mà họ không hay biết...

Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ hiếp dâm trẻ em được tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội mở sáng 14-5. Mười bị cáo trong vụ án tuổi đời còn rất trẻ, đều trú tại thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn).

Bốn bị cáo ra trước tòa phúc thẩm gồm Nguyễn Văn Đức (23 tuổi) và Nguyễn Văn Thành (22 tuổi) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng hai bị cáo Nguyễn Văn Dũng (19 tuổi) và Nguyễn Văn Long (23 tuổi) được bị hại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

“Dễ dãi”

Tháng 7-2013, sau khi Đ.T.D. (15 tuổi, ngụ huyện Sóc Sơn) làm đơn tố cáo gửi cơ quan điều tra về việc bị một nhóm thanh niên hiếp dâm thì cả mười thanh niên ở thôn Yên Tàng đều bị bắt. Đó là vụ việc gây chấn động đối với người dân nghèo thôn Yên Tàng.

Bởi với họ, mười bị cáo chơi chung một nhóm còn bị coi là “trẻ trâu”, sau khi đi mò cua bắt ốc cho mẹ kiếm tiền đong gạo vẫn còn xin tiền lẻ mua kem. Nhiều người bất ngờ hơn khi biết bị hại là người thường đi chơi chung với các bị cáo.

“Chúng nó là bạn bè với nhau, có nảy sinh tình cảm hay quan hệ người lớn thì làm thế nào lại khép chúng nó vào tội hiếp dâm trẻ em được?” - nhiều người đến dự tòa phúc thẩm vẫn còn thắc mắc câu hỏi ấy.

Bản án sơ thẩm ngày 27-10-2014 của Tòa án nhân dân TP Hà Nội thể hiện nhà D. cách thôn Yên Tàng 10km nhưng thường đến Yên Tàng xem hội làng. Tối 8-3-2013, D. gọi điện thoại cho Nguyễn Tiến Hoàng (25 tuổi, người làng Yên Tàng) đến đón mình và bạn là Nguyễn Thị Duyên (15 tuổi) đi chơi. Khi đến thôn Yên Tàng, nhóm của D. gặp nhóm của Nguyễn Văn Quang (18 tuổi).

Biết D. và Duyên đang ở thôn Yên Tàng, Quang nói với bạn bè: “Cái D. và Duyên đang ở đây đấy, anh em có “ăn” không để đi đón?”.

Vốn là bạn trai của Duyên, Quang đưa Duyên ra bờ ruộng cách đó 500m, bỏ lại D. với nhóm bạn của mình, Quang còn nói thêm: “Bọn anh lôi nó ra làm gì thì làm”. Sau khi Quang đi, cả nhóm đưa D. ra cây đa đầu làng rồi thay phiên nhau hiếp dâm D..

Mặc dù bị cả nhóm bạn hiếp dâm nhưng sau đó D. vẫn đến nhà những người bạn này chơi để rồi bị hiếp dâm tiếp. Bản án thể hiện các bị cáo đã hiếp dâm D. bốn lần.

Ở phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 10-2014, biện minh hành vi của mình, tất cả bị cáo đều khai vì bị hại quá dễ dãi trong các mối quan hệ với đàn ông nên các bị cáo mới làm vậy.

Buổi sáng ngày xét xử đầu tiên, hội đồng xét xử đã hỏi đi hỏi lại bị hại: “Tại sao đã bị các bị cáo hiếp dâm nhưng bị hại vẫn tiếp tục đến làng chơi để rồi bị hiếp dâm tiếp?”. Trước câu hỏi ấy, D. luôn im lặng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị hại và đại diện bị hại không đến. Trong số bốn bị cáo đứng trước vành móng ngựa thì Nguyễn Văn Đức bị cụt cả hai tay.

Vị chủ tọa bảo: “Những vụ hiếp dâm bình thường án đã lên tới 12 năm. Đằng này các bị cáo có nhiều tình tiết tăng nặng như hiếp dâm trẻ em, nhiều người hiếp một người. Án sơ thẩm xử các bị cáo như vậy là nhẹ. Các bị cáo có đưa ra được tình tiết nào mới để xin giảm án không?”.

Đáp lại vị chủ tọa, cả hai bị cáo Đức và Thành đều lặp lại lý do cũ: “Vì bị hại dễ dãi trong các mối quan hệ với đàn ông nên các bị cáo mới nghĩ được phép quan hệ”.

“Các bị cáo tuổi mới lớn bồng bột, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Khi quan hệ, các bị cáo cũng không hỏi xem bạn gái bao nhiêu tuổi. Vì ít học, ít tiếp xúc với báo chí, các bị cáo đã không nhận thức được hành vi của mình” - vị luật sư bào chữa cho các bị cáo trình bày.

Không chấp nhận lời bào chữa này của luật sư, hội đồng xét xử cho rằng án sơ thẩm là quá nhẹ với các bị cáo nên đã tuyên y án sơ thẩm.

Chuyện trẻ con, khổ người lớn

Trưa 17-5, khi chúng tôi đến thôn Yên Tàng thì bà Nguyễn Thị Việt (mẹ bị án Nguyễn Văn Quang) đi đóng gạch chưa về. Vừa chân sấp chân ngửa bước vào nhà, bà Việt đã òa khóc hỏi có cách nào cứu được Quang không? Với vai trò là người xúi giục, giúp sức tích cực đồng bọn, Quang bị tòa sơ thẩm xử phạt 9 năm tù.

Duyên và D. hay trốn học, lang thang ở thôn Yên Tàng rồi ghé nhà Quang ở vì Quang là bạn trai của Duyên.

Bà Việt kể Duyên bỏ học sang nhà bà ở hẳn với Quang làm bà lo lắng. Nhiều lần bà đuổi thẳng: “Cháu còn bé quá, về nhà đi học thêm hay làm gì thêm đi. Bác không gả con cho người ở xã khác”. Cô bé vô tư đáp lại: “Bác không gả chúng cháu cũng lấy nhau”.

Vậy là từ đó Duyên ở lại nhà Quang. Mọi người làm gì thì Duyên làm đó, từ nấu cơm, đi cấy hái, gặt lúa, chăn bò... Những khi Quang đi học nghề thợ mộc thì Duyên trở về nhà mình, đến khi Quang về nhà thì Duyên lại sang.

Sợ các con vượt quá giới hạn nên mỗi tối bà Việt đều bắt Duyên và Quang phải ngủ chung với mình. Bố Duyên sau khi gọi con gái về không được đã cầm dép tát vào mặt con rồi bỏ về nhà.

Còn mẹ Duyên nói với bà Việt: “Chúng nó thương nhau không dứt ra được, thôi thì chúng ta cũng nên tính chuyện người lớn”.

Nhìn con đứa mới 15, đứa mới 18 tuổi, bà Việt âu lo bảo: “Chúng nó còn bé quá, đợi thêm thời gian nữa xem sao”. Bây giờ khi Quang bị bắt đi tù, bà Việt nói trong day dứt: “Biết vậy tôi cho chúng nó cưới nhau thì bây giờ nó đã chẳng phải đi tù...”.

Nỗi day dứt muộn màng

Trong số các bị cáo, chỉ một mình Đức vì cụt hai tay nên đang được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Trong ngôi nhà ngói nền gạch, vôi vữa bong tróc lỗ chỗ, gia đình Đức vẫn còn chưa hết bàng hoàng.

Bố Đức mất sức lao động, cả nhà trông nhờ vào thu nhập từ việc gánh gạch thuê của mẹ. Sau lần Đức đi phụ hồ bị điện giật phải cắt cụt hai tay, đôi vai mẹ Đức càng thêm trĩu nặng. Điều gia đình Đức lo lắng nhất là cậu bị cụt cả hai tay thì không biết đi tù sẽ như thế nào?

Ai đút cho cậu ăn, ai tắm giặt cho cậu, ai giúp làm vệ sinh cá nhân? Những lúc bế tắc, mẹ Đức giận dỗi trách móc con: “Bảo thì không nghe, đi theo đám bạn xấu giờ phải chịu”.

“Em biết mình có tội nhưng mức án đối với chúng em nghiêm khắc quá! Nhiều đêm nằm nghĩ mãi không ngủ được. Không biết tương lai, cuộc đời mình rồi sẽ ra sao. Nhiều lúc muốn chết đi nhưng nghĩ chết thì sướng mình lại khổ bố mẹ. Rồi em lại tự động viên mình ông trời không cướp không của ai cái gì, nên phải cố gắng đứng dậy sau lỗi lầm...” - Đức nói.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên