22/01/2015 11:35 GMT+7

​Rắc rối chuyện trổ cửa trong hẻm

D.NGỌC HÀ - MAI HOA
D.NGỌC HÀ - MAI HOA

TT - Ðược cơ quan chức năng cho phép trổ cửa ra lối đi chung nhưng nhiều người vẫn gặp rắc rối vì bị hàng xóm phản ứng, cản trở.

 Hàng rào được người dân hẻm 749 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM xây lên để ngăn giữa hẻm và lô đất của ông Nguyễn Bá Phẩm - Ảnh: Hữu Khoa

Thực tế này xảy ra ở TP.HCM nhưng luật pháp lại chưa có quy định cụ thể, dẫn tới những khiếu nại.

Dân nói “không”

Lô đất 739/4 Xô Viết Nghệ Tĩnh (P.26, Q.Bình Thạnh) của ông Nguyễn Bá Phẩm vốn là một căn nhà rộng gần 700m2, mặt trước là cửa đi ra hẻm 739, mặt sau căn nhà tiếp giáp hẻm nhưng chủ nhà xây tường rào, không trổ cửa. Rắc rối xảy ra khi ông Phẩm xin phép tách lô đất lớn thành nhiều thửa nhỏ.

Tháng 6-2014, UBND Q.Bình Thạnh thông qua bản vẽ tách thửa của lô đất thành 13 lô đất nhỏ, một số thửa đất có lối đi ra hẻm 749 Xô Viết Nghệ Tĩnh. Khi ông Phẩm tháo dỡ tường rào giữa căn nhà cũ và hẻm 749 thì các hộ dân ở hẻm không đồng ý, làm đơn phản ảnh đến cơ quan chức năng.

Theo các hộ dân này, hẻm có chiều rộng chỉ hơn 1m nên việc ra vào hẻm rất khó khăn. Nếu thêm một số hộ dân nữa thì việc đi lại càng khó khăn hơn. Ðó là chưa kể ông Phẩm chia lô đất có lối đi ra hẻm 749 nhưng không thông qua ý kiến của bà con.

Bên cạnh việc kiến nghị đến các cơ quan chức năng, các hộ dân còn xây hàng rào ngăn phần đất của ông Phẩm với hẻm 749.

Trả lời phản ảnh của các hộ dân, UBND Q.Bình Thạnh cho biết việc tách thửa của ông Phẩm là hợp pháp. Tiêu chí phân tách thửa được thiết kế thuận tiện, hợp lý, có lối đi gần với đường chính và hạn chế hình thành thêm các hẻm nhánh. Tuy nhiên, các hộ dân ở hẻm 749 không đồng ý và tiếp tục khiếu nại.

Thấy tình hình căng thẳng, ông Phẩm phải xin điều chỉnh phương án tách thửa theo hướng làm một đường giao thông giữa lô đất nối với hẻm 739, không có thửa đất nào quay mặt ra hẻm 749. Lúc này, người dân ở hẻm 749 mới thôi khiếu nại.

Tương tự, các hộ dân ở hẻm 440/26 Nguyễn Kiệm (P.3, Q.Phú Nhuận) cũng gửi đơn phản ảnh, khiếu nại đến các cơ quan chức năng khi chủ nhà số 440/44/8-10 Nguyễn Kiệm (trước giờ đi bằng đường khác) tách thửa đất, xây mới, đập tường ngăn, trổ hai cửa ra hẻm này.

Các hộ dân ở hẻm 440/26 trưng ra bằng khoán điền thổ năm 1971 cho thấy phần đất hẻm được ghi nhận là diện tích thông hành địa dịch, đồng thời cho rằng phần đất hẻm thuộc quyền sử dụng chung của các hộ, chủ nhà phía trước tự ý trổ cửa ra hẻm mà không thỏa thuận là sai. Nhà nước cấp phép cho chủ nhà phía trước trổ cửa ra hẻm không đúng.

Trả lời khiếu nại của các hộ dân, UBND Q.Phú Nhuận khẳng định hẻm 440/26 là đất công cộng, do Nhà nước quản lý. Cơ quan chức năng cho nhà đối diện trổ cửa ra hẻm là hợp pháp.

Luật chưa điều chỉnh

Hiện chưa có quy định điều chỉnh về việc trổ cửa đi, cửa phụ ra đường hẻm công cộng. Năm 2010, Sở Xây dựng TP.HCM có công văn hướng dẫn UBND Q.10 về việc trổ cửa đối với nhà ở trong khu dân cư hiện hữu, đây là cơ sở để các địa phương giải quyết việc trổ cửa.

Theo Sở Xây dựng, việc trổ cửa phải được cơ quan chức năng xem xét giải quyết trong từng trường hợp cụ thể.

Lãnh đạo UBND P.26 (Q.Bình Thạnh) cho rằng hẻm là lối đi công cộng chứ không thuộc quyền sử dụng riêng của các hộ dân trong hẻm. Việc cơ quan chức năng cấp phép cho một hộ nào đó tách thửa, trổ cửa phù hợp với quy định thì hộ được trổ cửa không nhất thiết phải xin phép hay được sự đồng ý của các hộ trong hẻm.

Tất nhiên nếu có sự thuận thảo, hòa hợp giữa người trổ cửa và các hộ dân trong hẻm thì vẫn tốt hơn.

Ông Nguyễn Quốc Việt, phó chủ tịch UBND P.15 (Q.Gò Vấp), cũng khẳng định việc trổ cửa do cơ quan nhà nước xem xét quyết định chứ không nhất thiết phải được các hộ dân đồng ý.

* Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG (Đoàn luật sư TP.HCM):

Phải có quy định

Theo tôi, UBND TP.HCM nên có văn bản điều chỉnh vấn đề này. Hẻm vốn là đường công cộng, là lối đi chung của người dân không những trong hẻm mà còn của cả khách vãng lai. Những căn nhà giáp hẻm, đường tuy không có cửa trổ ra nhưng cũng bị ảnh hưởng của quy hoạch lộ giới, hẻm giới, bị ảnh hưởng tiếng ồn từ những hoạt động trong hẻm...

Vì vậy, quyền được trổ cửa ra hẻm của chủ nhà cần được xem xét một cách công bằng. Nếu như chủ nhà muốn trổ cửa thỏa thuận được với những hộ khác trong hẻm thì rất tốt, cơ quan chức năng nên cho phép họ trổ cửa không cần những điều kiện khác.

Cần lưu ý, việc quy định phải có sự đồng ý của các hộ dân trong hẻm là rất khó, chủ quan và tùy nghi, chưa kể “chín người mười ý”, cho nên rất cần phải có một văn bản quy định điều kiện chung để áp dụng thống nhất trên địa bàn TP.

 

D.NGỌC HÀ - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên