14/11/2013 13:00 GMT+7

Bàn tiếp "Quyền được giữ im lặng"

HOÀNG ĐIỆP ghi
HOÀNG ĐIỆP ghi

TT - Trong bài trả lời phỏng vấn (Tuổi Trẻ 12-11), bà Lê Thị Thu Ba (ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương) nói: Tố tụng hình sự của chúng ta cũng phải tiến tới khi có đủ điều kiện, quy định về quyền được giữ im lặng của bị can, bị cáo một cách phù hợp.

Chúng tôi giới thiệu tiếp một số ý kiến.

* Luật sưTRẦN HỒNG PHONG:

Cần được quy định ngay trong Hiến pháp

“Quyền im lặng” thực chất là việc triển khai và cụ thể hóa quyền bào chữa của bị can, bị cáo, vốn đã được pháp luật quy định từ lâu. Nếu được áp dụng chắc chắn sẽ góp phần chuyển biến đột biến, hạn chế cơ bản tình trạng nhục hình, ép cung, bức cung, bảo đảm việc điều tra, truy tố và xét xử thật sự khách quan, đúng pháp luật.

Hiến pháp và pháp luật nước ta trước nay đều quy định “nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân”. Việc mới đây VN chính thức tham gia Công ước chống tra tấn và ngày 12-11-2013 được bầu vào Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc được hiểu là Nhà nước VN chính thức công khai và cam kết nâng cao quyền con người, trong đó có quyền bào chữa. Như vậy, việc thực hiện “quyền im lặng” cũng chính là thực hiện cam kết của mình.

Quyền im lặng từ lâu được áp dụng tại rất nhiều nước. Hiến pháp nhiều nước quy định khi bắt giữ một người phải có luật sư chứng kiến hoặc phải giải thích quyền được mời luật sư. Chẳng hạn hiến pháp Nhật Bản quy định “không ai bị giam giữ nếu không được thông báo tội trạng và không có luật sư bênh vực”. Trong luật tố tụng hình sự Mỹ quy định rõ cảnh sát phải giải thích cho người bị bắt và thực thi việc đương sự có quyền im lặng cho đến khi mời luật sư.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, điều 32 có quy định mới là “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa”. Tôi từng có ý kiến đóng góp rằng cần bổ sung “Người thực hiện lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam phải giải thích quyền được mời luật sư chứng kiến việc bắt, hỏi cung và hỗ trợ pháp lý của công dân”.

Hiện nay có thực tế là rất nhiều cán bộ điều tra quan niệm rằng có luật sư tham dự hỏi cung sẽ làm “cản trở” hay “vướng”, kéo dài việc điều tra. Quan niệm như vậy có nguyên căn từ sự tự ti, non kém nghiệp vụ và muốn làm sai pháp luật mà không ai biết. Chính điều này là nguồn gốc của hàng loạt vụ án oan, án kéo dài, “kỳ án”... gây bức xúc và đánh mất niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp.

* ÔngĐỖ ĐỨC VĨNH(kiểm sát viên cao cấp Viện KSND tối cao):

Một số trại tạm giam đã thí điểm lắp đặt camera

Đối với cơ quan công an, việc bố trí cách làm việc cũng được coi là một quy trình giám sát lẫn nhau. Ví dụ một nghi phạm, can phạm đang bị tạm giam thì người đó thuộc sự quản lý của quản giáo và cán bộ trại giam. Cán bộ của trại phải có trách nhiệm đối với sức khỏe của các can phạm ở trong trại, nếu các điều tra viên trích xuất can phạm rồi đánh đập ảnh hưởng đến sức khỏe thì cán bộ trại giam hoàn toàn có thể báo cáo với viện kiểm sát về việc này.

Ngoài ra, để các nghi phạm, can phạm được thực hiện “quyền được im lặng” của mình thì cần đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất cho các trại tạm giam và phòng hỏi cung. Một số trại tạm giam thuộc Bộ Công an đã thí điểm lắp đặt camera ghi hình lại các cuộc thẩm vấn và lấy cung. Có như vậy, mọi lời khai được coi là “phản cung” trước tòa mới có căn cứ để xem xét.

* Luật sưTRỊNH VĨNH PHÚC(Đoàn luật sư TP.HCM):

Cần luật hóa điều khoản về “quyền im lặng”

Theo tôi, quyền được im lặng của nghi phạm, can phạm cần thiết được quy định trong luật. Quyền im lặng của nghi phạm, can phạm chỉ được thực hiện khi có luật sư tham gia từ đầu vụ án.

Trong quá trình làm công việc luật sư, tôi nhận thấy rất nhiều bị cáo cho rằng mình đã bị bức cung, nhục hình nhưng tòa không thể xem xét những lời khai này bởi quy trình thủ tục điều tra viên làm rất chặt. Thực tế không có ai điên rồ, ngu xuẩn tự nhận mình phạm tội rồi lại kêu oan. Nhiều cán bộ trại giam nói với tôi rằng khi trích xuất nghi phạm đang bị tạm giam để lấy cung, nếu các nghi phạm này bị đánh mà la thật to lên thì anh em cán bộ trại nghe tiếng sẽ đưa họ vào trại luôn, không cho điều tra viên lấy cung nữa. Tôi biết có nhiều cán bộ trại giam rất tốt, bức xúc với việc cán bộ điều tra bức cung, dùng nhục hình.

Đáng lẽ tòa và viện kiểm sát cần phải xem xét lại lời bị cáo khai bị ép cung bằng nhiều cách như kiểm tra xem cán bộ trại giam nào đưa bị cáo đi lấy cung, sau khi lấy cung xong về buồng giam có kể việc mình bị đánh đập không? Tôi tin rằng viện kiểm sát hoàn toàn có thể điều tra được, nhưng tôi cảm giác bây giờ các cơ quan tố tụng đang nể và ngại nhau, tòa ngại viện kiểm sát, viện kiểm sát ngại cơ quan điều tra. Không ít lần tôi đã chứng kiến việc chủ tọa phiên tòa bắt bị cáo ngưng khai khi bị cáo nêu tên một điều tra viên nào đó đã bức cung mình.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Tiến tới quy định “quyền được giữ im lặng”Thay đổi chính sách để hạn chế oan saiLàm thế nào để chống bức cung?Công an Bắc Giang thừa nhận “đây là việc tày đình”Nên khởi tố vụ án điều tra việc có ép cung không

HOÀNG ĐIỆP ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên