16/05/2015 10:04 GMT+7

“Ban phát đất rừng cho quan chức”: Báo cáo không minh bạch

BÁ SƠN - NHẤT NGUYÊN
BÁ SƠN - NHẤT NGUYÊN

TT - Báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường (TN MT) Bình Phước về vụ “Ban phát đất rừng cho quan chức” ở Bình Phước có những dấu hiệu không minh bạch trong việc “ban phát” đất rừng.

Một góc rừng phòng hộ Tà Thiết, nơi nhiều cán bộ Bình Phước được “ban phát” đất rừng - ẢNH: Ngọc Hậu
Một góc rừng phòng hộ Tà Thiết, nơi nhiều cán bộ Bình Phước được “ban phát” đất rừng - ẢNH: Ngọc Hậu

Sở Tài nguyên và môi trường (TN MT) Bình Phước vừa có báo cáo gửi Bộ TN MT về tình hình giao, cho thuê đất nông lâm nghiệp trên địa bàn. Báo cáo này chủ yếu giải trình quanh nội dung vụ “Ban phát đất rừng cho quan chức” mà Tuổi Trẻ (ngày 29 và 30-10-2014) từng phản ánh.

Báo cáo này lập luận “không có trường hợp ưu ái trong sử dụng đất, ban phát đất cho cán bộ công chức”. Tuy nhiên, chính nhiều nội dung trong báo cáo này lại chứng minh điều ngược lại, cho thấy những dấu hiệu không minh bạch trong việc “ban phát” đất rừng cho quan chức.

Không có tiêu chí cụ thể

Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bình Phước do giám đốc Nguyễn Phú Quới (ông Quới cũng nằm trong danh sách số ít cán bộ được “ban phát” đất rừng với 6,6ha do vợ ông Quới đứng tên) ký về đối tượng, tiêu chí để được thuê đất lâm nghiệp trồng cao su thì “UBND tỉnh không ban hành văn bản quy định”. 

Việc xem xét đối tượng cho thuê chỉ căn cứ “trên cơ sở đơn xin thuê đất” rồi “UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho thuê đất và giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), các ban quản lý rừng khảo sát, lựa chọn vị trí thực hiện”.

1.039ha đất cho hộ gia đình, cá nhân thuê

Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bình Phước, diện tích đất mà tỉnh này giao cho 116 hộ gia đình, cá nhân thuê từ năm 2007-2009 là 1.039ha.

Trong danh sách này có rất nhiều cán bộ đương chức, về hưu hoặc người nhà của cán bộ tỉnh Bình Phước và Bình Dương.

Về việc nhiều cán bộ đương chức để người nhà đứng tên thuê đất, Sở TN&MT tỉnh Bình Phước cho rằng “việc cán bộ hay thành viên trong gia đình cán bộ đứng tên để thực hiện thủ tục thuê đất với Nhà nước là có giá trị pháp lý như nhau”.

Việc cho cán bộ thuê đất rừng “mỗi hộ 5-10ha”, theo Sở TN&MT Bình Phước, nhằm khắc phục tình trạng khó khăn của cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ yên tâm công tác sau khi tách từ tỉnh Sông Bé.

Tuy nhiên trên thực tế dù Bình Phước có hàng ngàn cán bộ nhưng không phải cán bộ nào cũng được cho thuê đất, mà ngược lại trong danh sách được “ban phát” đất rừng ấy người ta thấy nổi lên chủ yếu là các cán bộ lãnh đạo của Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, văn phòng UBND tỉnh...

Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bình Phước, tổng cộng chỉ có 116 hộ gia đình, cá nhân được cho thuê đất rừng trồng cao su (trong đó Sở TN&MT không nêu cụ thể bao nhiêu cán bộ, người nhà cán bộ).

Còn theo điều tra của Tuổi Trẻ, nhiều cán bộ nằm trong danh sách được “ban phát” đất rừng không hề khó khăn, có cán bộ đã có nhiều hecta cao su ở nơi khác nhưng vẫn được “ban phát” đất rừng.

Như vậy, mặc dù báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bình Phước không thừa nhận có việc “ưu ái”, “ban phát” đất rừng cho cán bộ, nhưng qua báo cáo này và trên thực tế cho thấy đúng như Tuổi Trẻ phản ánh: chỉ một số ít cán bộ “biết”, làm đơn thì được cho thuê đất rừng và tiêu chí cho thuê chủ yếu dựa vào... “tình nghĩa”.

Báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bình Phước cũng giải trình về các nội dung: việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân thiếu đất ở, đất sản xuất; việc quy hoạch, phát triển trồng cao su trên địa bàn tỉnh, trình tự thực hiện các dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cây cao su....

Trong đó, báo cáo cho rằng “việc quy hoạch phát triển trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, theo đúng quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt...”.

Ngoài ra, báo cáo còn nêu “việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch cấp đất cho các hộ đồng bào dân tộc, các hộ nghèo và không có đất như nêu trên là cơ bản đáp ứng nhu cầu đất ở, đất sản xuất của các hộ tại địa phương...”.

Như vậy, báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bình Phước không hề nhắc tới những số liệu, dẫn chứng rất cụ thể mà báo chí nêu đã chứng minh điều ngược lại so với chính báo cáo của cơ quan này. Đó là số liệu còn hàng ngàn hộ dân có nhu cầu cấp đất sản xuất nhưng tỉnh đang thiếu tới 6.148ha để cấp cho họ (số liệu của Thanh tra tỉnh Bình Phước).

Sở TN&MT tỉnh Bình Phước cũng đã không nhắc gì tới số liệu diện tích rừng tự nhiên của tỉnh này giảm nghiêm trọng: nếu như năm 2002 Bình Phước có tới 127.800ha rừng tự nhiên thì hơn 10 năm sau, vào năm 2013 chỉ còn 58.600ha, giảm hơn một nửa mà Tuổi Trẻ đã nêu.

Một góc rừng phòng hộ Tà Thiết, nơi nhiều cán bộ tỉnh Bình Phước được “ban phát” đất rừng - Ảnh: Ngọc Hậu
Một góc rừng phòng hộ Tà Thiết, nơi nhiều cán bộ tỉnh Bình Phước được “ban phát” đất rừng - Ảnh: Ngọc Hậu

Né tránh làm nghĩa vụ

Báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bình Phước còn bộc lộ thực tế nhiều cán bộ được “ban phát” đất rừng đã “né”, trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khu đất được thuê.

Mặc dù từ năm 2007-2009 nhiều cán bộ đã nhận đất rừng, thanh lý cây rừng và trồng cao su nhưng tới nay vẫn chưa làm thủ tục thuê đất, chưa đóng tiền thuê đất và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước.

Theo Sở TN&MT tỉnh Bình Phước, “một số trường hợp sau khi trồng xong cây cao su vẫn không liên hệ với Sở TN&MT để lập thủ tục, khi cần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn hoặc cho các mục đích khác thì các hộ này mới liên hệ lập thủ tục thuê đất”.

Theo điều tra của Tuổi Trẻ, “một số trường hợp” mà Sở TN&MT tỉnh Bình Phước nêu có cả lãnh đạo của chính sở này và lãnh đạo Sở NN&PTNT, cán bộ văn phòng UBND tỉnh dù được cho thuê đất từ lâu nhưng thời gian gần đây mới làm thủ tục thuê đất.

Việc chưa làm thủ tục thuê đất thực chất là “né”, chậm làm nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Theo Sở TN&MT, trong số 116 hộ gia đình, cá nhân được cho thuê đất thì tính tới tháng 3-2015 mới có 75 hộ, cá nhân lập thủ tục thuê đất.

Đối với các trường hợp này, Sở TN&MT tỉnh Bình Phước báo cáo với Bộ TN&MT là “khi lập thủ tục thuê đất sẽ thực hiện truy thu số tiền thuê đất chưa nộp theo đúng quy định”.

Cụ thể: đối với các hộ, cá nhân chưa lập thủ tục thuê đất thì thời điểm tính tiền thuê đất được xác định từ ngày UBND tỉnh ra quyết định dự án trồng cao su (từ năm 2007-2009).

Đối với các hộ, cá nhân đã lập thủ tục thuê đất nhưng thời điểm lập thủ tục sau thời gian nhận đất trên thực tế thì cũng sẽ căn cứ vào ngày UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt dự án để tính tiền thuê đất.

Báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bình Phước chưa nêu số tiền cụ thể sẽ truy thu từ các cán bộ, hộ gia đình và cá nhân chưa nộp tiền thuê đất là bao nhiêu.

Bộ TN&MT giao Cục Quy hoạch đất đai kiểm tra trực tiếp

Liên quan việc “ban phát đất rừng cho quan chức” mà báo Tuổi Trẻ đã nêu, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Lịch - phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) - cho biết sau khi báo Tuổi Trẻ có một số bài đề cập đến nội dung “ban phát đất rừng”, Bộ TN&MT đã yêu cầu Sở TN&MT tỉnh Bình Phước báo cáo và nhận được báo cáo “giải trình” của Sở TN&MT tỉnh Bình Phước. 

Theo ông Lịch, việc Sở TN&MT Bình Phước báo cáo cũng chỉ là thông tin từ một phía. Vì vậy để có đầy đủ cơ sở, Tổng cục Quản lý đất đai đã giao Cục Quy hoạch đất đai lập đoàn kiểm tra vào kiểm tra thực tiễn trong Bình Phước.

Ông Lịch cho biết hiện đoàn kiểm tra của Cục Quy hoạch đất đai đang xem xét từng vấn đề, sau đó sẽ có báo cáo kết luận về những việc cụ thể trong giao đất rừng tại Bình Phước. “Tới đây có kết luận cụ thể về việc giao đất rừng, chúng tôi sẽ có báo cáo cụ thể gửi Bộ TN&MT và gửi tới báo” - ông Lịch nói.

Theo một lãnh đạo Cục Quy hoạch đất đai, bước đầu trong quá trình kiểm tra cho thấy có một số vấn đề trong giao đất rừng ở Bình Phước cần phải xem xét kỹ như việc tỉnh này chưa có văn bản quy định về tiêu chí cụ thể trong giao đất rừng.

X.LONG

 

BÁ SƠN - NHẤT NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên