27/12/2014 09:30 GMT+7

​Nỗi khổ của một người bị oan sai

TẤN THÁI
TẤN THÁI

TT - Bị người khác giả mạo chữ ký của cha để chiếm trên 1.200m2 đất nhưng vẫn bị chính quyền ba cấp xử thua.

Bà Nguyễn Kim Phượng - Ảnh: T.Thái

Dù đã được cấp trung ương giải quyết cho thắng kiện nhưng đến nay, sau 25 năm, mọi chuyện vẫn còn nhùng nhằng, chưa giải quyết xong.

Đó là chuyện của bà Nguyễn Kim Phượng ở phường 8, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Giả mạo chữ ký để chiếm đất

Bà Phượng cho biết chuyện của bà cứ như “từ trên trời rơi xuống”. Cha của bà là ông Nguyễn Văn Quán mất vào năm 1979, mười năm sau, ông Tô Văn Hiền (người sống cùng địa phương) chìa ra giấy đòi phần đất diện tích 1.260m2 mà ông Quán trước khi chết sang cho ông Hiền. Bằng chứng ông Hiền đưa ra là tờ giấy viết tay (ghi ngày 24-6-1971). 

Khi ông Hiền đưa sự việc ra chính quyền giải quyết thì ngày 6-5-1994, UBND phường 8, thị xã Cà Mau (nay là TP Cà Mau), tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau) ra quyết định buộc bà Phượng giao đất cho ông Hiền. Không bằng lòng với quyết định này, bà Phượng khiếu nại lên cấp trên.

Ngày 28-11-1994, UBND thị xã Cà Mau giữ nguyên quyết định của UBND phường 8. Bà Phượng tiếp tục khiếu nại thì ngày 10-2-2000, UBND tỉnh Cà Mau ra quyết định chuẩn y quyết định của UBND thị xã Cà Mau.

Bà Phượng kể: “Khi nhận được các quyết định tôi rất bức xúc. Trong quá trình khiếu nại, tôi biết rõ giấy tờ mua bán giữa cha tôi và ông Hiền là giả mạo. Chữ ký của cha tôi cũng được giám định là giả. Tôi để chồng con ở lại nhà, còn tôi ra Hà Nội kêu oan”.

Sau khi được UBND tỉnh Cà Mau chuẩn y, chính quyền địa phương buộc bà Phượng giao đất cho ông Hiền. Mỗi lần cưỡng chế thì bà Phượng cất nhà lại, rồi tiếp tục bị cưỡng chế. Cuối cùng bà Phượng cũng phải giao đất cho ông Hiền.

Không trả đất, chỉ trả tiền

28 cán bộ bị kiểm điểm

Liên quan đến vụ giải quyết tranh chấp đất giữa bà Nguyễn Kim Phượng với ông Tô Văn Hiền, UBND tỉnh Cà Mau cho biết có 28 cán bộ bị kiểm điểm vì tham mưu đề xuất chưa đúng pháp luật.

Trong đó có ông Nguyễn Văn Diệp, ông Lê Hồng My (cả hai nguyên là phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau), ông Kiều Minh Đấu (nguyên chủ tịch UBND thị xã Cà Mau), ông Nguyễn Thanh Đằng (nguyên chủ tịch UBND phường 8)...

Ngoài ra, còn có nhiều cán bộ là lãnh đạo trong ngành công an, thanh tra tỉnh, cơ quan tiếp dân, HĐND tỉnh... cũng bị kiểm điểm. Hiện có cán bộ đã nghỉ hưu, có cán bộ đang tại chức.

Sau nhiều năm khăn gói ra Hà Nội kêu oan, cuối cùng bà Phượng cũng kêu thấu “cung đình”.

Ngày 20-4-2007, phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng làm việc với các bộ, ngành trung ương và UBND tỉnh Cà Mau để giải quyết vụ việc khiếu nại của bà Phượng.

Tại cuộc họp này, sau khi thu thập tất cả hồ sơ có liên quan, Bộ Tài nguyên - môi trường khẳng định khiếu nại của bà Phượng là đúng, cách giải quyết của UBND tỉnh là sai. Trên cơ sở đó, phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ đạo: UBND tỉnh Cà Mau nhanh chóng xử lý, giải quyết cụ thể khiếu nại của bà Phượng. Cách giải quyết có lý có tình, phù hợp với tình hình thực tế và có tính khả thi.

Sau đó, ngày 16-7-2007, UBND tỉnh Cà Mau có quyết định số 44 thu hồi các quyết định “trái pháp luật trước đây”, buộc ông Tô Văn Hiền và các cá nhân (vì sau khi ông Hiền nhận đất đã bán cho người khác) giao đất cho bà Phượng. Nhận được quyết định này, tưởng đâu chuyện khiếu nại của bà Phượng đã kết thúc.

Tuy nhiên, khi bà Phượng làm đơn yêu cầu đến UBND tỉnh Cà Mau thực thi quyết định thì không được giải quyết trả đất.

Ngày 12-11-2007, UBND tỉnh Cà Mau lại ra quyết định thay đổi trả đất bằng bồi thường giá trị quyền sử dụng đất (3,3 tỉ đồng). Không bằng lòng nên bà Phượng tiếp tục khăn gói ra trung ương khiếu nại.

Kể lại sự việc ra Hà Nội khiếu nại “tập 2”, bà Phượng kể: “Thời gian này, gia cảnh tôi trở nên rất khó khăn, hằng ngày tôi phải ở “khách sạn ngàn sao” đó là vườn hoa Mai Xuân Thưởng (gần hồ Tây). Ban ngày lượm ve chai kiếm sống và đi khiếu nại.

Ba năm khiếu nại tại đây tôi được Văn phòng tiếp dân Trung ương Đảng thông báo là sự việc của tôi giải quyết xong, tôi đã nhận tiền (theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau) nên nơi đây không tiếp nhận khiếu nại của tôi. Thật ra tôi đâu có nhận đồng nào. Tôi đưa các bằng chứng cho thấy tôi chưa nhận tiền thì ít lâu sau UBND tỉnh Cà Mau cử người ra đón tôi về và hứa giải quyết dứt điểm”.

“Tưởng đâu lần này sẽ được tỉnh giải quyết dứt điểm, nào ngờ khi về địa phương, UBND tỉnh Cà Mau vẫn không trả đất cho tôi” - bà Phượng bức xúc nói.

Theo bà Phượng, sau khi được vận động về, ngày 10-10-2011 UBND tỉnh Cà Mau tiếp tục ra quyết định bồi thường giá trị quyền sử dụng đất, lúc này nâng lên 6,6 tỉ đồng. Bà Phượng không đồng ý và lại khiếu nại vì cho rằng giá trị phần đất trên cao hơn nhiều so với giá trị mà UBND tỉnh bồi thường. Và sự việc kéo dài cho đến nay.

Trả lời câu hỏi xung quanh việc bao giờ giải quyết khiếu nại của bà Phượng, một lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau (người từng ký quyết định giải quyết khiếu nại đối với bà Phượng) nói: “UBND tỉnh vẫn giữ quan điểm bồi thường tiền cho bà Nguyễn Kim Phượng.

Sở dĩ không thực hiện trả đất như quyết định ban đầu là do ông Hiền sang nhượng đất cho người khác nên khó thu hồi. Số tiền bồi thường giá trị đất 6,6 tỉ đồng được các cơ quan chuyên môn tỉnh Cà Mau thẩm định khách quan, sát giá trị thực tế. Chúng tôi gửi số tiền này vào ngân hàng và hiện đang phát sinh lãi. Việc gửi tiền bồi thường vào ngân hàng xem như đã chi trả cho bà Phượng”.

* Luật sư LÊ THANH THUẬN (Đoàn luật sư tỉnh Cà Mau):

Chính quyền bất nhất khiến công dân nghi ngờ

Qua hồ sơ vụ việc bà Nguyễn Kim Phượng, tôi thấy sau khi có ý kiến của Chính phủ, UBND tỉnh Cà Mau đã nghiêm túc tiếp thu, thể hiện bằng việc ban hành quyết định trả đất cho bà Phượng.

Nhưng sau đó, UBND tỉnh Cà Mau lại ra liên tiếp hai quyết định: quyết định 1733 (ngày 12-11-2007) và quyết định 72 (ngày 10-10-2011) “trả tiền” chứ không trả đất. Theo luật thì UBND tỉnh Cà Mau có thẩm quyền điều chỉnh nội dung quyết định từ trả đất sang trả tiền nếu thấy trong quá trình thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc.

Tôi thấy một trong những nguyên nhân khiến bà Phượng khiếu nại lâu dài là do UBND tỉnh Cà Mau chưa nhất quán trong việc ban hành các quyết định (khi trả đất, khi trả tiền, quyết định trả tiền sau cao hơn quyết định trước).

Chính điều này làm bà Phượng nghi ngờ. Nếu ngay từ đầu, khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Cà Mau cân nhắc kỹ lưỡng rồi mới ban hành quyết định thì tính khả thi sẽ cao.

Qua thực tế, tôi thấy cùng một vụ việc, cơ quan nhà nước ra nhiều quyết định khác nhau nên thường dẫn đến tâm lý nghi ngờ của công dân, khiến khiếu nại kéo dài. 

TẤN THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên