18/04/2015 14:26 GMT+7

​Hai câu chuyện về tình bác - cháu

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Một đằng bác và cháu đưa nhau ra tòa vì đất đai, cắt đứt tình thâm máu mủ. Một đằng người bác câm vật lộn với cuộc mưu sinh để hai đứa cháu được cắp sách đến trường.

Anh Tý giăng lưới bắt cá - Ảnh M.Tâm

Hai câu chuyện tương phản đến rơi nước mắt...

Ra tòa vì đất đai

Hai đương sự trong phiên tòa phúc thẩm về tranh chấp di sản thừa kế do tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xét xử lưu động ở TAND TP Cần Thơ ngồi ở hai dãy ghế khác nhau. Dãy bên trái là người đàn ông trạc 60 tuổi. Dãy bên phải là người thanh niên độ 35 tuổi. Có lẽ bởi là hai bác cháu nên nhìn họ khá giống nhau. Cả hai không nhìn nhau nên bóng cũng đổ dài song song ngăn cách bởi lối đi chỉ khoảng 1m...

Nội dung vụ tranh chấp di sản thừa kế dần hiện ra. Vợ chồng cụ N.V.C. có hai người con. Khi còn trẻ, vợ chồng cụ canh tác 2ha đất. Khi hai cụ lớn tuổi thì người con trai lớn là ông N.T.T. canh tác. Rồi hai vợ chồng cụ lần lượt qua đời mà không để lại di chúc. Kế đó, người con trai út là ông N.T.D. cũng mất, con ông D. là anh N.Q.H. yêu cầu bác của mình là ông T. chia lại cho mình 5 công đất vì đó là di sản của ông bà C..

Người bác không đồng ý bởi cho rằng trước đây đất do vợ chồng cụ C. mua lại nhưng sau ngày 30-4-1975 Nhà nước thu hồi, đưa vào tập đoàn sản xuất, khi tập đoàn giải thể giao lại cho người bác. Sau đó, người bác đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất. Vì vậy đất không phải là di sản thừa kế mà thuộc sở hữu của riêng mình.

Người cháu trình bày đất do vợ chồng cụ C. mua lại, được chế độ cũ cấp bằng khoán điền thổ. Người cháu nộp bằng khoán điền thổ và tờ văn tự chiết bán đất ruộng cho tòa. Cũng theo người cháu, 2ha đất không bị Nhà nước thu hồi và cũng không đưa vào tập đoàn sản xuất, người bác đã tự kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Phiên sơ thẩm, tòa kết luận rằng người cháu đã cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh đất do vợ chồng cụ C. mua. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã xác nhận phần đất không bị Nhà nước thu hồi và không đưa vào tập đoàn. Người bác đã tự kê khai đăng ký, vì vậy có cơ sở khẳng định đất là của cụ C..

Tuy nhiên do cụ ông mất năm 2001, trong khi thời điểm người cháu khởi kiện là năm 2013 nên không còn thời hiệu phân chia di sản bởi theo luật thì thời hiệu khởi kiện về thừa kế là 10 năm. Do đó, 1ha đất của cụ ông, người bác được hưởng hết.

Riêng cụ bà mất năm 2008 nên thời hiệu khởi kiện vẫn còn. Và do cụ bà mất không để lại di chúc nên toàn bộ di sản sẽ được phân chia theo luật định. Cụ thể, số đất là di sản sẽ được chia đều cho hàng đồng thừa kế thứ nhất gồm ông T. và ông D.. Riêng ông D. mất nên con trai duy nhất là anh H. sẽ được thừa kế chuyển tiếp phần của cha mình.

Như vậy, phần di sản của cụ bà là 1ha chia đều cho hai người, mỗi người được 0,5ha.

Phiên tòa bắt đầu. Tòa hỏi người bác rằng có rút kháng cáo để hòa giải với cháu? Chủ tọa nói: Có 2ha đất thì ông được tới 1,5ha. Thôi thì ông rút kháng cáo để bác cháu cùng được hưởng một phần lộc của cha mẹ, ông bà mà sống hòa thuận với nhau. Chắc khi tạo lập cơ ngơi hai cụ cũng muốn như vậy.

Tuy nhiên người bác quyết không rút kháng cáo. Người cháu trình bày: “Ông bà nội ở với cha con tôi. Những năm tháng cuối đời ông bà bệnh nan y khiến tiền thuốc rất nhiều nhưng tôi tuyệt nhiên không hề nói bác mình đưa tiền. Do thời gian gần đây chuyện làm ăn lỗ lã nên tôi mới yêu cầu chia đất. Dù gì bác cũng rất khỏe, chỉ có một người con trai, ăn học thành tài và làm kỹ sư tận thành phố, lương cao, có vợ con, giàu lắm. Còn tôi chỉ muốn chia 0,5ha để lấy vốn buôn bán gầy dựng lại mà thôi”.

Tòa kiên nhẫn hỏi người bác rằng giờ cháu gặp khó khăn, ông có nghĩ lại mà rút kháng cáo không? Người bác trả lời “không” và vẫn giữ quan điểm 2ha đất trước đây bị Nhà nước thu hồi và đưa vào tập đoàn. Ông đứng ra nhận sản xuất nên khi tập đoàn giải thể, số đất đó mới được cấp lại cho ông.

Nếu lúc đó ông không đứng ra nhận sản xuất thì khi tập đoàn giải thể, 2ha đất đã bị cấp cho người khác rồi. Tòa đưa ra bằng chứng bác bỏ rằng chính quyền địa phương đã xác nhận phần đất không bị Nhà nước thu hồi và không đưa vào tập đoàn.

Tòa bác đơn kháng cáo của người bác, tuyên y án sơ thẩm. Khi ra khỏi phòng xử, người bác nói lớn: “Chưa dừng ở đây đâu. Còn thưa tới trung ương nữa”. Người cháu: “Người ta nói sẩy cha bám chú, vậy mà...”. Hai bác cháu gườm gườm nhìn nhau...

Anh Tý hạnh phúc bên hai đứa cháu học bài - Ảnh: M.Tâm

Người bác câm và chuyện học của hai đứa cháu

Dự phiên tòa tranh chấp đất đai của bác cháu trên, tôi chợt nhớ về người đàn ông câm điếc nuôi hai cháu ăn học. Ông Lê Văn Tâm - chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang - đưa tôi đến nhà của anh Đào Văn Tý... 5g sáng, anh Tý đã ra đồng bắt cua đến 10g mới về. Bữa hôm ấy, anh bắt khoảng 0,5kg cua. 

Mặc dù mệt bơ phờ nhưng người đàn ông 37 tuổi câm điếc này sau khi tắm rửa xong vẫn vui đùa với đứa cháu nhỏ 6 tuổi. Kế đó, đứa cháu lớn đem quyển vở lớp 5 chỉ vào chỗ cô giáo phê rồi ra dấu rằng cô khen mình viết chữ đẹp đúng chính tả. Anh nhìn vào vở, gật đầu, niềm vui như thấm vào khiến từng nếp nhăn khắc khổ trên gương mặt đen đúa giãn ra, căng lên hạnh phúc...

Bà Bảy có 10 người con. Ngoại trừ anh Tý ở chung với bà, còn lại đều có chồng có vợ ra riêng nhưng ai cũng nghèo nên chẳng giúp gì được cho bà. Chẳng những vậy, vợ chồng người con trai út vì nợ nần chồng chất đã bỏ đi biệt xứ, bỏ lại hai đứa con cho bà nuôi. Khốn nỗi bà đã 78 tuổi. Vậy là người con thứ chín khuyết tật trở thành trụ cột của người già và hai đứa trẻ. 

Thời gian trước, anh Tý vác lúa mướn, làm cỏ thuê... nhưng rồi do anh không nghe, không nói được nên chủ ngại không thuê nữa. Anh ra đồng bắt cua. Người ta bắt cua thường dùng móc rồi lắng nghe tiếng động đoán vị trí cua để móc cua ra khỏi hang tránh cua bị gãy càng. Còn anh do điếc nên phải đưa cả bàn tay vào hang.

Vì vậy đôi tay anh đầy sẹo do bị vật nhọn đâm trúng hoặc bị cua kẹp. Bà Bảy tâm sự: “Cực vậy nhưng mỗi ngày kiếm chỉ vài chục ngàn đồng nên nhiều khi thằng Tý ngồi khóc bởi sợ không lo nổi cho hai cháu đi học”. Ông Tâm góp lời: “Thấy anh tận lực lo chuyện học của hai đứa nhỏ nên nhiều người chia sẻ bằng cách tặng tiền để anh mua ghe làm kế sinh nhai”.

Ráng học để không khổ như bác

Từ ngày có ghe, sáng anh Tý đi bắt cua, trưa giăng lưới, tối đi đặt dớn trên sông bắt cá... Cực nhọc nhưng mỗi ngày anh Tý đều kiểm tra tập vở của hai đứa nhỏ. Khi thấy tập dính mực, anh lắc đầu ra dấu không hài lòng. Còn khi cháu được thầy cô khen, anh rất mừng.

Vậy đó, người bác khuyết tật đã chở che bảo bọc hai đứa cháu bằng sức mạnh của một trái tim đầy ắp yêu thương để chúng được cắp sách đến trường như bao đứa trẻ khác chứ không phải đặt chân ở chấm đường cùng.

Có lẽ hai đứa cháu cũng cảm nhận được nên khi được hỏi học sau này để làm gì, bé lớn vừa ra dấu vừa nói: “Để có nghề nuôi nội và bác Chín”.

Đôi mắt người bác rưng rưng, rồi anh động viên hai đứa cháu bằng cách ra dấu chỉ vào những vết sẹo đầy cả chân tay, bà Bảy “dịch” lại cho mọi người nghe đại để rằng: “Ráng học để có nghề, có tiền, không cực khổ như bác...”.

 

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Ký sự pháp đình